Ấm nồng Nà Hẩu

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến Nà Hẩu, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên (Yên Bái), vẫn là hoạt động thường xuyên của Báo Yên Bái đối với xã vùng cao này, bởi đây là xã mà đơn vị được tỉnh phân công phụ trách.

Bác sĩ Thìn (người thứ ba, trái sang) và đồng chí Bùi Anh Tuý - Tổng biên tập Báo Yên Bái cùng lãnh đạo huyện Văn Yên chuyển lô hàng ủng hộ trẻ em vùng cao Nà Hẩu. (Ảnh: Thanh Miền)
Bác sĩ Thìn (người thứ ba, trái sang) và đồng chí Bùi Anh Tuý - Tổng biên tập Báo Yên Bái cùng lãnh đạo huyện Văn Yên chuyển lô hàng ủng hộ trẻ em vùng cao Nà Hẩu. (Ảnh: Thanh Miền)

Chỉ khác là trong chuyến này của chúng tôi, ngoài đồng chí Bùi Anh Túy - Tổng biên tập Báo Yên Bái, các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên còn có thêm một vị khách đặc biệt, đó là thầy thuốc ưu tú, bác sỹ về hưu Nguyễn Thìn, một nhà hảo tâm đến từ thành phố Hồ Chí Minh, từng sinh sống và công tác ở Yên Bái những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước rồi chuyển vào miền Nam công tác.

Một hôm mở truyền hình trên Báo Yên Bái xem, thấy đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn quần áo chịu đựng mùa đông giá rét, ông Thìn đã cùng các con vận động quyên góp trên ngàn quần áo, chăn màn, mua cặp sách, đồ chơi. Ông đã liên hệ với Báo Yên Bái để chuyển quần áo, cặp sách, đồ chơi giúp đồng bào còn khó khăn và cùng Báo Yên Bái đến  vùng cao của đồng bào Mông xã Nà Hẩu (Văn Yên).

Sau khi tặng quà cho các cháu ở Trường mầm non xã Đại Sơn, chúng tôi ngược dốc lên Nà Hẩu. Chỉ có 15 cây số nhưng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được quãng đường lầy lội với hàng trăm ổ voi, sống trâu. Thật may, trời tạnh ráo nên ô tô có thể lăn bánh thay vì cuốc bộ. Tuy nhiên, trên suốt quãng đường dài, bên thì vực sâu hun hút, lúc xuống dốc lúc qua khe, khi lại phải xuống đi bộ rồi huy động lực lượng cùng nhau đẩy xe để vượt qua vũng lầy. Cứ thế, vượt qua đỉnh dốc Ba Khuy rồi xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh, những triền lúa nước đến Nà Hẩu, mảnh đất mà nhiều năm qua, Báo Yên Bái đã góp sức cùng nhân dân xã Nà Hẩu trên nhiều lĩnh vực  cùng chính quyền xã vận động nhân dân giữ và bảo vệ rừng nguyên sinh, tặng quà cho những gia đình nghèo mỗi dịp lễ, tết, xây dựng nhà cho hộ chính sách, xây dựng nhà văn hoá thôn... Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm sâu sắc về tình đất, tình người về sự sẻ chia của Báo Yên Bái với người Mông Nà Hẩu suốt mấy năm qua.

Đến hôm nay, Nà Hẩu vẫn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Văn Yên, cách trung tâm huyện lỵ 32 cây số, trước kia toàn đường rừng, leo bộ cả ngày cũng chẳng tới nơi. Mặc dù đường đã mở, trường lớp được đầu tư xây dựng từ các chương trình 135, WB, nhưng đến với Nà Hẩu chỉ có một con đường độc đạo là xuyên qua các cánh rừng, mùa mưa sạt  đất là mất đường. Xa xôi vậy nhưng hệ thống trường lớp tại trung tâm cụm xã đã được đầu tư xây dựng để con em người Mông đến lớp. “Nhận thức của đồng bào đã khác xưa nhiều rồi, người Mông quê mình đã biết ý thức được việc cho con em đến học cái chữ của thầy, cô giáo miền xuôi”, đó là tâm sự của Chủ tịch UBND xã Giàng Phử. Như lời Chủ tịch Phử, số học sinh đến lớp đã ngày một tăng, đó là điều đáng mừng, đáng quý ở vùng đất núi xa xôi này.

Và tạm chén cơm, tránh cái nắng và cơn mưa rừng bất chợt của buổi trưa hè, chúng tôi theo chân đồng chí Tổng biên tập Báo Yên Bái cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên đến thăm Trường tiểu học Nà Hẩu. Nói là trường nhưng do chưa có kinh phí xây dựng nên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở vẫn ghép chung một điểm trường. Thấy chúng tôi đến thăm, cô và trò ùa ra như đàn ong vỡ tổ, ân cần như người một nhà. Đồng chí Bùi Anh Tuý hỏi thăm các thầy giáo, cô giáo và học sinh về những khó khăn, thiếu thốn trong việc dạy chữ, học chữ ở nơi đất núi xa xôi này.

Nhìn những ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên vô tư ấy, chúng tôi hiểu rằng các em cần lắm những tấm lòng, những tình thương. Chia sẻ những khó khăn của vùng cao, ngoài tấm lòng của những người làm báo, sự hảo tâm của thầy thuốc ưu tú, bác sỹ Nguyễn Thìn, vật chất tuy không nhiều, với 1.200 quần áo, 50 cặp sách, 20 thú nhún cho  đồng bào xã Nà Hẩu, cho các cháu trường mầm non Nà Hẩu, Đại Sơn (Văn Yên), chỉ ngần ấy thôi cũng là những tình cảm sâu nặng sưởi ấm thêm tâm hồn những trẻ nhỏ vùng cao.

Một ngày đến với Nà Hẩu tuy ngắn ngủi song với những tấm lòng, với những tình cảm sâu nặng thiết tha về vùng đất núi xa xôi này đã cho tôi hiểu thêm về vùng cao, thêm những trăn trở, những băn khoăn khi cái nghèo khó vẫn luôn là rào cản với họ. Nà Hẩu vẫn còn xa, vẫn còn nhiều gian khó đang cần sẻ chia.

   Thanh Tân

Các tin khác
Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH Yên Bái thăm gia đình chị Lan.

YBĐT - Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng trên phố Ngô Gia Tự là ngôi nhà gỗ cũ kỹ của gia đình chị Trần Thị Cẩm Lan. Chỉ với vài mớ rau, vài chục trứng, vại dưa cà muối sẵn, thêm mấy cân thịt lợn ngon bán kèm gọi là phục vụ bà con xóm phố, thế nhưng bao năm nay, chiếc quán nhỏ này đã trở thành cứu cánh giúp ba mẹ con chị Lan vượt qua cảnh cơ hàn.

Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 khẩn trương thi công công trình vốn ngân sách năm 2008. (Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Với nhiều lợi thế sẵn có và chính sách đầu tư ưu đãi phát triển kinh tế hợp lý, những năm gần đây khu vực kinh tế tập thể ở Yên Bái đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tiếp tục tăng cường quản lý tài nguyên đất đai.

YBĐT - Thi hành Luật Đất đai năm 2003, tỉnh Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đến hết năm 2007 đã cấp được 310.649 giấy, diện tích cấp đạt 115.954 ha, đạt tỷ lệ chung khoảng 22,5%.

Ngày 21/4, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn đối với đối tượng chính sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục