Làng văn hoá Cang Nà: Dậm chân... đi xuống!

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngoại trừ gần 1km đường bê tông ở trục chính, còn lại đường làng ngõ xóm ở tổ dân phố Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn là những đoạn đường đất nhỏ. Gặp những ngày trời mưa, đất đường được thể nhão nhoẹt cùng với vũng nước to, nhỏ lênh láng. Thêm vào đó, hai bên đường, mùi hôi thối bốc lên từ những rãnh nước trực tiếp hứng chất thải phân trâu, bò, hố tiêu của nhiều hộ gia đình…

Không ai nghĩ đây lại là một tổ dân phố văn hoá cấp tỉnh. Đã chín năm kể từ ngày được công nhận tổ dân phố văn hoá cấp tỉnh đầu tiên của thị xã Nghĩa Lộ, Cang Nà không mấy đổi thay, thậm chí còn đi xuống so với tiêu chí của một tổ dân phố văn hoá bây giờ.

Thời điểm năm 1999, bản Cang Nà, theo cách gọi truyền thống của người dân địa phương, là một bản Thái lưu truyền được nhiều nét văn hoá đặc sắc của đồng bào bản địa, góp phần vào bản sắc văn hoá phong phú của vùng đất Mường Lò. Năm đó, tỷ lệ hộ nghèo của Cang Nà cũng chỉ còn dưới 20% theo tiêu chí cũ, không có tệ nạn xã hội…Cang Nà là một điển hình văn hóa so với các tổ dân phố khối nông nghiệp ngày ấy. Xét theo tiêu chí của một làng văn hoá lúc bấy giờ, người dân Cang Nà đã thật tự hào khi bản làng mình được công nhận là làng văn hoá cấp tỉnh đầu tiên của thị xã Nghĩa Lộ.

Thế nhưng đến Cang Nà hôm nay, người ta vẫn chỉ thấy một làng văn hóa với bộ mặt của chín năm về trước. Còn nếu xét theo tiêu chí của một làng văn hoá cấp tỉnh bây giờ thì theo ông Nguyễn Thành Long -Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Tâm: “Có thể nói, tổ dân phố Cang Nà đang xuống cấp”. Hình ảnh nhỡn tiền chưa đạt với tiêu chí của một làng văn hóa là vệ sinh môi trường. Mặc dù không còn tình trạng trâu, bò nuôi nhốt dưới gầm sàn nhưng thay vào đó chuồng trại vẫn không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ở nhiều hộ gia đình, chuồng trâu, bò, chuồng lợn xây dựng ngay sát nhà ở, lại không đúng tiêu chuẩn, nhiều nhà thải thẳng chất thải ra rãnh nước bên đường. Thêm vào đó, hầu hết các hố tiêu đều không hợp vệ sinh. Cộng với ý thức về vệ sinh môi trường của người dân chưa cao càng làm cho vấn đề môi trường ở đây càng ô nhiễm trong đó có cả sự góp mặt của cả những giếng đào lấy nước sinh hoạt của nhiều hộ gia đình. Mặc dù vừa qua, Cang Nà đã được lắp hệ thống nước máy nhưng số lượng gia đình sử dụng không nhiều do điều kiện kinh tế eo hẹp… Điều kiện sống của người dân khó khăn, dẫn đến tình trạng ra lớp  của con em ở đây không đều, chất lượng học tập chưa cao…

Cùng đó, hiện nay, Cang Nà mới chỉ có 50% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Mặt khác, sau chín năm được công nhận, đến nay bộ mặt văn hoá của làng văn hoá cấp tỉnh Cang Nà vẫn còn thiếu một thiết chế cơ bản: nhà văn hoá. Tổ trưởng tổ dân phố Cang Nà, anh Lò Văn Cấp cho biết: “Việc xây dựng nhà văn hoá cũng đang được triển khai theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó người dân đóng góp 80% trong số vốn cần có là 100 triệu đồng. Nhưng sau hơn một năm huy động dân đóng góp, đến nay mới được gần 20 triệu”. Cứ đà này, không biết bao giờ nhà văn hoá Cang Nà mới hiện hữu trong khi các nhà văn hoá của các tổ dân phố khác đã và đang lần lượt ra đời?

Nguyên nhân cơ bản và cũng là một biểu hiện cho sự dậm chân tại chỗ trong xây dựng làng văn hoá Cang Nà vẫn là kinh tế chậm phát triển. Cho đến nay, ngoài một số hộ trồng hoa, làm dịch vụ xay xát thì phần lớn người dân Cang Nà vẫn lao động sản xuất nông nghiệp theo tập quán cũ. Ngoài hai vụ chính thì vụ thứ ba chưa được chú trọng. Không những thế, dân số tăng lên, diện tích ruộng, đất vẫn vậy. Những năm gần đây, nhiều người dân Cang Nà ít ruộng phải đi làm thuê nhưng cũng chỉ là theo mùa vụ và thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Tỉ lệ hộ nghèo của Cang Nà hiện chiếm trên 40% tổng dân số. Cang Nà đã từng được chọn làm điểm xây dựng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn với dự án dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha nhưng việc triển khai thực hiện không hiệu quả.

Theo anh Lò Văn Cấp thì do đồng ruộng bị chia nhỏ khi các hộ chia ruộng đất cho con cái lúc xây dựng gia đình riêng làm cho đồng ruộng manh mún, khó thực hiện việc dồn điền. Thêm vào đó, lại không có sự đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông nội đồng, gây khó khăn cho việc thực hiện mô hình khoa học đưa giống mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng và việc cơ giới hoá đồng ruộng. Vì vậy, dự án dồn điền đổi thửa thực hiện cánh đồng 50 triệu/ha vẫn chỉ là dự án. Cùng với kinh tế kém phát triển thì sự trì trệ trong duy trì và phát triển làng văn hoá Cang Nà còn bởi thiếu sự quan tâm, đầu tư trực tiếp của các cấp. Được biết, từ khi được công nhận là làng văn hoá cấp tỉnh, Cang Nà mới chỉ được đầu tư duy nhất một bộ tăng âm loa đài, nhưng đến nay đã hỏng.

Theo cán bộ tổ dân phố và cả của phường, hàng năm đều có cán bộ văn hoá xuống kiểm tra, khảo sát tổ dân phố nhưng sau đó không thấy nói rõ Cang Nà có còn duy trì và giữ được danh hiệu tổ dân phố văn hoá nữa hay không, cũng không có văn bản, công văn nào về địa phương đề cập đến vấn đề này. Dù rằng, tình trạng trì trệ hay có thể nói là xuống cấp theo tiêu chí hiện nay của tổ dân phố văn hoá Cang Nà thì ai cũng thấy rõ!

Có thể, không chỉ một tổ dân phố văn hoá Cang Nà trong tình trạng này!

Xuyến Chi

Các tin khác
Trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc. Ảnh minh họa.

Trẻ em có HIV sẽ được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Sẽ có hơn 3.500 trẻ có HIV sẽ được phát thẻ BHYT trong thời gian tới.

Đó là con số mà Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa đưa ra, rất may, không thí sinh nào bị thiệt mạng.

Các thí sinh nghiêm túc làm bài thi.

YBĐT – Ngày 28/5, trên 11.400 thí sinh tỉnh Yên Bái đã bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2007 - 2008 với hai môn thi là Văn và Sinh học.

Lực lượng lao động tại chỗ ở Hồ Bốn tham gia làm thủy điện.

YBĐT - Xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), giáp ranh với nhiều xã của huyện Than Uyên (Lai Châu) và Văn Bàn (Lào Cai). Đường giao thông thuận lợi tới trung tâm xã nhưng đến các thôn, bản rất khó khăn, chủ yếu là đi bộ. Địa bàn rộng, nhiều đường mòn xuyên suốt đến các xã trong và ngoài huyện. Trước đây, nhiều đối tượng lợi dụng địa hình này để buôn bán, khai thác, vận chuyển lâm sản, ma tuý trái phép, gây mất trật tự an ninh trong khu vực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục