Cơ hội cho lao động nghề hàn, nghề khuôn mẫu ở thị trường ở Hàn Quốc
Trung tâm Lao động ngoài nước của Bộ Nội vụ thông báo tuyển chọn lao động đi làm việc trong ngành công nghiệp gốc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS) năm 2025.
Chương trình tập trung tuyển chọn lao động có kỹ năng nghề hàn và nghề khuôn mẫu.
Cụ thể, với nghề hàn, ứng viên phải đã được đào tạo nghề hàn/hoặc ngành có đào tạo modul hàn cả lý thuyết và thực hành. Với nghề khuôn mẫu, ứng viên đã được đào tạo nghề cắt gọt kim loại, hoặc các ngành có đào tạo các modul tiện, phay, mài… đầy đủ cả lý thuyết và thực hành.
Ứng viên tham gia tuyển chọn đã được đào tạo nghề hàn/hoặc ngành có đào tạo modul hàn cả lý thuyết và thực hành. Với nghề khuôn mẫu, ứng viên đã được đào tạo nghề cắt gọt kim loại, hoặc các ngành có đào tạo các modul tiện, phay, mài… đầy đủ cả lý thuyết và thực hành.
Đợt tuyển chọn này nằm trong khuôn khổ của chương trình EPS - chương trình được thực hiện theo Bản ghi nhớ được ký giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay, đã có hơn 140.000 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này.
Theo đó, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ được giao là đầu mối phối hợp với phía Hàn Quốc và các cơ quan, đơn vị chức năng của Việt Nam triển khai tuyển chọn, đào tạo và phái cử người lao động.
Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) là cơ quan được Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc giao phối hợp với cơ quan chức năng phía Việt Nam tổ chức, triển khai. Việc tổ chức phỏng vấn thi tuyển, ra đề thi sát hạch tay nghề, đề thi tiếng Hàn và công tác chấm thi do HRD Korea chịu trách nhiệm.
Quy định về đối tượng tham gia tuyển chọn ra sao?
Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, tổng số lao động tuyển chọn năm 2025 là 1.000 người. Trong đó, nghề hàn tuyển 700 người, và nghề khuôn mẫu tuyển 300 người. Có 4 nhóm đối tượng có thể tham gia tuyển chọn.
Thứ nhất, học sinh, sinh viên đang học nghề hàn, nghề khuôn mẫu hệ trung cấp trở lên tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ hai, quân nhân, công an xuất ngũ từ năm 2024 trở lại đây, đã và đang sử dụng thẻ học nghề được Bộ Quốc phòng cấp khi xuất ngũ để học nghề hàn, nghề khuôn mẫu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ ba, người lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành đóng tàu có hồ sơ đăng ký dự tuyển hết hạn nhưng không có nguyện vọng gia hạn hồ sơ theo ngành này và đã được đào tạo các nghề (các nghề thuộc danh mục ngành: Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật; công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng; xây dựng) từ hệ trung cấp trở lên hoặc có kinh nghiệm làm việc đến nghề hàn, nghề khuôn mẫu.
Thứ tư, người lao động đã tham gia đợt thi tiếng Hàn năm 2024 ngành sản xuất chế tạo đạt điểm tiếng Hàn từ 110-145 điểm và đã được đào tạo các nghề (các nghề thuộc danh mục ngành: Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật; công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng; xây dựng) từ hệ trung cấp trở lên hoặc có kinh nghiệm làm việc liên quan đến nghề hàn, nghề khuôn mẫu.
Các ứng viên cần đáp ứng đủ các điều kiện tuyển chọn lao động tham dự chương trình EPS, gồm: Từ 18 đến 39 tuổi (độ tuổi trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/1985 đến ngày 13/4/2007); không có án tích theo quy định của pháp luật; chưa từng trục xuất khỏi Hàn Quốc; nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc (bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 (lao động EPS) hoặc/và visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 5 năm; không bị cấm xuất cảnh Việt Nam; đủ sức khỏe để làm việc theo quy định của Hàn Quốc, không bị mù màu, rối loạn sắc giác; không bị mắc các bệnh giang mai, lao phổi, dương tính với chất gây nghiện.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia từ ngày 31/3 đến 13/4/2025. Sau đó, ứng viên sẽ được phỏng vấn từ ngày 5 đến 16/5, tham gia chương trình đào tạo nghề và tiếng Hàn từ ngày 26/5 đến 24/8. Việc tuyển chọn tiến hành vào cuối tháng 8, thi tiếng Hàn vào đầu tháng 9 để có thể gửi hồ sơ sang Hàn Quốc trước ngày 30/9.
Học sinh, sinh viên (gồm cả quân nhân, công an xuất ngũ từ năm 2024 trở lại đây đang học nghề hàn, nghề khuôn mẫu bằng thẻ học nghề được Bộ Quốc phòng cấp khi xuất ngũ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) có thể đăng ký tham gia và nộp hồ sơ tại nơi đang học tập.
Đối tượng là người lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành đóng tàu; người lao động đã tham gia đợt thi tiếng Hàn năm 2024 ngành sản xuất chế tạo đạt điểm tiếng Hàn từ 110-145 điểm; quân nhân, công an xuất ngũ từ năm 2024 trở lại đây sử dụng thẻ học nghề được Bộ Quốc phòng cấp khi xuất ngũ để học nghề hàn, nghề khuôn mẫu và đã hoàn thành khóa học nghề) sẽ đăng ký tham gia và nộp hồ sơ tại Sở Nội vụ các địa phương.
Ứng viên được tuyển chọn cần trải qua 2 vòng kiểm tra hồ sơ và phỏng vấn. Số lao động đạt yêu cầu hồ sơ được tham gia vòng phỏng vấn gấp 2 lần số người theo chỉ tiêu tuyển chọn. Số lao động đạt vòng phỏng vấn, được tham dự khóa đào tạo nghề và tiếng Hàn gấp 1,2 lần số người theo chỉ tiêu tuyển chọn.
Người lao động đạt yêu cầu qua vòng phỏng vấn phải tập trung để tham gia khóa đào tạo nghề và tiếng Hàn tại các cơ sở đào tạo nghề do HRD Korea lựa chọn ở Hà Nội và Nghệ An.
Hai khóa học được tổ chức song song, với tổng thời gian đào tạo nghề và tiếng Hàn trong 3 tháng, với 120 giờ đào tạo nghề và 300 tiết đào tạo tiếng Hàn.
Sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề và tiếng Hàn, người lao động phải tham gia kỳ thi tuyển chọn (sát hạch tay nghề và phỏng vấn tiếng Hàn) do HRD Korea thực hiện.
Người lao động đạt yêu cầu qua thi sát hạch tay nghề và phỏng vấn tiếng Hàn (đạt từ 120/200 điểm trở lên) sẽ được tham dự kỳ thi năng lực tiếng Hàn.
Chỉ những người có điểm thi năng lực tiếng Hàn đạt yêu cầu (đạt từ 90/200 điểm trở lên) mới được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng.
Người lao động nếu trúng tuyển sẽ phải nộp một số chi phí sau.
Chi phí khóa đào tạo nghề và tiếng Hàn (đã bao gồm chi phí thi sát hạch tay nghề) với nghề hàn từ 9-10 triệu đồng/người, nghề khuôn mẫu từ 7-8 triệu đồng/người nộp trực tiếp cho đơn vị tổ chức đào tạo.
Chi phí đào tạo tiếng Hàn là 4.250.000 đồng/người.
Lệ phí đăng ký dự thi tiếng Hàn tương đương với 28 USD theo quy định của phía Hàn Quốc.
Người lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn, được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng lao động sẽ phải nộp chi phí phái cử số tiền Việt Nam tương đương 630 USD, chi phí hành chính xin cấp visa 390.000 đồng và ký quỹ 100 triệu đồng theo quy định chung đối với người lao động tham gia chương trình EPS.
Ngoài các khoản nêu trên, người lao động không phải nộp thêm bất cứ chi phí nào khác.
Người lao động tham gia chương trình được phía Hàn Quốc ưu tiên giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc ngành công nghiệp gốc lựa chọn. Cơ chế giới thiệu hồ sơ được thực hiện theo quy định của chương trình EPS, người lao động trúng tuyển không bảo đảm chắc chắn sẽ được sang Hàn Quốc làm việc.
Trong trường hợp lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng lao động sẽ làm việc tại Hàn Quốc với thời hạn tối đa là 3 năm. Kết thúc thời hạn 3 năm, nếu doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu sẽ được gia hạn tối đa 1 năm 10 tháng; có cơ hội tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.
Người lao động được hưởng mức lương cơ bản, được hưởng tiền lương làm thêm giờ và tham gia các loại bảo hiểm theo quy định của Hàn Quốc. Trong năm 2025, mức lương cơ bản của Hàn Quốc là 2.096.270 won/tháng, quy đổi theo tỷ giá hiện nay khoảng hơn 38 triệu đồng.
Hiện nay, Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức có hiệu lực. Do đó, lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (trong đó có lao động của chương trình EPS) sẽ được cộng gộp thời gian tham gia và tính hưởng bảo hiểm xã hội khi làm việc tại thị trường này. Qua đó, bảo đảm quyền lợi hưu trí đã được ghi nhận theo pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc.
Riêng trong năm 2024, thị trường Hàn Quốc đã thu hút hơn 13,6 nghìn lao động nước ta sang làm việc. |
(Theo NDO)