Gia đình ông Vừ A Lâu ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện
Mù Cang Chải là một trong những hộ bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và tài sản. Ngay sau khi lũ đi qua, nhờ sự trợ giúp kịp thời của cấp ủy, chính quyền và người dân, ông Lâu đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ông Lâu chia sẻ: "Lúc đó, tôi được động viên, quan tâm để ổn định tâm lý, được hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết cũng như hỗ trợ 60 triệu đồng cùng tấm lợp để dựng lại ngôi nhà mới ở nơi an toàn. Vừa qua, tôi cũng nhận 11 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ cho những thiệt hại về hoa màu, gia súc. Vậy là đã có nơi ở an toàn, có tiền vốn để tái đầu tư sản xuất, chắc chắn cuộc sống sẽ được phục hồi tốt hơn. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền nhiều lắm!”.
Còn gia đình anh Triệu Văn Hín ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn cũng nhận được nhiều hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo. Anh Hín chia sẻ: "Tôi được vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo để mua giống quế; được tham gia các lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật để phát triển mô hình; con cái đi học thì được Nhà nước hỗ trợ… Mới đây, tôi cũng được hỗ trợ 50 triệu đồng, vay vốn nhà ở ưu đãi thêm 40 triệu đồng và nhân dân giúp đỡ ngày công để xây dựng ngôi nhà mới đảm bảo 3 cứng. Tất cả những hỗ trợ ấy đã giúp gia đình có thêm động lực, mạnh dạn phát triển kinh tế. Hiện, gia đình phát triển trên 1 ha quế, 3.000 m2 lúa nước và chăn nuôi gia cầm. Bình quân, mỗi năm từ tỉa bán cành quế, gia đình thu về trên 20 triệu đồng, hơn 1 tấn thóc đảm bảo cuộc sống. Cuối năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội bao gồm: người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người có công… nhận được sự quan tâm, chăm lo và hỗ trợ của tỉnh, của cộng đồng để vươn lên khắc phục những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống.
Nhiều năm qua, công tác này luôn được tỉnh triển khai thông qua việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả cao từ giải quyết việc làm, thực hiện giảm nghèo cho tới hỗ trợ khẩn cấp, trợ cấp xã hội, thăm hỏi, tặng quà…
Hiện nay, toàn tỉnh có 31.711 đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng với tổng kinh phí chi trả trợ cấp xã hội năm 2023 đạt gần 190 tỷ đồng; 100% được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; trên 100 đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh.
Cũng trong năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ khẩn cấp đảm bảo hiệu quả, kịp thời cho 257 cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại về người và nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn rủi ro bất khả kháng với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cũng được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Năm 2023, từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã giải ngân trên 353 tỷ đồng để củng cố hệ thống hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, tăng cường giải quyết việc làm cho gần 5.000 người nghèo, mở rộng sinh kế và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người nghèo và người dân cư trú tại các địa bàn khó khăn.
Đặc biệt, với việc huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là xã hội hóa, 1.876 nhà ở cho các đối tượng yếu thế khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thiện, giúp họ có nơi ở đảm bảo an toàn, yên tâm phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống. Tất cả những điều ấy đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2023 xuống còn 9,16%; hộ cận nghèo còn 3,92%.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã góp phần giảm thiểu tối đa mức độ nghèo đói, những tổn thương, rủi ro xã hội mà người dân gặp phải, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống, có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Hoài Anh