Để rõ hơn về các chiến lược và hoạt động cụ thể mà Trường đã triển khai nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với nhà giáo, Thạc sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng nhà trường.
P.V: Xin bà chia sẻ tổng quan về sứ mệnh và vai trò của nhà trường trong công tác giáo dục, đào tạo hiện nay?
Thạc sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Trường Cao đẳng Yên Bái có sứ mệnh chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành nghề kỹ thuật, y tế, nông nghiệp và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực. Vai trò của nhà trường là tạo ra những thế hệ học viên có kiến thức, kỹ năng thực hành tốt, đồng thời có ý thức nghề nghiệp, đạo đức và khả năng sáng tạo để thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động hiện nay.
Nhà trường đang tổ chức hiệu quả việc đào tạo 2 hệ trung cấp và cao đẳng; liên kết đào tạo trình độ đại học và thạc sỹ; bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn; làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế đào tạo du học sinh cho 2 tỉnh Viêng Chăn và Xay Nha Bu Ly, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Hiện tại, nhà trường có 164 cán bộ, viên chức; trong đó, 95 người là cán bộ, giảng viên. 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học; trong đó, 70% có trình độ tiến sĩ, nghiên cứu sinh và thạc sĩ.
Nhà giáo, Thạc sĩ Đỗ Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Yên Bái.
Các nhà giáo Trường Cao đẳng Yên Bái hội tụ đầy đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn tốt. Đội ngũ trí thức nhà trường tương đối đồng đều với thế mạnh tuổi đời còn trẻ, trung bình 40 tuổi - độ tuổi có sự dày dặn về kinh nghiệm, nhiệt huyết và tận tâm với nghề. Nhiều nhà giáo đạt giải cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi và hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc ở các khối nghề như: nghệ thuật, du lịch và điều dưỡng, giáo dục mầm non. Đây cũng là nhóm nghề thế mạnh của nhà trường.
Với phương châm "Chất lượng đào tạo là danh dự của nhà trường”, hàng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp đạt trên 80% khá và giỏi, tỷ lệ có việc làm trên 90%. Nhà trường luôn nhận được sự đồng hành và tham gia của các doanh nghiệp trong đánh giá tốt nghiệp và tuyển dụng đầu ra.
P.V: Năm 2025, phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường như thế nào, thưa bà?
Thạc sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Năm 2025, Trường được UBND tỉnh giao tuyển sinh 1.300 chỉ tiêu. Trong đó, đào tạo chính quy 750 chỉ tiêu (460 chỉ tiêu cao đẳng, 290 chỉ tiêu trung cấp) với các ngành điều dưỡng, hộ sinh, dược, y sĩ đa khoa, giáo dục mầm non, hướng dẫn du lịch, quản trị khách sạn, nghiệp vụ lễ tân, nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, múa, thanh nhạc, nhạc cụ truyền thống, nhạc cụ phương Tây, hội họa, thiết kế đồ họa, tin học ứng dụng, tiếng Anh thương mại; đào tạo thường xuyên, sơ cấp và dưới 3 tháng 550 chỉ tiêu, gồm các ngành điều dưỡng (trình độ cao đẳng), y tế thôn bản, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ dược, du lịch cộng đồng, kỹ năng phục vụ buồng, bàn, nhà hàng, tiếng Anh giao tiếp…
Phương thức tuyển sinh của nhà trường chủ yếu là xét tuyển học bạ dựa vào kết quả học tập THCS sau khi tốt nghiệp lớp 9 (đối với tuyển sinh trình độ trung cấp) và xét kết quả học bạ THPT, bằng tốt nghiệp THPT (đối với tuyển sinh trình độ cao đẳng). Riêng với khối nghề nghệ thuật, các thí sinh cần sơ tuyển năng khiếu, chú trọng hình thể. Thời gian đào tạo 2 năm đối với trình độ trung cấp và 2,5 đến 3 năm đối với trình độ cao đẳng. Ngoài ra, nhà trường liên kết đào tạo hệ đại học các ngành: công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn; du lịch...; liên thông đại học điều dưỡng, dược... với các trường đại học có uy tín, hình thức từ xa hoặc cuối tuần.
P.V: Nhà trường đã triển khai những giải pháp cụ thể nào để nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm gần đây, thưa bà?
Thạc sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Thứ nhất, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, sát với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề và thị trường lao động. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên chuẩn quốc gia và quốc tế, gắn kết với nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ quan y tế, đơn vị trong tỉnh và khu vực. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên môn với các bên liên quan để đánh giá chương trình đào tạo, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung các kỹ năng mới như: kỹ năng mềm, sử dụng công nghệ thông tin trong ngành nghề, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Áp dụng phương pháp đào tạo tích hợp và hướng nghiệp, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành nghề mình theo học và định hướng phát triển bản thân sau khi ra trường.
Thứ hai, nhà trường chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên. Tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm; đồng thời, giao nhiệm vụ cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chú trọng để giảng viên đề xuất giải pháp, trong đó cải tiến và đổi mới nâng cao hiệu quả phương pháp giảng dạy.
Thứ ba, nhà trường chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cập nhật kiến thức, công nghệ mới. Tăng cường gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Xây dựng và nâng cấp các phòng thực hành với trang thiết bị hiện đại, mô phỏng sát thực tế công việc. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức các kỳ thực tập, thực tế, lâm sàng cho HSSV, giúp các em nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Định kỳ đánh giá hiệu quả thực tập thông qua phản hồi của doanh nghiệp và HSSV, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp đào tạo cho phù hợp. Đặc biệt, tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng.
Thứ tư, tập trung thực hiện tốt công tác đánh giá, kiểm định chất lượng trên nguyên tắc học thật - thi thật - kết quả thật.
Thứ năm, mỗi năm học, nhà trường tổ chức các kỳ hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và hội thi kỹ năng trình diễn tay nghề HSSV, thông qua đó sẽ định lượng được chất lượng mũi nhọn của đào tạo, phát huy có hiệu quả Phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt”.
P.V: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhà trường có gặp những khó khăn gì? Định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới như thế nào, thưa bà?
Thạc sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy: Trong quá trình phát triển, nhà trường không tránh khỏi những khó khăn như: nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo; việc cập nhật chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy phải luôn đổi mới để bắt kịp xu hướng công nghệ và thị trường lao động, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên; khó khăn trong việc liên kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện thực tập, việc làm cho sinh viên do các doanh nghiệp còn hạn chế về quy mô hoặc yêu cầu cao về tiêu chuẩn đầu ra với các cơ sở đào tạo.
Đảng ủy nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn trên nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có Nghị quyết số 64 của Ban Thường vụ Đảng ủy về tập trung một số giải pháp phát triển Khoa Văn hóa - Du lịch từ năm 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 theo tinh thần du lịch Yên Bái - đột phá để phát triển.
Đặc biệt, nhà trường tập trung huy động mọi nguồn lực, tăng cường hợp tác với các cấp chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Nhà trường cũng chủ động tiếp cận các dự án, nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp phòng thực hành và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên.
Nhà trường xác định mục tiêu phát triển trường trở thành một trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, có thương hiệu uy tín trong khu vực Tây Bắc và toàn quốc. Nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo theo hướng đa ngành nghề, đa bậc học, đáp ứng nhu cầu nhân lực của tỉnh và khu vực. Tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng ứng dụng, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao, năng động, sáng tạo và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tạo môi trường học tập thân thiện, chuyên nghiệp cho sinh viên. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng các chương trình trao đổi, liên kết đào tạo với các trường và tổ chức nước ngoài. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng gắn với thực tiễn địa phương và phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các ngành chức năng và sự quyết tâm của tập thể nhà trường, Trường Cao đẳng Yên Bái sẽ ngày càng phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Thanh Ba (thực hiện)