Mù Cang Chải: Khi vốn vay ưu đãi đến tay người nghèo

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong năm 2006 và 2007 các hộ ở Mù Cang Chải (Yên Bái) vay vốn đã mua được trên 3.600 con gia súc để lấy sức cày kéo và phát triển chăn nuôi, khai hoang trên 15 ha ruộng, trồng gần 160.000 gốc cây dược liệu; xây dựng gần 1.000 mét vuông chuồng trại chăn nuôi.

Nuôi ong mật ở Mù Cang Chải.
(Ảnh: Đ.H)
Nuôi ong mật ở Mù Cang Chải. (Ảnh: Đ.H)

Được thành lập từ 10/5/2003 theo Quyết định số 673 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, sau gần 5 năm đi vào hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mù Cang Chải đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo ở một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn và có tỷ lệ hộ nghèo thuộc hàng cao nhất tỉnh.

Mặc dù hoạt động trên địa bàn mang đặc thù như vậy và mới chỉ có 7 cán bộ, công nhân viên, song Ngân hàng CSXH huyện đã bám sát vào các mục tiêu phát triển chung của huyện. Từ đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng xã, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách địa bàn để chủ động thực hiện chuyển tải nhanh nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn đầu tư vào phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Bên cạnh đó, Ngân hàng còn đặt điểm giao dịch tại tất cả các xã trong huyện và hàng tháng cử cán bộ đến các điểm giao dịch để thực hiện quy trình nghiệp vụ. Nhờ đó, vốn tín dụng ưu đãi đã được phủ khắp trên 113 thôn bản trong huyện và đến đúng đối tượng được đầu tư.

Chỉ tính riêng năm 2007, Ngân hàng đã giải ngân cho 1.150 lượt hộ nghèo trên địa bàn được vay vốn ưu đãi, số vốn vay gần 7 tỷ đồng, nâng tổng số lượt hộ nghèo trong huyện được vay vốn lên 3.999 hộ và tổng số dư nợ của toàn huyện lên trên 25 tỷ đồng.

Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, trong 2 năm 2006 và 2007 các hộ vay vốn đã mua được trên 3.600 con gia súc để lấy sức cày kéo và phát triển chăn nuôi; khai hoang trên 15 ha ruộng; trồng gần 160.000 gốc cây dược liệu; xây dựng gần 1.000m2 chuồng trại chăn nuôi. Ngoài ra, các hộ còn đầu tư vào cải tạo vườn tạp, cây chè, mua phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất và mua máy xay xát...

Thăm gia đình anh Hờ A Hừ, bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha đúng lúc đang xuất chuồng 13 con lợn, trung bình mỗi con khoảng 85 đến 90 kg và với giá bán 28.000 đồng/kg. Như vậy, gia đình anh thu về trên 30 triệu đồng và anh cho biết: “Trước đây gia đình tôi rất nghèo, song từ nguồn vốn vay ưu đãi đã mang lại niềm phấn khởi cho gia đình tôi. Tháng 5 năm 2004 tôi được vay vốn phát triển kinh tế qua tổ chức đoàn với số tiền ban đầu là 7 triệu đồng, lãi suất 0,45%/tháng đối với hộ nghèo. Tôi đã mua 2 con lợn nái sinh sản và mua 6 con lợn con để chăn nuôi. Vì lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên sau hơn một năm tôi mới xuất chuồng được lứa đầu tiên và đến tháng 5 năm 2007 tôi đã trả xong cả gốc lẫn lãi cho Ngân hàng CSXH. Thấy chăn nuôi lợn có lãi, cuối tháng 6 năm 2007, tôi mạnh dạn vay tiếp 30 triệu bằng nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh, với lãi suất 0,9%/tháng. Bây giờ lúc nào trong chuồng nhà tôi cũng có trên 20 con lợn từ 40 đến 50 kg và trên chục con chuẩn bị xuất chuồng”.

Được biết, mỗi năm gia đình anh xuất chuồng từ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa trên 10 con. Như vậy, mỗi năm gia đình anh thu về từ 70 đến 90 triệu đồng, trừ chi phí các loại còn được khoảng 40 triệu đồng. Do biết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, gia đình anh đã trở thành hộ điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.

Còn gia đình anh Mùa A Tồng, bản Nả Háng A, xã Púng Luông, vào tháng 7 năm 2007 đã vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cải tạo 1,5 ha chè và mua thêm cây giống để trồng dặm. Hiện nay 1,5 ha chè của nhà anh phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao. Còn nhiều hộ gia đình khác nữa như: Chang A Seng ở bản Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha; Chang A Tồng ở bản Zế Xu Phình A, xã Zế Xu Phình... những hộ điển hình về sử dụng có hiệu quả cao từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH.

Qua kiểm tra, các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả nên trong gần 3 năm qua đã góp phần làm giảm trên 1.000 hộ nghèo theo tiêu chí mới, đưa tỷ lệ hộ nghèo trong huyện xuống còn 63% tính đến cuối năm 2007.

Xác định được khó khăn đặc thù của huyện vùng cao, rút kinh nghiệm trong hơn 2 năm vừa qua, Ngân hàng CSXH huyện Mù Cang Chải phấn đấu năm 2008 huy động tổng nguồn vốn trên 31 tỷ đồng, trong đó nhận từ Trung ương 30 tỷ và huy động tại địa phương 1 tỷ đồng; phấn đấu có tổng dư nợ gần 30 tỷ, trong đó, cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 5 tỷ, gần 20 tỷ cho vay hộ nghèo...

Để hoàn thành được mục tiêu đã đề ra năm 2008, giải pháp của đơn vị là, “bám sát nghị quyết của HĐND huyện về chương trình thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010; đầu tư vốn vào các mô hình dự án theo thế mạnh phát triển của từng vùng. Đồng thời, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ động kết hợp với các tổ chức đoàn thể, các ngành chức năng kiểm tra và giám sát, xử lý nợ quá hạn; tập huấn lại nghiệp vụ cho các tổ vay vốn, tập huấn công tác khuyến nông, khuyến lâm; chuyển giao khoa học kỹ thuật đưa giống cây trồng vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để hộ vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả hơn; tiếp tục giải ngân kịp thời; thực hiện giám sát quá trình sử dụng vốn và tăng cường bám sát cơ sở đôn đốc thu hồi vốn, lãi khi đến hạn để có vốn quay vòng...”.

Với những giải pháp thiết thực này, tin rằng, trong năm 2008, Ngân hàng CSXH huyện Mù Cang Chải sẽ mang lại thêm niềm vui cho nhiều hộ gia đình nghèo khác trên địa bàn huyện, góp phần hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo của huyện.

  Thanh Xuân

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở LĐTB XH thăm mô hình làm ghế đá của các đối tượng cai nghiện tại khu B Trung tâm Cai nghiện tỉnh.
(Ảnh: Tô Anh Hải)

YBĐT - Phải thừa nhận rằng, cấp ủy Đảng và chính quyền ở một số địa phương cơ sở và một số ban ngành chưa có nhận thức đầy đủ và chưa thực sự vào cuộc, vẫn còn có biểu hiện trông chờ, né tránh trách nhiệm...

YBĐT - Yên Bái là tỉnh ở vùng núi Tây Bắc có 29 dân tộc anh em sinh sống. Rừng ở Yên Bái xưa có nhiều cây thuốc bản địa tồn tại như: đẳng sâm, sa nhân, ba kích, cẩu tích, thiên niên kiện, thổ phục linh, hoài sơn, bổ cốt toái, hà thủ ô, huyết đẳng cùng nhiều cây thuốc nam kinh nghiệm dân gian của nhân dân các dân tộc sinh sống trên đất rừng Yên Bái từ ngàn năm đã góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

YBĐT - Trong năm 2007, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã chỉ đạo cơ sở, khảo sát xây dựng và ra mắt các làng, bản, tổ dân phố văn hóa, đồng thời triển khai các văn bản liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Mẫu rau do Cục Bảo vệ thực vật lấy từ ruộng thí nghiệm của tiến sĩ Khải.

Ngày 8-9/3, việc gieo trồng rau xà lách, cải xanh để thử nghiệm thuốc "tăng vọt" đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Kết luận sẽ có khoảng giữa tháng 4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục