Gia đình chị Bế Thị Hồng Chiêm ở thôn Bình Minh, xã Y Can, huyện Trấn Yên đã sinh 2 con gái, mặc dù có điều kiện để sinh thêm con nhưng chị Chiêm quyết định không sinh con nữa. Chị Chiêm chia sẻ: "Mình đã bàn với chồng con nào cũng là con, chỉ sinh 2 con không sinh thêm nữa để tập trung vào phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con ăn học nên người”.
Y Can là xã có dân số đông, với trên 5 nghìn nhân khẩu ở 12 thôn, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 33%. Thời gian qua, Trạm Y tế xã Y Can đã tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức truyền thông, tư vấn về KHHGĐ, hướng dẫn cách biện pháp tranh thai an toàn, các kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên. Qua đó, tạo cơ hội để người dân nhận thức đúng đắn về công tác DS/KHHGĐ. Vì vậy, năm 2023, trên địa bàn xã có gần 100 phụ nữ sinh con thì chỉ có 3 trường hợp sinh con thứ 3. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xã có 45 phụ nữ sinh con, không có trường hợp sinh con thứ 3, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 70%...
Cùng với Y Can, tại xã Nga Quán, tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72%. Trong 6 tháng năm 2024, toàn xã không có trường hợp sinh con thứ 3. Bác sỹ Bùi Thị Thanh Hằng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nga Quán cho biết: "Trạm đã thường xuyên đi kiểm tra, rà soát, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, số cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh đủ số con chưa thực hiện một trong những biện pháp tránh thai hiện đại, lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp cho mình. Trạm cũng tổ chức truyền thông qua các buổi họp thôn, tuyên truyền tại Trạm để nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác DS/KHHGĐ”.
Để nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện tốt chính sách DS/KHHGĐ, 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên đã tổ chức trên 250 buổi truyền thông về dân số, trên 5.840 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ trẻ sàng lọc trước sinh đạt trên 64%. Tuy nhiên, mức sinh của huyện Trấn Yên không ổn định, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, đặc biệt ở những xã đông dân, xã đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện có 469 trẻ ra đời, thì đã có 77 trẻ là con thứ 3 trở lên… Trấn Yên là huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 16,4% đứng thứ 4 trong tỉnh.
Hiện 38,9% người cao tuổi trong tỉnh được khám sức khỏe định kỳ và 80,4% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Nguyên Bá - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên cho biết: "Để nâng cao chất lượng dân số, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân; duy trì hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân của 5 câu lạc bộ thuộc các xã: Quy Mông, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Bảo Hưng, Minh Quân; tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép các nội dung vào hoạt động, của các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở để nâng cao kiến thức về dân số cho người dân trên địa bàn”.
Thực hiện công tác DS/KHHGĐ, thời gian qua Chi cục Dân số tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách về công tác DS/KHHGĐ tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 41 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch khác của UBND tỉnh liên quan đến công tác dân số…
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Chi cục Dân số tỉnh đã tổ chức trên 800 buổi truyền thông, tư vấn nhóm cho hàng nghìn lượt người; cộng tác viên dân số thôn, bản truyền thông tư vấn trực tiếp cho trên 6 nghìn lượt hộ gia đình; toàn tỉnh duy trì hoạt động 82 câu lạc bộ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân tại 9 huyện, thị và thành phố, tổ chức truyền thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp… Vì vậy, đến nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt gần 70%, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt trên 20%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh trên 27%, tỷ số giới tính trẻ mới sinh 113,3 trẻ trai/100 trẻ gái...
Chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số về thể chất, tinh thần từng bước được nâng lên. Chi cục Dân số cung duy trì triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, với tổng số người cao tuổi toàn tỉnh hiện nay là trên 100 nghìn người, 80,4% có thẻ bảo hiểm y tế, 38,9% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, tuổi thọ trung bình trên 73,9 tuổi…
Tuy nhiên, 6 tháng năm 2024 tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong toàn tỉnh vẫn ở mức cao, tập trung ở các huyện vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên… Theo Báo cáo của Bộ Y tế, Yên Bái là một trong 33 tỉnh, thành có mức sinh cao ở vùng trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, mức sinh không đồng đều ở các khu vực.
Bà Hà Thị Mộng Hoài - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng chủ động và tự nguyện thực hiện chính sách về DS/KHHGĐ. Qua đó, để họ tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con, từng bước khắc phục tình trạng khu vực kinh tế, xã hội khó khăn có mức sinh cao - rất cao, trong khi ở đô thị mức sinh thấp.
Đồng thời, Chi cục cũng tăng cường rà soát, đôn đốc, hỗ trợ cập nhật kho dữ liệu điện tử dân số theo đúng quy định; nâng cao hơn nữa các hoạt động tầm soát bệnh, tật bẩm sinh và mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nâng cao chất lượng các các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ...
Để làm được điều đó Chi cục Dân số tỉnh cũng cần có sự chung tay của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân số trong tình hình mới; thực hiện đổi mới công tác truyền thông, vận động; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu; bảo đảm nguồn lực, ổn định tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Minh Huyền