Đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2007, tỉnh Yên Bái có kế hoạch đào tạo nghề cho trên 6.700 người, trong đó 700 người được đào tạo trung cấp nghề, trên 6.000 người sơ cấp nghề và đào tạo nghề ngắn hạn. Đây là một con số quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ lao động được đào tạo trong toàn tỉnh lên 29% mà đào tạo nghề phải đạt được 12%.

Một số doanh nghiệp tuyển lao động may công nghiệp nhưng tỉnh Yên Bái không thể đáp ứng nhu cầu.
Một số doanh nghiệp tuyển lao động may công nghiệp nhưng tỉnh Yên Bái không thể đáp ứng nhu cầu.

Thời gian qua, ngành lao động, thương binh và xã hội Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch và dự án đào tạo nghề dựa trên kế hoạch phân bổ, có điều chỉnh cho phù hợp và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 7/9 huyện thị, thành phố đã thành lập các trung tâm dạy nghề. Tỉnh cũng đầu tư năm, sáu tỷ đồng mỗi năm cho công tác đào tạo nghề. Thế nhưng năm 2006, số người tham gia học nghề chỉ đạt 90,3%, tỷ lệ lao động được đào tạo tăng thêm 1,7% so với năm trước. Còn 6 tháng đầu năm nay toàn tỉnh mới thu hút chừng 2.000 người để dạy nghề, đạt 30% kế hoạch, trong đó chủ yếu là sơ cấp nghề và đào tạo ngắn hạn.

Tình trạng này được lý giải bằng không ít lý do. Nào là cơ sở vật chất của những cơ sở dạy nghề chưa được đầu tư, đội ngũ giáo viên thiếu, giáo trình không theo kịp sự đổi mới; nào là mức hỗ trợ của Nhà nước cho đào tạo nghề còn thấp, đời sống của người học còn nhiều khó khăn; rồi công tác tuyển sinh chưa đổi mới, nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển dạy nghề thấp...

Nhưng rõ ràng có một thực tế là việc dạy và học nghề ở Yên Bái chưa hấp dẫn được người lao động. Các cơ sở dạy nghề vẫn phải đi tìm người để đào tạo. Mỗi năm vài ngàn người được đào tạo. Sau vài ba tháng, nửa năm hoặc lâu hơn một chút họ có trong tay một nghề trở về địa phương. Nhưng trong số đó có khoảng bao nhiêu phần trăm xin được việc làm? Bao nhiêu người có thể tự hành nghề kiếm sống trong sự cạnh tranh với những người cùng nghề tương tự và đã có kinh nghiệm làm ăn? Nghề điện dân dụng, cắt may, sửa chữa nông cụ thì đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của bản thân có chăng mới đứng vững được. Trong khi đó, hầu hết những người đi học luôn có tâm lý ra nghề là có thể hốt bạc ngay, nên khi không có thu nhập, cuộc sống khó khăn lại tìm con đường khác. Nghề nề ra trường có tay nghề tương đối cũng khó xin việc, bởi doanh nghiệp xây dựng không nhất thiết đào tạo cơ bản như thế, mà cũng không có khả năng để đảm bảo chính sách lâu dài cho những công nhân này. Rồi có những lao động không chịu nổi sự chặt chẽ trong tác phong làm việc của các liên doanh nước ngoài, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, trong khi trình độ bất cập, bị đào thải, khắc tự phải bỏ về quê. Như thế đã quá đủ, chưa nói đến tình trạng các địa phương đang coi việc giải quyết việc làm là của ngành lao động - TBXH.

Mặt khác, công tác dạy nghề của các trung tâm, các huyện, thị, thành phố lại trông chờ vào sự phân bổ từ trên cả về kinh phí cũng như cơ cấu ngành nghề mà những chỉ tiêu đó phải đến giữa năm cấp trên mới phê duyệt xong. Lúc đó, các cơ sở dạy nghề mới “đẩy mạnh” hoạt động với nhiều “giải pháp” để hoàn thành kế hoạch. Lớp dạy nghề đưa đến tận xã. Người học không phải học phí, lại còn được “động viên” mỗi ngày 5.000 đồng để đến lớp. Sau ba tháng, ở mỗi xã có thêm mấy cô thợ may, mấy anh thợ điện ở Xuân Long, Yên Thành (Yên Bình) hay Nghĩa Phúc, Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) liệu có đủ việc chia nhau? Trong khi ở nơi ấy có thể lại đang cần người biết chế biến đỗ tương, biết tìm tòi đưa những giống cây có hiệu quả kinh tế cao vào trồng vụ ba. Ở vùng cao Mù Cang Chải lại cần những lao động thạo việc trồng rừng kinh tế, nghề chăn nuôi đại gia súc...

Đào tạo nghề cũng cần phải khắc phục tình trạng một trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh không tìm đâu ra vài chục công nhân có tay nghề để cung ứng cho Công ty Honda Việt Nam, Tổng công ty Viglacera, vài trăm công nhân may công nghiệp cho các doanh nghiệp ở miền Nam hoặc các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nội…

Nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50% vào năm 2010 (thay vì mục tiêu 32% như trước đề ra), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải tăng tốc đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn dạy nghề với nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng phần đào tạo thực hành, coi dạy nghề là mũi đột phá trong giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Đối với Yên Bái, việc thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho 17.000 lao động đặt ra những đòi hỏi, thách thức với công tác dạy nghề. Công tác tuyên truyền phải thế nào để người dân ở nông thôn, thanh niên nơi đô thị xác định đúng động cơ, mục đích học nghề và tìm việc phù hợp. Hoạt động đào tạo nghề phải xuất phát từ đặc điểm cụ thể của huyện thị, xã phường, thị trấn và nhu cầu của thị trường lao động; chú trọng liên kết với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để những lao động đào tạo ra có thể tham gia làm việc ngay, mang lại thu nhập cho bản thân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Quang Tuấn

Các tin khác
Nhiều cây cối hoa màu bị vùi lấp.

YBĐT - Vào khoảng 15 giờ ngày 9/8/2007, một trận bão lốc cục bộ kèm theo mưa to đã xảy ra tại nhiều xã ở xung quanh trung tâm huyện lỵ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái làm một người tử vong.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Trường trung cấp Nghề Yên Bái đã tiến hành đào tạo nghề lái xe ô tô cho 475 học viên. Hầu hết học viên tốt nghiệp đều vượt qua kỳ thi sát hạch quốc gia và được cấp giấy phép lái xe, trong đó có 300 người lấy giấy phép lái xe hạng B2, còn lại là xe tải và đào tạo nâng hạng.

YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2007, mặc dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông song do ý thức của người tham gia giao thông còn kém nên số vụ vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng.

Hàng hóa tại các điểm dịch vụ được kiểm tra về công tác phục vụ phòng chống bão lũ.

YBĐT - Vừa qua, Thanh tra Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Yên Bái đã tiến hành đợt kiểm tra toàn diện công tác phòng chống lụt bão và kinh doanh mặt hàng chính sách (dầu hỏa và muối i ốt) phục vụ nhân dân trong mùa mưa lũ của Công ty Cổ phần Thương mại, du lịch; các cửa hàng thương mại và hệ thống đại lý trực thuộc đóng trên địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa thường xuyên xảy ra thiên tai thuộc các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục