Yên Bái là một trong những địa phương tiêu biểu trong Phong trào "TDBVANTQ”. Có được kết quả ấy là nhờ Chỉ thị số 09 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng Phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới đã được cấp ủy các cấp quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc; cấp ủy, chính quyền đã chú trọng, quan tâm chỉ đạo xây dựng, duy trì hoạt động của các mô hình phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở, có tính xã hội hóa cao, ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy được tính sáng tạo từ cơ sở, gắn kết với nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội của địa phương như việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các cuộc vận động, phong trào thi đua cách mạng của Đảng, Nhà nước và địa phương.
Các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh tham gia xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào TDBVANTQ gắn với thực hiện các phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... cũng như phong trào thi đua của các cấp hội đoàn thể như: "Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; "Cựu chiến binh gương mẫu”...
Thông qua công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào TDBVANTQ đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên và nhân dân trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn toàn tỉnh.
Tính đến tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh có 1.134 mô hình trong Phong trào TDBVANTQ do lực lượng công an tham mưu, hướng dẫn, phối hợp với các cấp hội duy trì hoạt động. Các mô hình trong Phong trào được xây dựng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực, lĩnh vực, địa bàn, phong tục, tập quán; nhiều mô hình được xã hội hóa, phát huy sức mạnh tổng hợp, đóng góp của nhân dân, được nhân dân đồng tình, tích cực tham gia và đem lại những hiệu quả thiết thực, phát huy tốt vai trò làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm, giữ vững tình hình ANTT ở cơ sở.
Bên cạnh đó, các tổ chức hội đoàn thể cũng đang duy trì có hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến tại địa bàn cơ sở như: Hội Nông dân tỉnh đang duy trì hoạt động của 6 câu lạc bộ "Nông dân với kiến thức pháp luật”; mô hình "Tổ tuần tra xung kích của Hội Nông dân tự quản về an ninh, trật tự”, mô hình "Nông dân với an toàn giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt”...
Các mô hình đang phát huy hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT, an toàn xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang duy trì hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: "Gia đình 5 không, 3 sạch”; "Phòng, chống bạo lực gia đình”; "Giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”… Hội Cựu chiến binh tỉnh đang duy trì hiệu quả mô hình "5 không" (Chi hội không ma túy, mại dâm; không có hội viên vi phạm pháp luật; không có hội viên vi phạm trật tự an toàn giao thông; gia đình cựu chiến binh không mắc tệ nạn xã hội; gia đình cựu chiến binh không có đạo trái pháp luật, mê tín dị đoan) hay các mô hình: "Bảo đảm trật tự đô thị và văn minh đô thị", "Vì đường phố bình yên”, "Dòng họ, gia đình gương mẫu không mắc các tệ nạn xã hội"... góp phần tích cực cùng lực lượng công an trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn toàn tỉnh.
Đại tá Đinh Xuân Thiệp - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Bên cạnh công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo ANTT nói chung, xây dựng Phong trào TDBVANTQ nói riêng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng tôi thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những điểm hạn chế như: một số cán bộ ở cơ sở chưa nhận thức đúng đắn vai trò trách nhiệm của mình; coi công tác đảm bảo ANTT là nhiệm vụ của ngành công an; trình độ, năng lực, nhất là phương pháp tập hợp, tuyên truyền, vận động của một số cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế… Từ đó, biểu dương, khen thưởng kịp thời, đồng thời tập trung khắc phục những hạn chế để Phong trào TDBVANTQ, công tác xây dựng những mô hình, điển hình tiên tiến thực sự đạt kết quả tốt đẹp”.
Lê Phiên