Năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều ở xã Nậm Khắt là 12,48%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 6,49%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,99%, tương đương giảm 126 hộ nghèo, 87 hộ cận nghèo so với năm 2022. Để có được kết quả này, ngay từ đầu mỗi năm, xã tiến hành rà soát, phân tích các đối tượng, lập danh sách dự kiến thoát nghèo trong năm theo các nhóm nguyên nhân nghèo. Từ đó, giúp xã xác định các chính sách, giải pháp cụ thể, phù hợp hỗ trợ hộ nghèo có thêm động lực vươn lên.
Chị Phàng Thị Dê ở bản Cáng Dông từng là hộ nghèo của xã và một trong những nguyên nhân nghèo là thiếu vốn sản xuất; dẫn đến không có nguồn sinh kế ổn định. Bản thân chị Dê cũng vẫn tồn tại lối sống tự cung, tự cấp như bao người Mông ở vùng này nên chưa mạnh dạn trong phát triển kinh tế. Với những rà soát, phân tích này, xã Nậm Khắt đã tích cực tuyên truyền, vận động, định hướng các bước đi để chị Dê có thể thoát nghèo.
Chị Dê chia sẻ: "Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, gia đình mình đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi lợn và trồng hoa hồng. Cán bộ khuyến nông xã còn hướng dẫn cách chăm sóc và có gì không hiểu thì cán bộ đều đến tận nhà nhiệt tình giúp đỡ. Xã còn kết nối hỗ trợ mình vật tư làm nhà, sửa chữa chuồng trại. Năm ngoái, mình thoát nghèo rồi!”. Cùng cách làm tương tự, hơn 2 năm nay, xã Nậm Khắt đã đồng hành cùng 293 hộ thoát nghèo như thế.
Bên cạnh sự đồng hành cụ thể từng hộ nghèo, xã còn làm tốt công tác ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đưa các chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn ưu đãi; tích cực tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Nậm Khắt còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, hợp tác xã (HTX) phát triển sản xuất quy mô hàng hóa, giúp vùng này có nhiều đột phá trong tư duy sản xuất nông nghiệp. 4 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân ở Nậm Khắt có thu nhập từ việc cho HTX thuê đất với giá trị 40 triệu đồng/ha; gần 100 lao động có thêm thu nhập từ việc làm thuê cho HTX, cùng rất nhiều người dân đã chủ động học hỏi, tham gia vào mô hình liên kết với các HTX để trồng rau, cải mầm đá, hoa hồng…
Nhiều hộ đồng bào cũng đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác các thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu để phát triển thành hàng hóa tiêu thụ được ra thị trường. Tiêu biểu như ông Thào Nhà Của ở bản Hua Khắt với mô hình trồng hồng giòn, anh Thào A Phổng với mô hình chăn nuôi lợn rừng, chị Lý Thị Phếnh ở bản Làng Sang với mô hình trồng hoa hồng… Riêng năm 2023, người dân xã Nậm Khắt đã chuyển đổi 14,5 ha từ trồng lúa sang 1,5 ha rau màu và 13 ha hoa hồng.
Ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: "Nhiều năm nay, xã đã tận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, chính sách của tỉnh, của huyện… để phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, nhà ở, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt... Nhờ đó, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân có nhà ở đảm bảo 3 cứng đạt 98%; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,7%; 93% hộ dân có nhà vệ sinh; tỷ lệ trẻ em được đi học đúng độ tuổi đạt cao…”.
Với sự hỗ trợ từ các chính sách đúng đắn, phù hợp, sự thay đổi, nỗ lực chủ động vươn lên của mỗi người đã giúp người dân ở Nậm Khắt nâng cao thu nhập, hoàn thiện các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.
Hoài Anh