Bệnh dại - Thực trạng báo động ở Yên Bình

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong vòng 4 ngày, trên địa bàn xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã có 2 người tử vong với nguyên nhân nhiễm bệnh dại. Như vậy, số người chết do bệnh dại trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay đã lên tới 7 người. Những cái chết gióng lên hồi chuông báo động trước một thực trạng mà người ta hoàn toàn có thể phòng tránh được!.

Tình hình bệnh dại đang nóng lên ở các xã Tân Nguyên, Bảo Ái, Tân Hương, Đại Đồng của huyện Yên Bình.
Tình hình bệnh dại đang nóng lên ở các xã Tân Nguyên, Bảo Ái, Tân Hương, Đại Đồng của huyện Yên Bình.

Ba năm trở lại đây, bệnh dại có chiều hướng gia tăng. Năm 2006, huyện Lục Yên được coi là ổ dịch tiềm tàng. Đó cũng là lý do mà người ta cho rằng một phụ nữ ở xã Xuân Long, đến thăm người nhà ở Lục Yên có thể đã bị chó cắn nên nhiễm virus gây bệnh dại mà tử vong. Nhưng rồi đến trường hợp ở xã Đại Đồng, xã Mông Sơn; sau đó là 2 trường hợp ở Tân Hương, mới đây là Bảo Ái thì không còn nghi ngờ gì nữa - Bệnh dại đã xuất hiện ở Yên Bình. Các xã dọc theo quốc lộ 70 được xác định là nơi có khả năng bùng phát bệnh dại cao.

Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Ái Lương Văn Vân: Người dân ở Bảo ái chưa ý thức cao về việc tiêm phòng vật nuôi, ngay như con trâu trị giá 5-7 triệu đồng tiêm phòng chỉ hết có 5 ngàn đồng họ không tiêm, vậy mà liên quan đến tính mạng con người chỉ hơn 8 ngàn bạc tiêm chó người ta còn tiếc. Từ cuối tháng hai đầu tháng ba trên địa bàn xã đã có hiện tượng chó bị cúm. Một số hộ vì tiếc nên đã làm thịt nên có thể đã bị truyền bệnh khi mổ nên đã dẫn đến chuyện đáng tiếc xảy ra. Chúng tôi sẽ tiêm triệt để đến 25/8, nhà nào không tiêm sẽ tổ chức lực lượng đi tiêu diệt.

Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên Nông Công Chính: Từ dịp tháng tư, tháng năm có xuất hiện một số chó chạy lung tung, có con cắn người. Xã đã thông báo cho dân thấy hiện tượng đó thì vây bắt, tiêu diệt. Chúng tôi cũng đã họp với trưởng thôn để triển khai công tác tiêm phòng, đã thống kê ở được chừng 400 con chó ở 5/10 thôn của xã nhưng chưa tổ chức tiêm được. Xã Tân Nguyên sẽ cố gắng hoàn thành tiêm phòng trong tháng 8 này.

Ngày 17/8, ông Trần Văn Thạch (58 tuổi) ở thôn Tân Lập, xã Bảo ái tử vong do bệnh dại. Người trong gia đình ông cho biết trước đó ông Thạch đã làm thịt một con chó. Còn bé Triệu Văn Nam (11 tuổi) ở thôn Ngòi Nhầu cùng xã chết vào ngày sáng 21/8, do bé đi chăn trâu và đã từng bị chó cắn. Cả hai trường hợp này đều không đi tiêm phòng dại vì họ không thể nghĩ mình sẽ bị nhiễm bệnh.

Có lẽ chẳng riêng gì 7 người đã chết, mà sẽ còn rất nhiều người không biết rằng, con chó mang vi rus bệnh dại dễ dàng truyền sang vật nuôi khác và con người qua nước bọt từ vết cắn, lây qua vết chầy xước bị chó liếm hay khi mổ chó, qua không khí theo đường hô hấp, thậm chí con chó sủa to cũng có thể đưa virus dại xâm nhập người đứng gần nó qua không khí. Việc tiêm phòng để ngăn ngừa virus dại cho con chó là hết sức cần thiết.

Những người dân ở những địa phương có người tử vong nói riêng và toàn huyện Yên Bình nói chung hình như chưa thấy được nguy cơ tiềm ẩn ngay trước mắt họ. Dù cho các cấp chính quyền và ngành chức năng đã có nhiều cố gắng, số người tiêm phòng cho chó nuôi vẫn giảm theo từng năm, đến năm 2006 chỉ tiêm được gần bảy chục con. Hiện tại, một mũi tiêm chỉ có 8,5 ngàn đồng, nếu có mua thêm bảo hiểm thì số tiền mới lên tới 11-12 ngàn đồng/năm. Thật chẳng đáng bao nhiêu cho một con vật yêu quý trong nhà họ!?.

Những nhà chuyên môn luôn khuyến cáo, nếu đã bị chó cắn thì nhất thiết phải tiêm phòng, cho dù con chó đã được tiêm vắc-xin phòng dại. Vậy mà không! Khi bị chó cắn người ta còn hết sức chủ quan, nghĩ là chó nhà nuôi thì việc gì phải tiêm phòng; có tiêm thì đi lại mất thời gian lại tốn kém nữa, cùng lắm thì theo dõi xem con chó sống chết thế nào là cùng. Không ít người phải vận động, giải thích mãi mới đi tiêm.

Kỹ sư Bùi Hoàng Thạch - Trạm trưởng Trạm thú y Yên Bình (Yên Bái) khuyến cáo:

 
Trong quá trình nuôi chó, các hộ gia đình cần phải gần gũi, quản lý được con chó, không thả rông chó, không tự chữa khi chó mắc bệnh mà nên báo cho cán bộ thú y biết. Khi con chó có biểu hiện bệnh dại thì phải tiêu diệt và báo cho chính quyền biết. Chủ nuôi phải xác định việc tiêm phòng là bắt buộc và phải có trách nhiệm bắt giữ chó giúp việc tiêm phòng thuận lợi.

Tôi cũng lưu ý Nghị định 05/2007/NĐ-CP còn có một số điều cấm sau: - Tiêm phòng bệnh dại chó chó mèo nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại.
- Chữa cho đồng vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại.
- Giết mổ động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại.
- Thả rông chó ở khu đông dân cư, nơi đô thị.

Lường trước tình hình, tháng 6/2007, Trạm thú y huyện Yên Bình đã có công văn về việc triển khai công tác phòng chống bệnh dại gửi các xã, thị trấn trong huyện, nhưng tình hình cũng chẳng chuyển biến bao nhiêu. Khi những chuyện đáng tiếc xảy ra, huyện đã phải có công điện khẩn gửi các xã thị trấn, Ban chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dại của huyện được thành lập, kế hoạch triển khai một số biện pháp cấp bách được ban hành, lúc này tính chất nghiêm trọng của tình hình như mới nóng lên.

Chính quyền các xã bắt đầu vào cuộc. Trạm Thú y cử cán bộ bám sát địa bàn, đồng thời tổ chức 3 lớp tập huấn cho gần 100 thú y viên và cán bộ y tế thôn bản, cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ lưỡng cách bắt giữ, cách tiêm; chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, bơm kim tiêm cho cơ sở. Và kết quả là đến hết 20/8 đã có 9 xã "cơ bản hoàn thành" việc tiêm phòng dại cho 4.860 con chó. Đàn chó ở thôn Tân Minh xã Mông Sơn, thôn Tân Lập - Bảo Ái và một số nơi có người tử vong đã được bao vây tiêu diệt.

Vẫn biết rằng, con chó không phải là vật nuôi kinh tế, Nhà nước không khuyến khích việc nuôi chó, việc tiêm phòng dại con chó chính là cách bảo vệ con người, nhưng việc triển khai công việc này lại gặp không ít khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn trong huyện. Vì phải trả tiền mũi vắc-xin, không ít người nuôi chó đưa ra lý do để từ chối tiêm. Rồi tập quán nuôi chó kiểu bầy đàn, rồi con chó ít được chủ chăm bẵm, gần gũi nên đến khi bắt nhốt để tiêm hết sức khó khăn. Có đàn bắt được một con để tiêm còn 4-5 con khác chạy ráo lên đồi, chưa kể có chủ nuôi không dám bắt giữ cả chó nhà mình. Có địa phương còn nêu ra lý do khá chính đáng đó là chế độ bảo hộ cho người đi tiêm phòng, bởi việc tiêm phòng chó không nguy hiểm hơn tiêm con gà, con lợn.

Những khó khăn này không thể là nguyên nhân làm trở ngại công tác phòng chống dịch bệnh dại, nhất là làm chậm tiến độ tiêm phòng dại ở chó?. Và không thể để tình trạng các xã ở vùng nguy cơ phát bệnh dại cao mà việc tiêm phòng đàn chó chỉ mới đạt được tỷ lệ thấp như hiện nay.

Ông Nguyễn Dũng Giang - Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống bệnh dại huyện Yên Bình

 

UBND huyện Yên Bình yêu cầu các địa phương, tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về bệnh dại và cách phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan trong nhân dân. Các xã phải nắm cho được thực trạng đàn chó, rà soát lại số người bị chó cắn, số người bị cắn mà chưa tiêm phòng để vận động họ đi tiêm. Ban chỉ đạo ở các xã phải tổ chức lực lượng triển khai ngay chiến dịch tiêm phòng cho đàn chó; huy động lực lượng lùng bắt, tiêu huỷ những con chó ốm, nghi mắc bệnh trước khi tiêm và tiêu diệt những con chó không được tiêm. UBND các xã tăng cường các biện pháp cưỡng chế, xử phạt các hộ vi phạm quy định nhà nước trong quá trình thực hiện công tác phòng chống bệnh dại. Thời gian tới huyện sẽ yêu cầu các ngành đến cơ sở tăng cường kiểm tra, đôn đốc để chiến dịch phòng chống bệnh dại mang lại kết quả mong muốn.

Với quyết tâm của các cấp chính quyền và sự tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận của mỗi người dân, Yên Bình sẽ sớm đẩy lùi thực trạng đáng báo động, để sự yên ấm, hạnh phúc luôn được vẹn nguyên trong mỗi gia đình hôm nay.

Quang Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Chị Bùi Thị Phương, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) kể cho tôi nghe về quá trình phát triển đi lên của phong trào phụ nữ xã. Chị cho biết: Những năm qua, nhờ bám sát vào các phong trào và chương trình trọng tâm của công tác Hội các cấp, Hội phụ nữ xã đã đạt được những kết quả đáng kể, trong đó điển hình là phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

YBĐT - Ngày 21/8, Sở Y tế, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo triển khai dự án " Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho khu vực miền núi và vùng cao của tỉnh Yên Bái".

Thiếu nhi Yên Bái thăm và tặng quà bà Phạm Thị Xiết, mẹ liệt sỹ Trần Thị Lừng ở tổ 7, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. (Ảnh: Nguyễn Phương)

YBĐT - Chào mừng Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XII, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, Tỉnh đoàn Yên Bái đã phát động đợt thi đua đặc biệt, giai đoạn I với chủ đề: "Tự hào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh", giai đoạn II: "Tuổi trẻ Yên Bái lập công mừng Đại hội", giai đoạn III: "Đại hội Đoàn và hành động của tuổi trẻ". Đến nay, tuổi trẻ toàn tỉnh chuẩn bị bước vào chặng thứ 3 của đợt thi đua đặc biệt.

YBĐT – Ngày 20/8, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới và luật bình đẳng giới cho các thành viên Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh, huyện và các ngành trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục