An toàn vệ sinh thực phẩm:

Bao giờ mới hết nỗi lo?

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2025 | 8:19:50 AM

YênBái - Đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn của người dân cũng ngày một tăng. Tuy nhiên, đi cùng với đó, nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những bữa ăn hàng ngày - nơi đáng lẽ phải mang lại sự an tâm và dinh dưỡng - lại ẩn chứa những nguy cơ khó lường từ thực phẩm bẩn, tồn dư hóa chất, chất cấm trong chế biến, bảo quản. Đặc biệt, tại địa phương miền núi như tỉnh Yên Bái, vấn đề này lại càng trở nên đáng quan tâm.

Duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học và các bếp ăn tập thể là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học và các bếp ăn tập thể là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.


Chị Nguyễn Thị Hương - một người nội trợ ở thành phố Yên Bái lo lắng: "Làm sao có thể trở thành người tiêu dùng thông thái khi giấy chứng nhận hoặc những thông tin ghi trên bao bì sản phẩm là giả mạo hoặc ghi chữ nước ngoài?”. 

Câu hỏi đó không chỉ phản ánh sự hoang mang của cá nhân mà còn là tiếng nói của rất nhiều người dân. Nhiều người tiêu dùng đã từng đặt trọn niềm tin vào các sản phẩm có tem, nhãn rõ ràng nhưng rồi phát hiện đó chỉ là hình thức đối phó, hoặc thậm chí là hàng giả mạo, khiến niềm tin bị bào mòn nghiêm trọng. Tại các khu chợ dân sinh, nhiều loại rau, củ, quả được bày bán với vẻ ngoài bắt mắt nhưng không rõ nguồn gốc. Sự hiện diện của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng, chất tạo màu, chất bảo quản quá mức cho phép là những hiểm họa tiềm ẩn trong các bữa cơm hàng ngày. 

Không chỉ trong hộ gia đình, vấn đề ATVSTP còn đặc biệt đáng lo ngại tại các bếp ăn tập thể - nơi cung cấp hàng trăm suất ăn mỗi ngày cho học sinh, công nhân, người lao động. 

Chị Nguyễn Thị M - nhân viên tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Yên Bái chia sẻ: "Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong sản xuất và chế biến thực phẩm là nỗi lo của chúng tôi trong quá trình duy trì bếp ăn cho học sinh. Bên cạnh việc kêu gọi người sản xuất tuân thủ các quy định, sống có lương tâm và trách nhiệm, chúng tôi mong muốn được trang bị các phương tiện kỹ thuật để kiểm tra ATVSTP trước khi đưa vào chế biến”. 

Tâm sự của chị Nguyễn Thị M không chỉ là nỗi niềm riêng của người làm công tác giáo dục mà còn là của rất nhiều người đang trực tiếp chăm lo từng bữa ăn cho cộng đồng. Bởi lẽ, khi chất lượng bữa ăn không được đảm bảo, hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở những triệu chứng ngộ độc thực phẩm tức thời mà còn gây ra vấn đề về sức khỏe lâu dài.

Tỉnh Yên Bái những năm gần đây đã có nhiều cố gắng trong việc kiểm soát ATVSTP, từ việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân đến kiểm tra, xử lý vi phạm. Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, lực lượng mỏng nên công tác kiểm tra gặp không ít khó khăn. 

Một thực tế đáng buồn là tại một số địa phương trong tỉnh, người dân vẫn có thói quen sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cho rau quả mà không tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Việc lạm dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm cũng vẫn xảy ra. Trong khi đó, người tiêu dùng, đặc biệt là người dân nông thôn, miền núi, lại thiếu kiến thức và phương tiện để tự phân biệt hàng thật, hàng giả. 

Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề ATVSTP, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng. 

Những hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn cần được xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe. Song song với đó, cần đầu tư trang thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm cho các địa phương, đặc biệt là các trường học, bệnh viện, nhà máy có bếp ăn tập thể. Việc trang bị các bộ test nhanh, máy kiểm định chất lượng sẽ giúp sàng lọc ngay tại chỗ, giảm thiểu rủi ro từ nguồn nguyên liệu đầu vào. 

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu minh bạch, dễ tra cứu về các cơ sở sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn, giúp người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn. Để trở thành người tiêu dùng thông thái, mỗi người cần nâng cao kiến thức, kỹ năng lựa chọn thực phẩm, như: ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ hạn sử dụng, tránh những thực phẩm có dấu hiệu bất thường; đồng thời, cần lên tiếng phản ánh khi phát hiện những hành vi vi phạm về ATVSTP.

Hy vọng rằng, với sự quyết tâm của chính quyền và sự vào cuộc của cả cộng đồng, các gia đình, bếp ăn tập thể sẽ có những bữa ăn chất lượng, an toàn. Mỗi chúng ta hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhưng thiết thực: chọn lựa kỹ càng, nói không với thực phẩm không an toàn và truyền tải thông điệp tích cực về một xã hội có trách nhiệm!

Năm 2024, ngành y tế Yên Bái đã tổ chức 17 đợt kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm với tổng số 5.812 suất ăn được đảm bảo an toàn, lưu 379 mẫu; kiểm tra nhanh độ sạch bát đĩa ở các cơ sở. Qua kiểm tra, có 153/154 mẫu đạt yêu cầu; giám sát 57 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, tất cả đều đạt yêu cầu. Công an tỉnh phối hợp kiểm tra liên ngành 3 đợt, trực tiếp xử lý 169 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, phạt hành chính gần 600 triệu đồng; tịch thu và tiêu hủy 18.052kg thực phẩm, 32.587kg bánh kẹo, 520 chai rượu ngoại, tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 2,1 tỷ đồng.

Lê Phiên

Tags Yên Bái an toàn vệ sinh thực phẩm nấu ăn chế biến bảo quản

Các tin khác

Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất khuyến khích hành khách sử dụng các giải pháp công nghệ để làm thủ tục trước khi lên máy bay nhằm giảm tải.

Miền Bắc, miền Trung hôm nay đón nắng nóng.

Hôm nay (5/5), miền Bắc bước vào đợt nắng nóng kéo dài nhưng không gay gắt. Khu vực miền Trung đón nắng nóng diện rộng, gay gắt. Tây Nguyên, Nam Bộ ngày nắng, có nơi nắng nóng, chiều tối có mưa dông.

Ông Nguyễn Đăng Khoa kể lại những năm tháng chiến đấu hào hùng của quân và dân ta cho con cháu nghe.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, Bảo tàng tỉnh Yên Bái trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Nơi đây không chỉ là điểm tham quan văn hóa mà còn là “địa chỉ đỏ” khơi gợi lòng yêu nước, tri ân thế hệ đi trước và bồi đắp lý tưởng sống cho thế hệ trẻ.

Cán bộ can thiệp trái phép vào xử lý vi phạm hành chính có thể bị bãi nhiệm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2025, có hiệu lực từ ngày 15/6 tới, nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định 19/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục