Làm gì để phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng đội ngũ CNLĐ ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tỉnh Yên Bái có khoảng 22.000 CNLĐ đang tham gia lao động sản xuất tại 584 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh thì có tới 70% lao động xuất thân từ nông thôn, 5% thành thị, 25% chuyển tiếp từ cơ chế cũ sang.

Môi trường làm việc trong các nhà máy, nhất là chế biến đá, nông lâm sản nồng độ bụi còn cao.
Môi trường làm việc trong các nhà máy, nhất là chế biến đá, nông lâm sản nồng độ bụi còn cao.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ra Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”.

Để Nghị quyết trở thành hiện thực, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động đối với nhiệm vụ chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) tỉnh Yên Bái lớn mạnh, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi phản ánh tình hình CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp tập trung của thành phố và tỉnh Yên Bái để thấy rõ hơn sự cần thiết, cấp bách của nhiệm vụ này.

Chất lượng nguồn lao động

Khu công nghiệp phía nam của tỉnh Yên Bái và cụm công nghiệp tập trung Đầm Hồng của thành phố Yên Bái tạo việc làm cho trên 500 lao động, trong đó đa số xuất thân từ nông thôn. Ngoài một số ít công nhân bậc cao làm những việc đòi hỏi kỹ thuật cao như: cơ khí, mộc, vận hành dây chuyền tự động hóa, còn lại khoảng 2/3 lao động chưa qua đào tạo nghề; trình độ học vấn với 3/4 là phổ thông cơ sở, trung học phổ thông. Công việc chủ yếu là lao động chân tay, thủ công đơn giản như: bốc xếp, đóng gói, nạp nguyên liệu vào máy...

Ông Vũ Minh Thành - Giám đốc Công ty cổ phần Ván nhân tạo cho biết: “Hiện nay, chúng tôi rất thiếu lao động kỹ thuật vì ở đây không có cơ sở đào tạo nghề này, điều động lao động ở Hà Nội lên thì họ không lên bởi xa xôi, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Vì thế, chúng tôi phải tự đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc song họ cũng chỉ biết làm theo hướng dẫn mà không am hiểu quy trình quy phạm kỹ thuật nên hay gây ra hỏng hóc, làm ách tắc sản xuất, thiệt hại về vật tư, kinh tế cho doanh nghiệp”.

Còn ở Xưởng nghiền feldspat thì chủ yếu là lao động bốc xếp, thủ công. Theo ông Diện - Quản đốc Phân xưởng thì công tác đào tạo ở đây chưa cần thiết vì “công nhân làm như vậy là tốt rồi”. Chưa được đào tạo, lao động cơ bắp thủ công nên thu nhập bình quân một người mỗi tháng ở mức từ 900 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, có người chỉ là 5 đến 6 trăm ngàn đồng.

Chính sách, chế độ của người lao động

Công nhân lao động (CNLĐ) hầu hết đã được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng có tới 50% chỉ được ký HĐLĐ 3 tháng một, hết 3 tháng lại ký tiếp; 100% doanh nghiệp chưa có thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) vì chưa có tổ chức công đoàn.

Về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động có HĐLĐ 3 tháng hết hạn lại ký tiếp thì không được đóng bảo hiểm xã hội. Theo một số người sử dụng lao động thì thời gian HĐLĐ 3 tháng một là để sàng lọc, tuyển chọn lao động, ai làm được thì doanh nghiệp mới HĐLĐ dài hạn và được đóng BHXH.

Đối chiếu với điểm 2, điều 141, Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2003 thì những đối tượng lao động này phải được đóng BHXH.

Đối với chế độ bảo hộ lao động (BHLĐ), các doanh nghiệp có trang bị phòng hộ cá nhân cho người lao động, tuy nhiên phần lớn mới chỉ đáp ứng về số lượng, còn chất lượng chưa bảo đảm. Môi trường làm việc trong các nhà máy, nhất là nhà máy chế biến đá, chế biến lâm sản có nồng độ bụi rất cao, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Các quy định về BHLĐ như: thành lập hội đồng BHLĐ, xây dựng kế hoạch BHLĐ hàng năm, tổ chức màng lưới an toàn vệ sinh viên, thực hiện chế độ tự kiểm tra về BHLĐ, xây dựng các nội quy, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, các biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc... chưa đầy đủ hoặc có nhưng sơ sài, hình thức.

Luật pháp đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức công đoàn phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở. Nhưng thực tế cho đến nay, trừ một vài nhà máy trực thuộc doanh nghiệp đã có công đoàn, còn lại đều chưa có.

Không có công đoàn đồng nghĩa với người lao động không có người đại diện, không ký được TƯLĐTT, không được tuyên truyền chế độ, chính sách pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ khi bị vi phạm.

Chất lượng chung của đội ngũ CNLĐ

Theo số liệu tại cuộc hội thảo về tiêu chuẩn hóa lao động Việt Nam và quốc tế, thực trạng và giải pháp ở Yên Bái ngày 9/12/2007 đưa ra: tỉnh Yên Bái có  khoảng 22.000 CNLĐ đang tham gia lao động sản xuất tại 584 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh thì có tới 70% lao động xuất thân từ nông thôn, 5% thành thị, 25% chuyển tiếp từ cơ chế cũ sang.

Tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo là 28,7%, trong đó chỉ có 9% qua đào tạo nghề, còn lại trên 70% là lao động thủ công, giản đơn. Trình độ học vấn người lao động ở cấp tiểu học là 3,1%, THCS 75,3%, THPT 21,6%.

Về ý thức tổ chức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp yếu kém; thiếu hiểu biết chính sách pháp luật và kiến thức về quy trình quy phạm kỹ thuật, an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ...

Dành cho cơ quan chức năng

Hàng năm, các cơ quan chức năng, cơ quan liên ngành tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về lao động, phát hiện nhiều sai phạm ở các doanh nghiệp về sử dụng lao động, về chính sách, chế độ... đối với người lao động.

Tuy nhiên, những sai phạm đó đều chậm được khắc phục và có chiều hướng tăng; người lao động hàng giờ, hàng ngày phải đem hết sức mình ra làm việc trong khi quyền lợi hợp pháp của họ vẫn chỉ được quan tâm trên diễn đàn, trong pháp luật.

Trong số 22.000 CNLĐ ấy, có bao nhiêu người chưa được thực hiện chính sách pháp luật về lao động, về BHXH? Còn bao nhiêu doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh có đủ điều kiện nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì vẫn chưa được đề cập.

Đến bao giờ người lao động mới được quan tâm theo tinh thần Nghị quyết của Đảng? Câu hỏi đó là đòi hỏi, là nguyện vọng chính đáng của người lao động.

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, trước hết cần phải có nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng có tính quyết định của CNLĐ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó mới có sự quan tâm thích đáng và có những hành động tích cực, thiết thực, cụ thể của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân.

Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng đội ngũ CNLĐ là hướng phát triển bền vững. Bởi thế, phát triển kinh tế cần gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực cùng với các chính sách về an sinh xã hội. Có như vậy mới tạo điều kiện cho người lao động phát huy tốt năng lực lao động sáng tạo, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Và trên cơ sở đó, lợi ích của doanh nghiệp, của Nhà nước, của người lao động mới thực sự hài hòa, bền vững và không ngừng nâng cao.

Đại Việt

Các tin khác

YBĐT - Tháng 2/2008 vừa qua, Trung tâm Y tế học dự phòng tỉnh và huyện Yên Bình phát hiện được bệnh tay–chân–miệng ó ở huyện này. Cũng từ đó đến nay, tại các địa phương khác tiếp tục phát hiện thêm và đến nay hầu hết các huyện, thị, thành phố đều có trẻ mắc bệnh tay-chân–miệng - Ông Trần Viết Thắng - Giám đốc TT Ytế dự phòng tỉnh Yên Bái cho biết.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành Chỉ thị về 14 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2008 - 2009.

YBĐT - Ngày 3/10, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ trì lễ ký kết “Kế hoạch liên ngành về phát động toàn dân tham gia vận động giúp đỡ người nghiện ma tuý cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng” giữa các sở Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hoá thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh và Tỉnh đoàn.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã trao tặng giấy khen cho 10 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện dự án.

YBĐT - Hội Liên hiệp phụ nữ Yên Bái, Sở Giáo dục - Đào tạo và Ban điều hành Dự án huyện Văn Chấn vừa phối hợp tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả 8 năm thực hiện Dự án “Vì sự phát triển toàn diện trẻ thơ” giai đoạn 2001- 2008.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục