Xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình có trên 85% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là người Dao. Cùng với sự phát triển của kinh tế, đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã có nhiều đổi thay tích cực.
Bên cạnh những thay đổi đáng mừng và những giá trị văn hóa tốt đẹp được đồng bào dân tộc Dao giữ gìn, trong cộng đồng vẫn còn tồn tại một số tập tục, nếp sống cũ, đã trở nên lạc hậu không còn phù hợp đặc biệt là trong việc cưới, việc tang.
Đối với đồng bào Dao cũng như đa số các dân tộc khác, thực hiện cưới hỏi, ma chay là một trong những nghi lễ quan trọng của đời người, của cộng đồng, dòng họ. Trước đây, theo tín ngưỡng, quan điểm của người Dao, việc tổ chức cưới xin, ma chay rất tốn kém về tiền bạc và thời gian. Đồng bào tổ chức đám cưới cho con thường kéo dài 4 - 5 ngày.
Đối với nhà trai, thực hiện bắt đầu ngày thứ nhất là họp họ, ngày thứ 2 rể đi, ngày thứ 3 dâu về nhà trai, ngày thứ 4 lại mặt nhà gái, ngày thứ 5 về lại mặt nhà trai, sau đó còn đi thăm ông mờ. Đối với nhà gái, ngày thứ nhất họp họ, ngày thứ 2 rể đến, ngày thứ ba cô dâu về nhà trai, ngày thứ 4 về lại mặt nhà gái. Khi gia đình có người thân qua đời, thường tổ chức đám chay từ 3 - 4 ngày, ăn uống linh đình, tốn kém nhiều.
Bà Đặng Thị Miên - Phó Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân cho biết: Đối với đồng bào Dao, phong tục, tập quán lâu đời đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống mà họ muốn giữ gìn, không thể cứng nhắc dùng quy định pháp luật để cưỡng chế, buộc họ tuân thủ mà cần vận động để thay đổi nhận thức và hành động từ bên trong cộng đồng. Xác định như thế nên cấp ủy, chính quyền xã bằng nhiều hình thức đã tuyên truyền, vận động, như thông qua các tổ chức đoàn thể để thường xuyên vận động gia đình hội viên, đoàn viên thực hiện nếp sống văn hóa mới; đưa các quy định cụ thể trong việc cưới, việc tang vào hương ước, quy ước của làng, của thôn. Cùng đó, triển khai sâu rộng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa.
Qua đó, từng bước người dân trên địa bàn đã nhận ra nhiều tập tục từ xưa đến nay đã không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới. Hiện các thủ tục ma chay, cưới hỏi của người Dao cơ bản thực hiện theo nếp sống mới, giảm được tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài. Đối với đám hiếu, có những hộ gia đình thực hiện đơn giản trong 1 ngày, đám cưới tổ chức 2 ngày.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã tích cực thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các hoạt động tuyên truyền được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã linh hoạt thực hiện thông qua các buổi họp thôn, các hoạt động có đông người dân tham dự tại thôn.
Hằng năm, xã tổ chức rà soát các cháu có độ tuổi từ 13 - 17 tuổi đối với nữ và 13 - 19 tuổi đối với nam để quản lý; phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình; đưa nội dung "không sinh con thứ 3, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” vào quy ước của thôn; phát huy tính tự quản của dòng họ, gia đình, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Nhờ vậy, nhận thức của đồng bào DTTS tại địa phương về tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từng bước được nâng lên. Đến nay, tình trạng hôn nhân cận huyết thống được đẩy lùi hoàn toàn; nhiều năm qua trên địa xã không xảy ra trường hợp nào kết hôn cận huyết thống; tình trạng tảo hôn giảm đáng kể.
Để tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo truyền thống của dân tộc, theo lãnh đạo xã, cấp uỷ, chính quyền xã sẽ tiếp tục đề cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới (đơn giản, tiết kiệm, đảm bảo truyền thống của dân tộc); việc tang (trang nghiêm, đảm bảo vệ sinh môi trường), gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Cấp ủy, chính quyền, nhất là chi bộ thôn phải là nòng cốt, kịp thời nắm bắt, nhắc nhở, giáo dục chấn chỉnh, uốn nắn, phê phán những biểu hiện tiêu cực trong việc cưới, việc tang; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc tổ chức cưới, tang ở các thôn để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý những hành vi, vi phạm; kịp thời khuyến khích, biểu dương việc thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, phát huy tính tự quản, gương mẫu của các dòng họ, gia đình trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” ở địa phương.
Thu Hạnh