Số liệu từ Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất thống kê chỉ trong ba ngày đầu tháng 2-2024 có 1.100 chuyến bay nhưng có gần 60% chuyến bay delay và 40 chuyến bị hủy.
Bay Tết "khổ" với sương mù, delay liên tục
Số liệu khiến nhiều người hoang mang. Hành khách bày tỏ bức xúc tại sao delay xảy ra trầm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày cao điểm Tết.
Vì sao chỉ trong 3 ngày, gần 700 chuyến bay ở Tân Sơn Nhất bị chậm, hủy?
Trung bình Tân Sơn Nhất khai thác 800 - 900 chuyến bay/ngày với sản lượng khách 130.000 lượt/ngày, trong đó chủ yếu khách quốc nội "đi", tức chiều từ TP.HCM bay đến các tỉnh thành khác.
Mắt xích chuỗi delay dây chuyền căng thẳng trong vài ngày qua, phần lớn nguyên nhân được xác định do thời tiết sương mù ở phía Bắc, máy bay không thể cất, hạ cánh. Từ đó, các chuyến bay xuất phát từ Tân Sơn Nhất delay kéo dài, nhiều chuyến chậm giờ khởi hành từ sáng tới đêm.
Ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, vừa ký chỉ thị tăng cường đảm bảo khai thác trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Cục Hàng không cho biết ngày 2 và 3-2-2024, các cảng hàng không phía Bắc có hiện tượng sương mù dày đặc, trần mây thấp, tầm nhìn hạn chế gây ảnh hưởng trực tiếp đến khai thác tàu bay, khiến hàng loạt chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh tại các sân bay dự bị hoặc bị hủy, hoãn, chậm giờ.
Hiện tượng này còn dự báo kéo dài đến 8-2, tức 29 Tết, đặc biệt các thời điểm từ đêm đến đầu giờ sáng, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phó tổng giám đốc một hãng bay cho biết các hãng đã nỗ lực hết mình để giải tỏa khách. Tính đến khuya 3-2 và rạng sáng 4-2, toàn bộ hành khách bị ảnh hưởng delay đã được bay, hành trình về quê đón Tết tuy mệt nhưng an toàn.
Theo vị này, thời tiết là yếu tố bất khả kháng. Hãng bay cũng chịu ảnh hưởng nặng, lịch bay bị "nát", bị động hoàn toàn.
Trong kế hoạch khai thác, các hãng đã tính đến các tình huống "xấu" nhưng sương mù liên tiếp trong 2 ngày khiến loạt chuyến bay không thể cất, hạ cánh hoặc chuyển hướng sân bay khác.
Cứ một chuyến bay chậm vài chục phút là dây chuyền chuyến bay trong ngày bị ảnh hưởng nặng nề.
"Ngày 4-2 rất may bay ổn định. Vài ngày tới nếu thời tiết trở lại ổn định sẽ không có gì quá căng thẳng như mấy ngày qua" - vị này nói.
Máy bay nạp thêm nhiên liệu, hội ý kỹ với tổ bay nước ngoài
Để đảm bảo an toàn khai thác, Cục Hàng không Việt Nam đã ra loạt yêu cầu các doanh nghiệp hàng không sẵn sàng phương án trong trường hợp thay đổi kế hoạch khai thác.
Với hãng bay, tăng cường công tác chuẩn bị, hội ý (briefing) trước chuyến bay cho phi công lái về diễn biến thời tiết và khả năng tiếp thu của các sân bay khai thác để điều chỉnh kế hoạch bay trong trường hợp cần thiết sử dụng sân bay dự bị phù hợp.
Bổ sung nhiên liệu bay vòng chờ, bay chuyển hướng cần thiết đảm bảo an toàn khai thác bay. Đồng thời hỗ trợ tối đa hành khách theo quy định của pháp luật trong trường hợp chậm, hủy, chuyển hướng bay.
Với các hãng bay nước ngoài đang cung cấp dịch vụ thuê ướt, các hãng bay phổ biến chỉ thị này đến các tiếp viên, phi công nước ngoài.
Các cảng hàng không, quản lý bay, cảng vụ hàng không đã được Cục Hàng không Việt Nam triển khai công tác chuẩn bị, kế hoạch chủ động phối hợp khai thác đảm bảo an toàn bay trong điều kiện thời tiết bất lợi.
(Theo TTO)