Đổi thay ở một làng văn hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Làng văn hóa khu 4 bản Thái, thị trấn Mù Cang Chải gồm 1 tổ dân phố số 9 và số 10, có 67 hộ với gần 300 nhân khẩu. Người dân trong làng sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây đời sống của nhân dân đã và đang từng bước được cải thiện nâng cao và chỉ còn 25 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Đây cũng là làng văn hóa cấp tỉnh duy nhất của huyện Mù Cang Chải với trên 95% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

Các chàng trai Mông đang luyện tập thổi khèn để chờ đi trẩy hội xuân. (Ảnh: Đức Hồng)
Các chàng trai Mông đang luyện tập thổi khèn để chờ đi trẩy hội xuân. (Ảnh: Đức Hồng)

Để có được những kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã chỉ đạo các ngành đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động nhân dân trong bản thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

 

Ông Phạm Xuân Thanh - Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban văn hóa xã hội thị trấn cho biết: Các ban ngành đoàn thể của thị trấn đã thực sự vào cuộc để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động lớn này. Tổ dân phố đã tích cực vận động các hộ dân tham gia đăng ký và phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, xây dựng quy ước làng văn hóa, giúp người dân nhận thức đúng đắn về cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

 

Những năm trước đây, nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang còn khá phổ biến nhưng đến nay đã được đẩy lùi. Chẳng hạn như trước, trong nhà có người chết thường để từ 3 đến 4 ngày và họ thích ở đâu thì chôn người chết ở đó. Đối với đám cưới thì được tổ chức linh đình và phải chuẩn bị trước nhiều ngày.

 

Để xây dựng làng, bản văn hóa nhân dân khu 4 bản Thái đã cùng nhau xây dựng quy ước của làng với mục tiêu 100% các hộ gia đình được vận động ký cam kết thực hiện tốt các nội dung trong quy ước như: cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế giúp nhau làm giàu chính đáng; 100% các em trong độ tuổi đi học phải được đến lớp đến trường, động viên khuyến khích kịp thời đối với học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Đối với việc cưới, phải bỏ các hủ tục thách cưới, tiền hậu sinh, vòng bạc, hoa tai... tổ chức gọn nhẹ văn minh theo đúng Luật Hôn nhân, gia đình. Trong việc tang, người chết không được để quá 24h, chôn cất đúng nơi quy định. Nhân dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu dân cư.

 

Ông Nông Văn Phích, hiện đang là Chủ tịch Hội Nông dân của thị trấn cho biết: "Trước kia, người con trai muốn lấy được vợ khi ăn hỏi xong phải đến nhà gái ở rể từ 3 - 5 năm. Nhà trai phải chịu thách cưới bằng vòng bạc, hoa tai và tiền hậu sinh (tức là tiền công mà nhà gái đã nuôi người vợ của mình). Đối với những người có điều kiện phải chịu tiền hậu sinh 12 năm, người dân bình thường thì 8 năm (mỗi năm tương đương 150 - 200 ngàn đồng). Nhà gái cũng phải chuẩn bị chăn đệm... Những năm gần đây nhờ thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", các hủ tục lạc hậu này đã không còn nữa, người dân chúng tôi rất phấn khởi...".

 

Đánh giá về những chuyển biến trong làng văn hóa khu 4 bản Thái, ông Nguyễn Tiến Cương - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: "Người dân trong bản đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ đặc biệt là việc xây dựng cánh đồng cao sản (kết hợp giữa lúa ngô, cá và rau màu) bước đầu đã cho thu nhập 35 triệu đồng/ha; cây lúa đông xuân đã trở thành cây trồng chính trong vụ xuân với năng suất trung bình đạt trên 50 tạ/ha... Sản xuất hàng hóa đã được hình thành, nhiều nông sản thực phẩm đã đạt được đưa ra lưu thông trên thị trường, từng bước đem lại nguồn thu nhập cho người dân.

 

Đến nay khu 4 bản Thái về cơ bản đã thanh toán được nạn đói giáp hạt. Trong làng đã thành lập được câu lạc bộ TDTT, đội văn nghệ, Câu lạc bộ tiền hôn nhân, gia đình trẻ... và đặc biệt là đã khánh thành 1 nhà sàn văn hóa trị giá gần 200 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hội họp và giao lưu văn nghệ. Nhiều năm liên tục địa phương không có người sinh con thứ 3, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, người dân ăn ở hợp vệ sinh, các tai tệ nạn xã hội đang dần được đẩy lùi...".

 

Từ kết quả này đã khẳng định một điều, đó là dù ở thôn, bản nào trong huyện, dù là người Mông hay người Thái nếu sớm có nhận thức đúng đắn để đẩy lùi các hủ tục lạc hậu; phát huy thuần phong mỹ tục, cách nghĩ cách làm hay của các địa phương khác; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thì chắc chắn huyện Mù Cang Chải sẽ có nhiều làng văn hóa như khu 4 bản Thái; đồng thời, Mù Cang Chải sẽ trở thành huyện phát triển trong tương lai không xa.

 

Huyền Minh

Các tin khác

YBĐT - Từ năm 2001 đến năm 2007, thành phố Yên Bái chọn 6 xã phường làm điểm chỉ đạo xây dựng mô hình “Xã, phường phù hợp với trẻ em” là phường Minh Tân, Nguyễn Thái Học, Đồng Tâm, Nguyễn Phúc, xã Nam Cường và Tuy Lộc.

Tuyến đường mơí tại khu vực Khánh Hoà (Lục Yên)sẽ tạo động lực để địa phương phát triển. (Ảnh: Thành Trung).

YBĐT - Xã Khánh Hoà (Lục Yên), cách trung tâm phố huyện chưa đầy 20 km lại nằm ngay ven quốc lộ 70, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù vậy, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn.

YBĐT - Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái vừa tổ chức buổi họp đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học "Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy phần ngữ văn địa phương tại trường trung học cơ sở (THCS) tỉnh Yên Bái".

YBĐT - Phúc Lợi là xã vùng 3 của huyện Lục Yên, có 5 dân tộc sinh sống. Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND xã và Công an huyện, lực lượng công an xã Phúc Lợi đã vươn lên giữ vững vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục