Yên Bình: Nguy cơ gia tăng bệnh dại

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 7/2007 tại huyện Yên Bình đã có 5 người tại các xã Đại Đồng, Xuân Long, Mông Sơn và xã Tân Hương tử vong do bệnh dại.

Chó thả rông thế này và không tiêm phòng rất nguy hiểm.
Chó thả rông thế này và không tiêm phòng rất nguy hiểm.

Vào tháng 10/2006, cháu Đặng Văn Thanh ở thôn Đá Chồng xã Đại Đồng được đưa đến trạm y tế trong tình trạng cánh tay trái tím bầm, dập nát do nhiều vết cắn của con chó lạ xộc vào nhà. Mặc dù vết thương đã được rửa bằng xà phòng đặc, rồi xối rửa nước sạch và đã tiêm phòng dại đủ 8 mũi nhưng hơn 6 tháng sau cháu Thanh phát bệnh, người nóng sốt, mắt lừ đừ, sợ nước, sợ ánh sáng... khi gia đình đưa cháu đến bệnh viện thì đã muộn, cháu lên cơn dại và  tử vong.

Tháng 6/2007, một người ở thôn Tân Minh, xã Mông Sơn lên cơn dại chết do bị chó nhà ốm cắn trong lúc cho chó uống thuốc, sau đó, người bệnh ăn thịt chính con chó này mà không đi tiêm phòng. Trong tháng 7, tại thôn Yên Thắng xã Tân Hương, cháu Lương Văn Hùng 6 tuổi bị chó dại cắn, phát cơn dại mới đưa đến cơ sở y tế nên không cứu được. 

Còn ở thôn Tân Bình xã Tân Hương, người dân ở đây hết sức bàng hoàng bởi cái chết quá nhanh của bà Nguyễn Thị Ngọ 67 tuổi, chỉ vì con chó con bà mới mua ở chợ về đang chơi đùa cùng bọn trẻ, tự nhiên cắn liên tiếp 2 đứa cháu ngoại. Thương xót cháu, bà cầm ghế dọa nó nhưng con chó đã cắn lại bà, tuy đã đến cơ sở y tế tiêm phòng nhưng 10  ngày sau bà vẫn lên cơn dại: vã mồ hôi, sợ ánh sáng, sùi bọt mép và qua đời.

Hiện nay, vẫn còn một số trường hợp ở xã Đại Đồng, Tân Hương, Mông Sơn bị chó nghi dại cắn đã đi tiêm phòng dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và đang được tiếp tục theo dõi.

Chỉ tính từ  năm 1998 đến năm 2006, huyện Yên Bình không phát hiện bệnh dại trên động vật, nhưng từ năm 1999 đến nay, số chó được tiêm phòng ở huyện Yên Bình lại giảm dần từ 1.929 con giảm xuống còn 68 con. Trước năm 2004, việc tiêm phòng dại trên  đàn chó nuôi chỉ được triển khai ở thị trấn Yên Bình, Thác Bà và một số xã ở tuyến đường 7. Nhưng 3 năm gần đây, chính quyền thị trấn Thác Bà thiếu quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh, không triển khai tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, chưa có biện pháp mạnh để vận động nhân dân đưa chó đi tiêm phòng định kỳ, nuôi chó phải nhốt, xích... vì vậy, tập quán nuôi chó thả rông được phát huy với số lượng lớn. Đây chính là điều kiện cho ổ dịch cũ tái phát và phát sinh ổ dịch mới và đầu quý II/ 2007 vi rút dại đã bất ngờ xuất hiện tại 4 xã của huyện Yên Bình. Chỉ khi đàn chó ở 7/15 thôn của xã Tân Hương phát dại làm chết 2 người, lúc này, chính quyền xã mới chỉ đạo tiêm phòng cho 500 con chó.

Cùng dịp này, xã Mông Sơn cũng tiêm 920 con, xã Đại Đồng tiêm 200 con... Tuy nhiên, số chó được tiêm phòng ở Yên Bình vẫn còn quá ít bởi toàn huyện địa bàn rộng với 25 xã, thị trấn nhiều xã vùng xa, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn cán bộ thú y quá mỏng. Phần lớn người dân vẫn giữ thói quen nuôi chó thả rông, không tiêm phòng, thậm chí người bị chó cắn cũng chẳng chịu đi tiêm phòng lại còn giết chó để ăn hoặc bán thịt. Việc tiêm phòng cho đàn chó đạt kết quả thấp là do nhận thức chủ quan của người dân và của cả chính quyền địa phương.

Mặt khác việc vận chuyển buôn bán, giết mổ chó khó kiểm soát, triển khai tiêm phòng hàng năm còn thiếu tính kế hoạch, chưa tập trung hiệu quả không cao nên không gây được miễn dịch khép kín. Chính vì vậy, tác dụng phòng ngừa bệnh dại trên địa bàn huyện Yên Bình còn hạn chế, dịch dại vẫn tồn tại trên đàn chó...

Ngành y tế Yên Bái khuyến cáo, bệnh dại đã tăng trở lại ở Yên Bình, Lục Yên và Yên Bái là tỉnh có nguy cơ bệnh dại cao thứ 2 so với cả nước. Huyện Yên Bình là địa phương liền kề với các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang  các địa phương đang có bệnh dại lưu hành. Vì vậy, công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dại phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và quyết liệt kết hợp với việc tiêm phòng vác xin cho đàn chó hàng năm, tăng cường công tác giám sát bệnh dại trên địa bàn để tiến tới đẩy lùi căn bệnh này.

 Kim Tiến

Các tin khác

YBĐT - Với huyện Trạm Tấu (Yên Bái), hàng năm công tác xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình ít hơn các huyện, thị, thành phố khác của tỉnh với số vụ xét xử chỉ bằng 1/10 số vụ mà các toà địa phương khác thụ lý. Tuy nhiên, công tác xét xử cũng gặp không ít khó khăn trở ngại, bởi 90% số vụ án liên quan đến đồng bào dân tộc ít người vùng cao, trình độ hạn chế, lệ thuộc nhiều vào hủ tục, dòng tộc.

Các học viên lớp bảo tồn chữ Thái cổ thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).

YBĐT - Sau hơn 3 tháng học tập, lớp đào tạo và bảo tồn chữ Thái cổ vùng Mường Lò (Yên Bái) do thị xã Nghĩa Lộ tổ chức đã hoàn thành chương trình học tập.

Giám định ma túy tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh.

YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2007, nhờ sự nỗ lực lớn trong tấn công trấn áp tội phạm, Công an Yên Bái đã liên tiếp mở các đợt cao điểm theo kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong dịp tết Nguyên đán Đinh Hợi 2000, dịp bầu cử Quốc hội khoá XII nên hoạt động của tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được kiềm chế, số vụ bắt giữ so với sáu tháng đầu năm 2006 giảm 8,4%.

YBĐT - Ngày 10/8, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng đến cán bộ chủ chốt để triển khai Chỉ thị 11/CT- TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khoá X về việc: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục