P.V: Xin đồng chí cho biết, Phong trào "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc”trên địa bàn tỉnh được bắt đầu từ khi nào? Phong trào này đã mang lại những thay đổi tích cực như thế nào cho ngành y tế trong những năm gần đây?
Đồng chí Lê Thị Hồng Vân: Phong trào "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” được tỉnh đưa vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân tỉnh Yên Bái ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở đã cụ thể hóa tại Kế hoạch số 1200/KH-SYT năm 2021.
Phong trào này được phát động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, tại Việt Nam và trở thành thách thức to lớn tại Yên Bái trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phong trào ra đời đã tạo một điểm dựa vững chắc, khích lệ đổi mới, sáng tạo, tăng cường đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, phấn đấu vì sức khỏe của nhân dân, nỗ lực phòng, chống đại dịch.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm việc liên tục nhiều giờ trong phòng xét nghiệm đợt cao điểm dịch Covid-19, năm 2021.
Phong trào đã nhanh chóng lan tỏa, đi vào nề nếp và thúc đẩy tinh thần "Vì nhân dân phục vụ”, mang lại cho người bệnh thêm nhiều điều kiện, cơ hội chăm sóc sức khỏe. Có thể khẳng định, sau hơn 3 năm triển khai, Phong trào đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện và phát triển; hiệu quả khám, chữa bệnh, chất lượng bệnh viện được nâng cao, triển khai nhiều kỹ thuật cao và chuyên sâu đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, tạo dựng và duy trì niềm tin, mang lại sự hài lòng cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
P.V: Mục tiêu chính của phong trào này là thái độ và cách tiếp cận của cán bộ y tế đối với sự hài lòng và kết quả điều trị của bệnh nhân, vậy kết quả đạt được cụ thể là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Hồng Vân: Đúng như vậy, Phong trào thi đua "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” gắn với thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 4/6/2015 của Bộ Y tế về thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đã được triển khai sâu rộng, bền bỉ tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành. Kết quả, đã làm thay đổi đáng kể tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, thầy thuốc lắng nghe, chia sẻ với người bệnh, coi trọng văn hóa ứng xử trong bệnh viện là liều thuốc tinh thần giúp bệnh nhân có động lực vượt qua khó khăn, bệnh tật.
Các bệnh viện thi đua nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tiến quy trình chuyên môn, giải phóng các điểm nghẽn, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tạo không gian xanh - sạch - đẹp tại cơ sở y tế. Qua đó, nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân, tăng tỷ lệ hài lòng của người bệnh.
P.V: Thưa đồng chí! Để thực hiện tốt Phong trào, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp như thế nào và có gì khó khăn?
Đồng chí Lê Thị Hồng Vân: Để thực hiện tốt Phong trào "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” với khẩu hiệu "Thước đo chất lượng là sự hài lòng của người bệnh” các cơ sở y tế đã có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến quy trình khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị như: mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế, tổ chức ký cam kết, thi đua thực hiện các nội dung cam kết; rà soát, thực hiện quy định về trang phục của cán bộ y tế; tăng cường tiếp nhận, tiếp thu ý kiến qua "đường dây nóng” "Yên Bái S”; triển khai Đề án "Tiếp sức người bệnh”; phát triển "Tổ công tác xã hội”…
Cán bộ y tế của Trung tâm Y tê huyện Văn Yên hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống Bản đồ nhân viên y tế.
Đồng thời, bố trí cán bộ y tế chuyên nghiệp, tận tâm tại khu vực đón tiếp, đăng ký khám, chữa bệnh. Mặt khác, đặt biển chỉ dẫn, vẽ vạch kẻ chỉ dẫn có hiển thị màu sắc khác nhau giúp người bệnh có thể dễ dàng tìm được điểm cần đến; đầu tư hệ thống lấy số tự động, thứ tự công khai hiển thị trên màn hình trước mỗi buồng khám bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế, thực hiện bệnh án điện tử, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh… giúp giảm nhiều thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra là: thiếu nhân lực và trình độ chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực, cơ cấu nhân lực chưa hợp lý, cơ sở vật chất của một số đơn vị còn thiếu và chưa được đồng bộ, kinh phí dành cho cải tạo, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn hẹp; vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế ở một số đơn vị, một số thời điểm khiến người bệnh phải chờ đợi hoặc phải mua ngoài chế độ bảo hiểm y tế hay phải chuyển đi cơ sở khác…
P.V: Theo đồng chí, phong trào này sẽ có những bước phát triển như thế nào trong tương lai? Nó có thể trở thành một mô hình nổi bật về chăm sóc y tế tận tâm và lấy bệnh nhân làm trung tâm ở Yên Bái không?
Đồng chí Lê Thị Hồng Vân: Phong trào "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” đã đem đến nhiều giải pháp trong quá trình cải tiến chất lượng, đổi mới cách thức tiếp cận dịch vụ theo phương châm "Lấy bệnh nhân làm trung tâm”, góp phần trau dồi liên tục về y đức theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.
Phong trào đã góp phần đem lại những hứa hẹn nhiều đổi mới toàn diện, để mỗi cơ sở y tế phấn đấu trở thành nơi tin cậy, nơi gửi trọn niềm tin cho sức khỏe mỗi ngày của người dân và chắc chắn Phong trào sẽ là mô hình nổi bật, góp phần xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân vì mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Trần Minh (thực hiện)