17 năm làm Chủ tịch Hội LHPN huyện Trấn Yên, chị Bồ Thị Hoa nhận những cái nhất về mình: là cán bộ Hội kỳ cựu nhất, thời gian gắn bó với Hội lâu nhất và cũng có nhiều kỷ niệm nhất trong công tác Hội. Dãy dài chuyện công tác Hội, những ngày khó khăn thuở xưa chị làm sao quên: "Cái thuở phong trào hội phụ nữ (HPN) có xã còn "ngủ yên”, tôi được phân công xuống cơ sở, rồi thì ở lại xã cả hàng tuần. Tối đốt đuốc đi cùng chủ tịch HPN xã lúc đó còn gọi là hội trưởng phụ nữ xã, đến từng nhà có phụ nữ trong độ tuổi để vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội, khơi dậy phong trào phụ nữ”.
Nhắc khó khăn ngày trước, khó từ chuyện vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội, mới thấy có được phong trào phụ nữ như ngày hôm nay, là bao công sức, trách nhiệm và tình yêu với công tác Hội của những cán bộ chuyên trách như chị Hoa đã bỏ ra để cùng chị em khơi dậy phong trào phụ nữ từ cơ sở. Lăn lộn với cơ sở, nhiều kỷ niệm chị Hoa chẳng bao giờ quên được.
Chị kể: "Là hôm đi Kiên Thành bằng xe đạp về tối, cả người cả xe đi nhờ trên chiếc xe ô tô chở gỗ mà xe nào có thùng, chỉ có mấy cái cọc. Là hôm đi đại hội HPN cũng ở Kiên Thành, "ăn cơm” đại hội là mì tôm. Là hôm đi xã, tối ăn măng luộc chấm muối với cơm… Mộc mạc vậy nhưng càng thấy được tình cảm chị em, cô cháu chia ngọt, sẻ bùi. Chị em chúng tôi từ trong khó khăn mà gây dựng phong trào phụ nữ, triển khai nhiệm vụ công tác Hội mà thêm gắn bó, ấy là những tình cảm thật đáng trân quý, là thứ tài sản tôi có được trong cuộc đời công tác của mình”.
Suốt nhiều năm tháng làm cán bộ Hội, điều chị hiểu, chị thấy cũng là điều chị muốn chị em cùng hiểu, cùng thấy. "Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm tới phong trào phụ nữ và bình đẳng giới. Thấy rõ sự quan tâm đó, cán bộ Hội luôn tích cực vận động chị em ở cơ sở chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho mỗi gia đình và xã hội” - chị tỏ bày.
Hơn 10 năm gắn bó với công tác phụ nữ nơi vùng cao, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải Sùng Thị Mỷ kể sao hết bao buồn vui cùng chị em mà chỉ ở vùng cao mới có. Bàn chân chị đã đến bao bản làng, thấy bao bàn chân nứt nẻ dưới bóng dáng lầm lũi hay chị cũng đã gặp bao ánh mắt cam chịu của những phụ nữ Mông. Sâu tâm can chị Mỷ là ước muốn làm gì đó để những bóng dáng ấy không còn lầm lũi, những ánh mắt không còn cam chịu…
Phải luôn bắt đầu từ nhận thức. Muốn đổi thay nhận thức phải tuyên truyền. Nhiệt huyết và kiến thức ở vùng cao thôi chưa đủ, còn cần cả sự khôn khéo ứng xử trước những "tư duy không ngờ” tới của đồng bào. Chị kể, lần đi tuyên truyền tại chi hội về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sinh đẻ kế hoạch nhiều năm trước, tôi nói xong, một cánh tay giơ lên xin phát biểu. Đó là chồng của một chị hội viên. Anh đi họp thay chị vợ ốm. Anh bảo: "Tôi thấy chị nói đúng nhưng mà bây giờ sinh 2 đứa con, lớn lên đứa chơi điện tử, đứa nghiện thì về già chúng tôi biết trông dựa vào ai. Nên là chúng tôi xin Nhà nước cho chúng tôi sinh thêm con, còn có chỗ dựa dẫm tuổi già”.
Tất thảy các hội viên đều im lặng, cứ như một sự đồng tình vậy. Nghĩ rồi tôi giải thích thế này: "Tất cả chúng ta ngồi đây đều là những người cha, người mẹ. Và mỗi một em bé khi được sinh ra, mỗi người cha, người mẹ chúng ta đều hy vọng con sẽ khôn lớn, thành công, hạnh phúc… Nhưng nếu người làm cha, làm mẹ chúng ta không chăm sóc, nuôi dạy con được tốt, nhất là khi nhà đông con thì càng không có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ con, thì đứa con sinh thêm ấy có chắc chắn trở thành đứa con ngoan, đứa con tốt để chúng ta có thể dựa dẫm tuổi già hay là lại thêm một nỗi buồn nữa cho gia đình? Sinh ít con để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn thì cơ hội con cái trưởng thành, thành người có ích cho gia đình và xã hội càng nhiều hơn. Nghe tôi nói xong, chị em hội viên gật gù đồng thuận, như thể đã thông lắm cái suy nghĩ, vứt bỏ hẳn cái ấp ủ muốn sinh thêm nhiều con”.
Hay chị kể, có lần chị đi tuyên truyền sản xuất đông xuân tăng vụ ở xã Khao Mang, một hội viên phát biểu: "Xưa nay người Mông chỉ trồng lúa 1 vụ, có thấy ai bảo lúa chín vào mùa rét này đâu. Chúng tôi không tin Nhà nước, không tin cán bộ được. Cán bộ chỉ xui chúng tôi trời rét thế này mà vẫn lội ruộng thôi, để cán bộ lấy thành tích, lấy giấy khen”.
Chị Mỷ nhớ rõ: "Chị hội viên ấy tên Sùng Thị Chư ở bản Dề Thàng. Khi chị Chư nói vậy, các chị em khác cũng như thể thấy đó là đúng”. Bữa đó, chị Mỷ rành rọt nói với chị em: "Khi các chị em thu hoạch lúa thì có mang đi cho Nhà nước không, có mang đi cho cán bộ không? Hay khi chị em đói nghèo, thiếu ăn thì Nhà nước lại phải quan tâm chúng ta. Nhà nước, cán bộ nói bà con làm thêm vụ chính là quan tâm tới bà con, tới chị em đó. Giờ không làm thêm vụ, thì gia đình chị em vẫn chỉ có ngần đó thóc lúa như những năm qua thôi, mà vậy thì có khổ không?...”.
Chị em còn hỏi nhiều điều - những điều chị em còn lăn tăn, do dự vì chưa từng làm, chị Mỷ cứ kiên trì giải thích, tuyên truyền, dần thì các chị em cũng hiểu ra. Vụ lúa đó, nhà chị Sùng Thị Chư lần đầu tiên được thu hoạch lúa trái mùa. Chị Mỷ được gia đình chị Chư mời ăn bữa cơm mới đầu tiên của vụ trái mùa. Giờ chị Sùng Thị Chư đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong sản xuất lúa đông xuân và là thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Khao Mang - hợp tác xã đi đầu trong phát triển kinh tế của xã Khao Mang.
Làm cán bộ Huyện hội, với chị Mỷ, mừng nhất là thấy chị em có nhận thức mới, tư duy mới, cuộc sống mới, bớt những khó khăn, cam chịu, thêm những ấm no, mạnh mẽ, tự tin. Hiểu lắm phụ nữ vùng cao nhiều thiệt thòi, chị chỉ muốn sức mình góp thêm lực đẩy cho chị em tự tin cởi bỏ định kiến giới, có thêm những hạnh phúc của người có thể làm chủ cuộc đời mình. Hạnh phúc của ấm no, của tiến bộ ở lại với chị em sau mỗi bước chân mà chị cùng cán bộ Hội đi qua, ấy cũng chính là hạnh phúc, niềm vui không đong đếm được dọc đường công tác Hội của chính bản thân chị.
"Dấu chân đi qua, hạnh phúc ở lại”, hạnh phúc không chỉ cho những hội viên, phụ nữ mà cho chính những cán bộ Hội khi các chị mỗi ngày có thêm tình yêu với công việc, với tổ chức Hội. Tình yêu cũng không phải chỉ có được ở những cán bộ Hội kỳ cựu, nhiều năm gắn bó với công tác Hội mà còn có thể sớm nhen lên trong những cán bộ trẻ tuổi đời, mới "bén duyên” với Hội. Trở thành cán bộ Hội LHPN huyện Yên Bình hồi đầu năm 2020, chị Phan Thanh Yên là Chủ tịch Huyện hội trẻ nhất cho đến thời điểm này. 3 năm gắn bó với công tác Hội chẳng thể nói là dài mà chị tự nhận mình là "lính mới tò te” nhưng cũng đủ để người cán bộ Huyện hội trẻ nhất ấy "đong đầy” kỷ niệm dọc đường công tác Hội.
Chị sẻ chia: "3 năm ngắn ngủi nhưng là quãng "thời gian vàng”. Nhiều thử thách để tôi luyện, nhiều trải nghiệm để thêm hiểu, thêm yêu "mái nhà chung”, để rồi sau mỗi một năm gắn bó, tôi lại thêm những trưởng thành để là cán bộ Hội năng động”. Yêu "mái nhà chung” tổ chức Hội, chị tự hứa hẹn với lòng mình "muốn gắn bó với công tác HPN thật dài lâu”, dù hôm nay còn có những khó khăn, vất vả nhưng ngày mai sẽ có những hạnh phúc nảy nở dưới mỗi bước chân đi qua trong dọc dài công tác Hội.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm khẳng định rằng: "Phong trào phụ nữ tỉnh Yên Bái có được như ngày hôm nay có vai trò rất quan trọng của cán bộ chuyên trách Hội LHPN các huyện, thị, thành phố và các đơn vị. Chúng tôi luôn thấu hiểu những nỗ lực, nhiệt tình và đầy trách nhiệm của các chị em. Các chị vẫn sẽ luôn là những người dẫn dắt, hạt nhân tích cực trong các phong trào xây dựng người phụ nữ Yên Bái thân thiện, nhân ái, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, cần cù, sáng tạo, hội nhập; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; đóng góp quan trọng vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân”.
Thu Hạnh