Văn Chấn sẵn sàng đối phó với bão lũ
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chủ động phòng chống bão lũ (PCBL) giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa năm 2007, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã sớm kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và lên kế hoạch cụ thể phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn PCBL-TKCN khi có tình huống xảy ra.
Thôn mới Nậm Pươi xã Nậm Búng (Văn Chấn) do tổ chức Sida (Thụy Điển) tài trợ đã giúp nhiều hộ dân đến nơi ở mới an toàn tránh được lũ quét và sạt lở đất.
|
Vào mùa mưa lũ, từ tháng 7 đến tháng 9, ở huyện Văn Chấn thường xảy ra mưa đá và lốc tố ở vùng cao và vùng ngoài; sạt lở đất trong và sau các đợt mưa dọc các tuyến giao thông, triền núi dốc; lũ quét dọc các con suối nhỏ và trung bình, lũ lớn dọc các con suối lớn.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban phòng chống bão lũ huyện Văn Chấn được biết: “Khác hẳn những năm trước, năm nay huyện đã xác định được cụ thể các khu vực dễ xảy ra bão lốc; sạt lở, ngập lụt, lũ ống và lũ quét cũng như toạ độ để lên phương án phòng chống. Khu vực lũ lụt được coi là trọng điểm thuộc các xã: Thạch Lương, Phù Nham, Sơn Thịnh, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm. Khu vực trọng điểm sạt lở gồm: Nậm Búng, Minh An, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Tân Thịnh, Phù Nham, Đèo Ách (Cát Thịnh). Khu trọng điểm bão lốc có Thượng Bằng La, Đồng Khê, Chấn Thịnh, Nghĩa Tâm… Với tư tưởng phòng là chính, nắm chắc tình hình thời tiết, thông báo kịp thời cho các địa phương chủ động phòng chống ở các cơ sở thôn bản, cơ sở vật chất tài sản của Nhà nước trước mùa mưa bão, phối hợp với các đơn vị bạn đóng trên địa bàn ứng cứu nhanh có hiệu quả”.
Vận dụng phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, Văn Chấn huy động nhân, vật lực bằng mọi biện pháp hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Khi xảy ra thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản, các xã thị trấn chủ động sử dụng lực lượng tại chỗ đi ứng cứu; tổ chức cứu người trước, tài sản sau và báo ngay lên cấp trên để kịp thời chỉ đạo. Các biện pháp phòng chống khi xảy ra các tình huống như: bão lốc, lũ lụt, sạt lở được huyện xây dựng hết sức chi tiết và cụ thể. Chẳng hạn khi xảy ra lũ lụt các lực lượng có nhiệm vụ: tuần tra canh gác báo động, sơ tán nhân dân và tài sản, tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ đảm an toàn được phân công nhiệm vụ cụ thể.
Cùng với lực lượng tại chỗ là dân quân và các đoàn thể xã, thị trấn; huyện còn có lực lượng sẵn sàng PCBL- tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Trong đó, Ban chỉ huy Quân sự huyện có 5 tổ, mỗi tổ có 5 người; trong đó có 3 tổ sẵn sàng cơ động nhận nhiệm vụ và một tổ trực 24/24 giờ tại cơ quan. Đồng thời 3 trung đội dân quân cơ động gồm 74 người ở xã Sơn Thịnh và Đồng Khê, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ và 31 trung cơ động ở các xã, thị trấn mỗi trung đội từ 22 - 25 người luôn đảm bảo quân số 95% trở lên trong mùa mưa sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Công an huyện cũng thành lập các tổ, mỗi tổ từ 3-5 người sẵn sàng cơ động đến khu vực xảy ra thiên tai kết hợp với đội xung kích khu vực để giữ gìn an ninh. Huyện còn có lực lượng cơ động tìm kiếm cứu nạn gồm: 5 chiến sĩ quân đội, 5 chiến sĩ công an, 50 dân quân cơ động của hai xã Sơn Thịnh và Đồng Khê cùng 30 chị em phụ nữ, 25 đoàn viên thanh niên và 5 cựu chiến binh sẵn sàng cơ động TKCN trên các hướng khi có thiên tai xảy ra trong huyện.
Ngoài ra, huyện còn chủ động 1 đại đội dự bị động viên và trung đội cơ động của các xã: Cát Thịnh, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Phù Nham, Nậm Búng, Tú Lệ, Sơn Lương, Nghĩa Tâm quân số theo biên chế cơ sở sẵn sàng cơ động khi có tình huống. Huyện cũng xây dựng lực lượng đảm bảo gồm 3 người ở Phòng Kinh tế và 3 người ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện chủ động đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác TKCH. Các cơ quan, ngành, đoàn thể thành viên như: Phòng Kinh tế, lực lượng vũ trang, công an, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh huyện đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các công tác bảo đảm như: bảo đảm tổ chức chỉ huy, thông tin liên lạc, cơ động lực lượng, hậu cần, quân y đều đã được lên kế hoạch hết sức cụ thể.
Rút kinh nghiệm từ thực tế, lên kế hoạch giao nhiệm vụ chi tiết cụ thể, mùa mưa lũ này huyện Văn Chấn đã và đang sẵn sàng đối phó với bão lũ.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Hội Phụ nữ xã Túc Đán (Trạm Tấu) đã tích cực vận động hội viên đẩy mạnh các phong trào hoạt động hội; tham gia phát triển kinh tế như trồng lúa nương, thâm canh lúa nước, trồng cây gây rừng...
YBĐT - Tháng hoạt động cao điểm “Chung sức vì nhân đạo “chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2007) của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ ngày 10/6/2007 đến ngày 27/7/2007 nhằm động viên cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân các lực lượng xã hội tham gia, góp phần chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ đời sống, giúp người nghèo, đặc biệt là đối tượng chính sách, người có công với cách mạng có hoàn cành khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng.
YBĐT - Cơn mưa lớn vào tối 19/6 đã cướp đi sinh mạng của 3 anh em: Cam Văn Hợi sinh năm 1983, Cam Thị Luyện sinh năm 1990 và Cam Thị Chinh sinh 1993 con bà Cam Thị Vượng ở thôn Tâm Lương, xã Cẩm Ân, Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, huyện Văn Yên phấn đấu đến năm 2010, 100% số xã sẽ xây dựng 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã (CQGVYTX). Qua hai năm triển khai, đã có 12 xã của huyện đã đạt chuẩn và trong năm 2007 này, huyện đang phấn đấu xây dựng tiếp thêm 4 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 16 xã.