Phúc Ninh đừng để khó mình
- Cập nhật: Thứ ba, 5/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình nằm ở ven vùng Đông hồ Thác Bà. Cách đây 2 năm, nơi đây được ví như một ốc đảo, đến xã phải đi bằng đường thủy và đường bộ, song con đường mà được nhiều người dân lựa chọn là đường thuỷ do đường bộ rất khó đi và lầy lội. Không chỉ có vậy, diện tích đất đai canh tác lại ít, bình quân mỗi nhân khẩu chưa đầy 360m2 ruộng, trình độ dân trí không đồng đều, vì vậy cái đói cái nghèo vẫn bám lấy người dân trong xã…
Bí thư Đảng ủy xã Lý Văn Vinh cho biết: "Toàn xã có 237 hộ dân với trên 1.163 nhân khẩu nhưng chỉ có chưa đầy 34 ha ruộng lúa nước, trong đó diện tích cấy 2 vụ là 21,4 ha. Mặc dù xã đã vận động nhân dân tích cực đầu tư thâm canh, tăng năng suất song vẫn không thể đảm bảo được an ninh lương thực tại chỗ. Lao động thì thừa ra đấy song không có đất sản xuất, người dân lại tha hương tìm kiếm việc làm. Trên 40 % lao động sống bằng nghề khai thác đánh bắt thuỷ sản trên hồ Thác Bà, số còn lại chẳng có việc làm. Trên diện tích 956 ha đất rừng thì chỉ có 249 ha là được trồng rừng, nay cũng đã được giao cho các hộ quản lý và đã trồng hết. Xã cũng đã vận động nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn song bãi chăn thả không có do vậy cũng chỉ phát triển mạnh được. Từ các yếu tố đó, cuộc sống người dân xã Phúc Ninh vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao gần 40%, không có hộ giầu. Nhà ở trong dân không còn cảnh nhà tranh tre, nứa lá nhưng hiện nay cả xã mới chỉ có duy nhất một hộ làm được nhà xây".
Quả là khó cho Phúc Ninh, xã thì nhỏ, người dân chủ yếu là đồng bào di dân từ lòng hồ để xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà từ năm 1965. Những gì mà Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã làm được trong những năm qua thật đáng khích lệ nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của mình để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đành rằng diện tích ruộng, đất rừng có ít nhưng bù lại xã còn có cả nghìn ha mặt nước hồ đó chẳng phải là tiềm năng hay sao. Phát triển kinh tế đâu chỉ có dựa vào diện tích lúa nước, đất rừng, cái chính là phải biết phát huy nội lực, tìm hướng đi phù hợp điều kiện kinh tế, đất đai, địa phương! Hàng trăm lao động cứ sáng sáng, chiều chiều đi đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ, dựa vào những vận may để kiếm sống. Những lao động này có thâm niên trong đánh bắt thuỷ sản vậy tại sao không vận động họ chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản? Nuôi trồng thủy sản cũng tạo một nguồn thu lớn, mà thực tế đã có nhiều nơi đã khá thành công trong lĩnh vực này.
Trả lời những câu này, Bí thư Đảng ủy Lý Văn Vinh lý giải: "Đảng bộ và chính quyền huyện cũng đã chỉ đạo nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa có một hộ dân nào tham gia. Cái lý của bà con là nuôi trồng thuỷ sản phải có vốn, kỹ thuật, cùng với nước hồ không nuôi trồng thuỷ sản được, nếu làm là lỗ!". Những suy nghĩ đó của người dân không phải là không có cơ sở, bởi người dân muốn nhìn thấy và chắc ăn mới làm.
Thiết nghĩ, huyện, Trung tâm Thuỷ sản và cần xã tạo điều kiện hơn nữa cho các hộ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi cá phù hợp điều kiện mặt nước. Thông qua các mô hình, qua tập huấn kỹ thuật cùng với thâm niên trong nghề đánh bắt thủy sản của mình, người dân chắc chắn sẽ làm được và phát huy hiệu quả! Một lợi thế nữa là nguồn thức ăn cho cá, tôm phần lớn là chế biến và có sẵn tại địa phương. Phát huy tốt diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản cùng với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thâm canh lúa, trồng rừng, chắc chắn Phúc Ninh sẽ xóa đói giảm nghèo thành công.
Ngọc Nghiên
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã khảo sát danh sách người nghèo cần được hỗ trợ thẻ BHYT, để đề nghị các cấp hỗ trợ. Vừa qua, huyện đã cấp 17.205 thẻ BHYT cho người nghèo ở 12 xã, thị trấn đồng thời qua kiểm tra rà soát đã thu hồi lại 27 thẻ cấp không đúng đối tượng do sai tên tuổi, giới tính.
YBĐT - Muối iốt được coi là một phương thức đặc hiệu để phòng chống bệnh bướu cổ. Để làm tốt công tác phòng chống bệnh bướu cổ, Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Nghĩa Lộ đã tiến hành kiểm tra, giám sát 7 xã, phường với gần 100 điểm bán muối và 2.500 người dân đều thấy có sử dụng chế phẩm muối iốt; xét nghiệm 5.370 mẫu muối và bột canh thì 95% đạt yêu cầu. Đã có 2.585 người được khám tuyến giáp, 118 người được điều trị ngoại trú. Trung tâm đã mở 1 lớp tập huấn cho tuyến y tế xã, phường về công tác quản lý, giám sát, khám và điều trị bệnh bướu cổ trên địa bàn.
YBĐT - Vừa qua, tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã tổ chức bế giảng lớp Đại học tại chức chuyên ngành Kinh tế chính trị khóa II ( 2005 - 2007).
YBĐT -Ngành GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ có 434 công nhân viên chức, lao động, với 23 đơn vị công đoàn cơ sở. Xác định rõ, muốn nâng cao chất lượng dạy và học, trước hết phải xây dựng được đội ngũ giáo viên đủ tâm và tài, trong những năm qua, Công đoàn ngành đã phát huy vai trò, sức mạnh, hỗ trợ đoàn viên cả vật chất lẫn tinh thần.