Trường THPT Nguyễn Huệ: 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày 11/11/2007, Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước trao tặng.

Tan trường (Ảnh Vũ Chiến).
Tan trường (Ảnh Vũ Chiến).

Trường THPT Nguyễn Huệ, tiền thân là Trường Phổ thông cấp 3 thị xã Yên Bái, là trường cấp 3 đầu tiên của tỉnh Yên Bái ra đời trên cơ sở phát triển từ Trường cấp 2 Yên Bái. Năm học 1957 - 1958, lớp 8 (lớp 10 hiện nay) chính thức đầu tiên được hình thành với 40 học sinh của cả khu Lao - Hà - Yên và 6 giáo viên. Đến năm 1965, Trường cấp 3 thị xã Yên Bái được tách thành hai trường là cấp 3A (Trường THPT Nguyễn Huệ ngày nay) và cấp 3B (Trường THPT Lý Thường Kiệt ngày nay).

 

Hoàng Văn Trường - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ.

Giai đoạn 1965 - 1975, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, thầy và trò Trường cấp 3A thị xã Yên Bái phải sơ tán đi nhiều nơi, song nhà trường đã duy trì được quy mô từ 8 đến 10 lớp, trên 300 học sinh, đồng thời làm tốt công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, học sinh. Từ mái trường này, nhiều thế hệ thầy và trò đã hăng hái tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”.

Năm 1975, nhà trường chuyển về đóng tại phường Yên Thịnh, thị xã Yên Bái. Thầy và trò nhà trường một lần nữa phát huy tinh thần tự lực tự cường, bắt tay xây dựng lớp học, nhà làm việc từ tranh tre, nứa, lá; quy mô có lúc lên tới 33 lớp với trên 1.500 học sinh và hơn 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Năm 1982, nhà trường được vinh dự mang tên người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Năm 1983, Trường chuyển về đường Yên Ninh, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái với điều kiện cơ sở vật chất kiên cố; trang thiết bị được tăng cường và hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng không ngừng được bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục đào tạo bậc THPT ở thời kỳ mới với các chương trình cải cách giáo dục. Quy mô trường có lúc lên tới 36 lớp với  gần 1.800 học sinh, hơn 100 cán bộ, giáo viên và nhân viên.

50 năm qua, nhà trường đã luôn duy trì tốt hoạt động dạy và học. Qua các chặng đường phát triển, nhà trường luôn nắm vững và thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và đạt hiệu quả cao về chất lượng giáo dục toàn diện.

Trong danh sách hơn 2 vạn cựu học sinh cấp 3, cấp 3A thị xã Yên Bái, Trường THPT Nguyễn Huệ ngày nay, chúng ta có quyền tự hào khi nhắc tới những cán bộ cao cấp như: Đại tá QĐND Việt Nam Trịnh Ngọc An; Đại tá QĐND Việt Nam; Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Kỳ; Thượng tá, Tổng Giám đốc Công ty Điện tử chuyên dụng Bộ Nội vụ Phạm Gia Ngọc; Thượng tá Không quân Cao Viết Truyền; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phùng Quốc Hiển; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Quý Đăng; nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái Nguyễn Đình Lưu; nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Yên Bái Trần Cương; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Yên Bái Nguyễn Ngọc Bái; đại diện các nhà khoa học như: PGS.TS Khổng Doãn Điền, PGS.TS nghệ thuật Lê Bá Dũng, Tiến sĩ Dược khoa Nguyễn An Ninh, TS Ngữ văn Nguyễn Thị Tuyến, Tiến sĩ Dược học Bùi Kim Liên, v.v…

Và chúng ta cũng tự hào với những kết quả đã đạt được trong hơn 20 năm qua. Đó là, tỷ lệ học sinh xếp loại đạo đức tốt, khá: 70% - 98%; học sinh xếp loại học lực khá, giỏi: từ 10% đến 60%; tỷ lệ lên lớp: 90% - 100%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT: 90% - 100%, năm học 2006 - 2007 tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp là 98,89% - đây là năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “Hai không” trong ngành giáo dục và đào tạo; tỷ lệ đỗ vào các trường ĐH, CĐ, THCN: từ 25% đến 70%; có nhiều học sinh được du học ở nước ngoài; đã có 226 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 51 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia.

Chi bộ Đảng nhà trường 16 lần đạt danh hiệu cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; 20 lần nhà trường đạt danh hiệu tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, trong đó 6 lần nhận cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối các trường THPT của UBND tỉnh Yên Bái; Công đoàn 7 lần đạt danh hiệu công đoàn cơ sở xuất sắc; Đoàn Thanh niên 8 lần đạt danh hiệu cơ sở Đoàn xuất sắc; Hội Chữ thập đỏ đều đạt danh hiệu khá và xuất sắc. Các tổ chức đoàn thể của nhà trường đều đã được các cấp Trung ương tặng cờ thi đua xuất sắc; nhiều cá nhân thầy, cô giáo được Nhà nước, Chính phủ, Bộ GD&ĐT tặng huy chương, bằng khen, giấy khen cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Trường THPT Nguyễn Huệ đã 6 lần nhận cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối THPT toàn tỉnh.

Hiện nay, cơ sở vật chất với diện tích gần 2 ha, trong đó khu đa năng gần 1 ha bảo đảm cho trên 1.500 thầy và trò nhà trường hoạt động giảng dạy và học tập. Trường có 5 khu nhà cao tầng, trong đó có 16 phòng học 2 ca; 1 phòng vi tính với 47 máy tính; 1 phòng thư viện với trên 5.000 đầu sách. Ngoài ra, nhà trường còn có các phòng thí nghiệm, thực hành, bồi dưỡng, phụ đạo học sinh; 1 hội trường với 100 chỗ ngồi, một số phòng làm việc chức năng khác; các trang thiết bị dạy học, làm việc ngày càng được hoàn thiện.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường hiện có 82 người, trong đó 5 người có trình độ thạc sĩ, 3 người đang đào tạo thạc sỹ, 69 người trình độ đại học. Tập thể nhà trường là một tập thể sư phạm đoàn kết, có kinh nghiệm, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao. Số lượt cán bộ, giáo viên của Trường đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh chiếm tỷ lệ trên 20%, 1 giáo viên được phong danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc; có 7/11 tổ nhiều năm đạt tổ lao động tiên tiến xuất sắc, các tổ còn lại đạt tiên tiến.

50 năm xây dựng và phát triển của nhà trường đã cho chúng ta những bài học quý báu:

Một là, sự đoàn kết nhất trí và sự lãnh đạo vững vàng của Chi bộ Đảng, của Ban Giám hiệu qua các thời kỳ là động lực quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường.

Hai là, đội ngũ cán bộ, giáo viên với phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng là những yếu tố cơ bản  để nhà trường có được uy tín trong hệ thống các trường THPT của tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung.

Ba là, sự kế thừa và phát huy một cách hiệu quả truyền thống 50 năm qua là cơ sở vững chắc cho quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường.

Bốn là, nắm vững và vận dụng kịp thời đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước để xây dựng các kế hoạch, giải pháp phù hợp với hoàn cảnh của nền kinh tế thị trường và xu thế xã hội hóa giáo dục là hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao vị thế của nhà trường trong xã hội.

Trên cơ sở những kết luận của Hội nghị BCH TƯ lần thứ 6 khóa IX về giáo dục- đào tạo, Nghị quyết số 40/2000/QH 10 của Quốc hội và Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới giáo dục phổ thông, Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong giai đoạn phát triển 2005 - 2010, mục tiêu chung của nhà trường được xác định là: giáo dục toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Quá trình dạy học phải đáp ứng những yêu cầu đổi mới để cung cấp cho học sinh học vấn phổ thông cơ bản có tính hướng nghiệp, tiếp cận trình độ chung của toàn quốc, khu vực và thế giới. Nhà trường phải xây dựng được thái độ học tập đúng đắn, phương pháp học chủ động, tích cực sáng tạo; khơi dậy lòng ham học, ham hiểu biết, năng lực tự học, năng lực vận dụng kiến thức vào cuộc sống cho học sinh; đồng thời tổ chức giảng dạy, học tập, tổ chức các hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành.

Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục tham mưu với cấp trên tăng cường xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa; phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong cộng đồng thực hiện các hoạt động giáo dục theo Luật Giáo dục và Điều lệ trường phổ thông; tăng cường nền nếp, kỉ cương và ngăn chặn, khắc phục các hiện tượng tiêu cực, vị thành tích trong giáo dục; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân địa phương tạo môi trường giáo dục lành mạnh; giữ ổn định quy mô số lớp của trường từ 30 - 33 lớp với khoảng 1.300 đến 1.500 học sinh; phấn đấu đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT từ 90% - 95% và có từ 25% - 50% số học sinh đỗ đại học, cao đẳng; phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2006 - 2010.

Nhiệm vụ trồng người của chúng ta ở phía trước thật vinh quang nhưng cũng không ít những thử thách của thời kỳ hội nhập. Chúng ta nguyện sát cánh cùng nhau xây dựng "thương hiệu" Trường THPT Nguyễn Huệ, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân tỉnh Yên Bái. 

Hoàng Văn Trường - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ

 

 

Các tin khác
Ký cam kết

YBĐT - Quản lý giáo dục, quản lý nhà trường, quản lý dạy học trong trường phổ thông trước hết phải làm sao hướng tới mục đích giáo dục toàn diện cho các thế hệ học sinh. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, giáo dục toàn diện càng được nhìn nhận như một yêu cầu tất yếu và trở thành động lực thúc đẩy nhanh hơn nền giáo dục tiên tiến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước.

Các thầy, cô giáo Trường THPT Nguyễn Huệ nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.

YBĐT - Tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1972, tôi được Bộ Giáo dục - Đào tạo điều về công tác tại tỉnh Yên Bái. Ngôi trường đầu tiên để tôi chính thức bước lên bục giảng làm thầy giáo là Trường cấp III A, nay là Trường THPT Nguyễn Huệ.

YBĐT - Đến nay, Trường THPT Nguyễn Huệ vừa tròn 50 năm xây dựng và trưởng thành. Lịch sử 50 năm ấy cũng là quá trình hình thành và phát triển của tổ chức công đoàn cơ sở nhà trường.

Lao động được đào tạo nghề ngắn hạn tại Trung tâm đào tạo việc làm huyện Lục Yên. (Ảnh Văn Tuấn)

YBĐT - Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX, toàn tỉnh Yên Bái hiện có 265 HTX và trên 6.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký kinh doanh đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục