Yên Bái: Còn đó những khó khăn sau rét
- Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đợt rét đậm, rét hại trước, trong và sau tết Mậu Tý đi qua, để lại nhiều thiệt hại lớn cho nhiều gia đình nông dân.
Sau đợt rét kéo dài, nhiều diện tích lúa ở thị xã Nghĩa Lộ phải cấy lại cho kịp khung thời vụ 15/3. (Ảnh: Thanh Thủy)
|
Sau nhiều ngày tháng được chăm sóc tại chuồng, qua đợt rét đậm, rét hại, đàn bò của gia đình anh Đặng Thanh Hải, thôn Ả Thượng, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ mới được chăn thả lại trên bãi. Song, chúng đã không còn đông đúc như trước nữa, bởi 8 con bò đã bị chết. Gia đình anh Hải đã bị mất đi 1/3 đàn bò, anh là một trong những chủ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề nhất ở thị xã Nghĩa Lộ.
Từ tháng 5/2005, anh Hải được vay (có thế chấp) 45 triệu đồng, tương đương với 10 con bò của Dự án Chăn nuôi bò bán chăn thả thị xã Nghĩa Lộ với lãi suất 0,5%, kì hạn 3 năm. Gia đình anh đã đầu tư mua thêm 3 con bò nữa để có được đàn bò 13 con với tổng vốn ban đầu là 61 triệu đồng. Sau gần ba năm chăn nuôi, anh Hải có được đàn bò 24 con béo tốt. Thế nhưng, đợt rét đậm, rét hại kéo dài ùa về, mang đến những thiệt hại nặng nề cho đàn bò của gia đình anh.
Mặc dù khi được biết đợt rét đậm, rét hại sẽ kéo dài, gia đình anh Hải đã đầu tư bạt, bóng điện quây, che phủ khắp xung quanh chuồng bò. Nhưng thời gian trước tết, ba con bò đã không thể trụ nổi. Tết Mậu Tý vừa qua, dường như gia đình anh Hải không có tết, sau rủi ro với 3 con bò, cả gia đình lại phải tất tả tìm cách giữ ấm, dự trữ thêm thức ăn cho đàn bò. Nhưng đợt rét cứ tiếp tục không dứt khiến cho thiệt hại của đàn bò của gia đình anh Hải không dừng lại ở con số 3.
Sau tết, thêm 5 con bò nữa bị chết, cùng với 3 con trong tình trạng rất yếu. 8 con bò bị chết của gia đình anh Hải đều là bò cái sinh sản. Số bò chết này, đem bán chẳng thấm vào đâu so với tổng thiệt hại tính ra lên đến 40 triệu đồng. Anh Hải cho biết thêm, trong đợt rét này, gia đình anh đã đầu tư mất 3 triệu tiền thức ăn, 1 triệu tiền bạt và bóng điện. Mỗi năm anh Hải đều đầu tư khoảng 2 triệu tiền thuốc phòng dịch bệnh cho đàn bò, cùng với khoảng 6 -7 triệu tiền công chăn nuôi. Cùng trong cảnh ngộ này, tuy số lượng trâu, bò chết không nhiều bằng anh Hải nhưng gia đình ông Lò Văn Hương (tổ 7, phường Tân An) cũng lao đao vì 4 con trâu, bò bị chết trong tổng số đàn gia súc 12 con của gia đình. Ông Hương cho biết: "Gia đình vớt vát lại được 4 triệu đồng trong khi thiệt hại là trên 15 triệu đồng".
Trong đợt rét đậm, rét hại này, cả 7 xã, phường trên địa bàn thị xã đều có hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Nghĩa An là xã chịu thiệt hại nặng nề nhất với 70 con cả trâu và bò, kế đến là phường Pú Trạng với 52 con, Tân An 44 con. Toàn thị xã đã bị thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại này là 341 con trâu, bò. Thẳng thắn nhìn lại, nhiều hộ chăn nuôi thừa nhận sự chủ quan trong phòng chống rét cho gia súc bởi không ai nghĩ rằng thời tiết lại khắc nghiệt đến vậy. Song nhiều hộ, nhất là những hộ chăn nuôi lớn cũng đã nỗ lực hết mình lo chống rét, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc nhưng nhiều con trâu, con bò vẫn không thể chống chọi lại được với thời tiết.
Trước những rủi ro này, người chăn nuôi đang phải đối mặt với những khó khăn lớn. Đến tháng 5/2008, anh Hải phải hoàn trả 45 triệu đồng tiền gốc vốn vay của dự án, số tiền lãi đã được anh cố gắng trả từ trước. Theo anh Hải, nếu lúc này đem bán số bò còn lại thì lại càng thất thiệt hơn, vì số bò ban đầu anh mua là bò sinh sản, bây giờ bán với giá bò thịt thì thấp hơn nhiều. Còn đối với nhiều hộ chăn nuôi thuộc diện nghèo, khỏi phải nói, con trâu, con bò là gia sản lớn đối với họ. Mà tài sản này, với nhiều hộ, vẫn là đồng vốn được vay còn trong kỳ hạn. Nay đột nhiên mất trắng, họ thực sự không biết phải xoay sở thế nào, chỉ còn biết chờ mong có được sự hỗ trợ để bù đắp những thất thiệt. Được biết, thị xã Nghĩa Lộ sẽ có sự hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/1 con trâu hoặc bò bị chết.
Với anh Đặng Thanh Hải, khi thời hạn hoàn trả vốn vay đã cận kề, điều mà anh Hải thực sự mong mỏi hơn nữa là được giãn thời gian trả nợ cho khoảng 3 năm và hỗ trợ lãi suất: "Nếu như phải hoàn trả vốn vay bằng tài sản thế chấp thì thực sự là một khó khăn lớn với gia đình tôi" - người dân có ý thức làm ăn phát triển kinh tế gia đình này chia sẻ. Còn với những hộ dân nghèo bị thiệt hại, một vấn đề đặt ra là, với 1 triệu đồng lúc này, thì họ cũng khó có thể xoay xở để có lại được con trâu hay con bò, bởi những thiệt hại cả trong sản xuất nông nghiệp trong đợt rét kéo theo những khó khăn về lương thực còn đang ở trước mắt.
Hỗ trợ cả một con trâu hay con bò có lẽ mới là giải pháp an toàn cho những hộ dân nghèo!
P.V
Các tin khác
YBĐT - Gia đình chị Vũ Thị Ty ở thôn 10, xã Yên Phú (huyện Văn Yên) khi mới ra ở riêng là một trong những hộ nghèo vì không có nguồn thu nhập ổn định. Sau 8 năm với sự cần cù, biết tính toán và sự hỗ trợ vốn vay, kinh nghiệm sản xuất của Hội Phụ nữ xã, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định.
Trưa 15/4, áp thấp nhiệt đới ở khu vực đông nam biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 1 (tên quốc tế là Neoguri). Bão đang mạnh cấp 8 và theo khả năng khi tiến gần bờ biển Trung Bộ sẽ còn mạnh thêm.
YBĐT - Xác định đào tạo nghề cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng để đưa nền kinh tế địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, công tác đào tạo nghề ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đã có những nét chuyển biến tích cực. Trong đó phải kể đến sự phát triển về qui mô, mạng lưới và cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề.
YBĐT - Để chiến lược dân số giai đoạn 2001-2010 thực sự đem lại hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển Văn Yên(Yên Bái) công tác dân số tiếp tục cần nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó việc duy trì hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số nhất là đối với tuyến xã, thôn, bản được đặt lên hànd đầu.