Cần thay đổi phương pháp dạy môn Lịch Sử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Là người rất thích xem các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam (THVN), nhất là chương trình thi kiến thức và giải trí. Nhưng tôi cũng không ít lần phì cười và thất vọng, khi có những thí sinh không thể trả lời được những câu hỏi rất sơ đẳng về lịch sử.

Giờ học của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Lục Yên. (Ảnh: Tuấn Anh)
Giờ học của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Lục Yên. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chẳng hạn, gần đây trong chương trình "Đường lên đỉnh Olimpia" khi câu hỏi đặt ra là: "Quê mẹ Suốt ở tỉnh nào?" thì cả 4 học sinh này đều không trả lời được. Như vậy, các em không chỉ yếu về kiến thức lịch sử mà yếu cả về văn học. Bởi lẽ nếu đọc bài thơ "Mẹ Suốt" nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thì sẽ thấy ngay câu: "Mẹ rằng quê mẹ Bảo Ninh/Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình". Trong chương trình "Ai là triệu phú" có một cô sinh viên năm thứ hai đã không trả lời được phương án: Nông Văn Dền là tên thật của ai sau đây?...Và cô sinh viên này đã phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân (bố).

Thông tin về kỳ thi đại học năm 2007, Đài THVN cũng đưa ra số liệu về kết quả môn thi Lịch sử cũng hết sức thất vọng. Có trên 90% thí sinh dự thi đại học khối C đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử; trong đó khoảng 50% thí sinh đạt dưới 3 điểm.
 
Ở tỉnh Yên Bái, vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Yên Bình đã tổ chức thi kiểm tra chất lượng chuyên môn của giáo viên và kết quả chất lượng giáo viên của môn Lịch sử cũng rất đáng báo động. Đề thi dành cho giáo viên bậc tiểu học và THCS, về độ khó tương đương với yêu cầu của một đề thi đặt ra đối với học sinh ở cuối mỗi cấp học. Tuy nhiên, số giáo viên dạy Lịch sử đạt điểm dưới 5 là rất nhiều.

Có nhiều ý kiến nói về nguyên nhân dẫn đến vấn đề yếu kiến thức môn học Lịch sử đối với học sinh phổ thông hiện nay. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng đây là một hệ quả tất yếu của một đất nước nông nghiệp bước vào công nghiệp hoá-hiện đại hoá thì mọi người nảy sinh xu hướng tập trung vào các môn học tự nhiên. Sách giáo khoa môn Lịch sử biên soạn quá cứng nhắc và số liệu, sự kiện dày đặc nên khó học.  Đội ngũ giáo viên dạy môn còn nhiều người yếu về phương pháp giảng dạy, đặc biệt còn sử dụng giáo viên không có chuyên môn để dạy...

Các ý kiến trên khá trung thực với tình hình thực tế, nhưng có lẽ vấn đề đáng bàn có lẽ vẫn là phương pháp giảng dạy. Ai đã học qua phổ thông thì sẽ thấy môn Lịch sử là môn học khó, nhưng không phải là không hấp dẫn. Bởi vì, cùng một chương trình như nhau, nhưng có thầy dạy ta rất thích và ngược lại có thầy dạy rất nhạt nhẽo. Có thầy dạy Sử học sinh chỉ thuộc bài, nhưng lại có thầy dạy cho học sinh hiểu lịch sử. Như vậy, có thể thấy rằng, nếu thầy có phương pháp dạy hấp dẫn thì chắc chắn trò sẽ thích học.

Là người yêu thích môn Lịch sử, xin được đóng góp một ý kiến nhỏ về vấn đề phương pháp. Theo tôi, chúng ta vẫn phải bám vào sách giáo khoa và chú tâm vào nâng cao nghiệp vụ cho người giảng dạy. Nhưng nếu cứ bám vào sách giáo khoa thì cũng khó hấp dẫn học sinh, nên cố gắng cho các em được tiếp cận với các băng hình tư liệu như: Tư liệu về Cách mạng tháng 8-1945; tư liệu chiến dịch Điện Biên Phủ; tư liệu các chiến dịch hướng đến cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975...Chúng ta sử dụng các nguồn tư liệu từ chương trình "Dư địa chí truyền hình" hay chương trình "Danh nhân đất Việt" của Đài THVN cho các em tham khảo. Chúng ta tổ chức cho học sinh học Lịch sử giống như chương trình "Theo dòng lịch sử" của Đài THVN. Những nơi có điều kiện thì bố trí cho học sinh tiếp cận với các bảo tàng, vì ở đó lưu giữ các tư liệu lịch sử khá đầy đủ. Từ những cách tiếp cận này sẽ góp phần giúp các em yêu thích môn học này hơn.

Cổ nhân có câu: "Nhân tài là rường cột của nhà nước . Lịch sử là điển cố của nhà nước". Bác Hồ từng dạy: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam''. Hoặc chúng ta thường nói, học sử để biết nguồn gốc dân tộc, học sử là để làm người, học sử để làm theo những người đi trước...Vì những ý nghĩa ấy, rất mong có thêm nhiều ý kiến bàn thêm về đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử trong các trường phổ thông.

Hữu Hà

Các tin khác
Một số doanh nghiệp tuyển lao động may công nghiệp nhưng tỉnh Yên Bái không thể đáp ứng nhu cầu.

YBĐT - Năm 2007, tỉnh Yên Bái có kế hoạch đào tạo nghề cho trên 6.700 người, trong đó 700 người được đào tạo trung cấp nghề, trên 6.000 người sơ cấp nghề và đào tạo nghề ngắn hạn. Đây là một con số quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ lao động được đào tạo trong toàn tỉnh lên 29% mà đào tạo nghề phải đạt được 12%.

Nhiều cây cối hoa màu bị vùi lấp.

YBĐT - Vào khoảng 15 giờ ngày 9/8/2007, một trận bão lốc cục bộ kèm theo mưa to đã xảy ra tại nhiều xã ở xung quanh trung tâm huyện lỵ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái làm một người tử vong.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Trường trung cấp Nghề Yên Bái đã tiến hành đào tạo nghề lái xe ô tô cho 475 học viên. Hầu hết học viên tốt nghiệp đều vượt qua kỳ thi sát hạch quốc gia và được cấp giấy phép lái xe, trong đó có 300 người lấy giấy phép lái xe hạng B2, còn lại là xe tải và đào tạo nâng hạng.

YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2007, mặc dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông song do ý thức của người tham gia giao thông còn kém nên số vụ vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục