Bộ Y tế: Đã kiểm soát được tình trạng sữa nhiễm melamine

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/10/2008 | 12:00:00 AM

Ngày 7/10, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) tại Việt Nam đã có tuyên bố chung khẳng định, người tiêu dùng Việt Nam hãy lưu ý nhưng không nên quá hoang mang trước tình trạng sữa và sản phẩm sữa nhiễm melamine. Về cơ bản, Bộ Y tế đã kiểm soát được tình trạng sữa nhiễm melamine và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để ổn định nguồn cung cấp các sản phẩm sữa an toàn cho người dân.

Thông tin trên được Thứ trưởng Cao Minh Quang đưa ra tại buổi họp báo sáng nay của Bộ Y tế nhằm cung cấp những thông tin ban đầu về kiểm soát tình trạng melamine trong sữa và nguyên liệu sữa.

Ông Quang cũng khuyến cáo, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, tất cả các sản phẩm phát hiện có melamine cần được thu hồi, kể cả những sản phẩm có hàm lượng melamine rất thấp. Chủ trương này sẽ được duy trì cho đến khi có hướng dẫn chính thức của các tổ chức quốc tế.

Đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa hề ban hành quy định nào về hàm lượng melamine có trong sữa hoặc thực phẩm.

Trong buổi họp này, cả đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tiến sĩ Jean Marc Olivé, và trưởng đại diện Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) Andrew Speedy đều khẳng định, từ trước đến nay, melamine chưa bao giờ được công nhận là chất được phép có trong thực phẩm.

Ông Marc Olivé cho biết, hiện WHO đang hỗ trợ Y tế để nâng cao năng lực của người làm công tác kiểm nghiệm melamine.

Ông Andrew Speedy, trưởng đại diện của FAO cũng đồng tình với chính sách thu hồi tất cả các sản phẩm sữa bị nhiễm melamine và cho rằng giải pháp này hoàn toàn hợp lý.

Thứ trưởng Cao Minh Quang nhấn mạnh, quan điểm rõ ràng của Bộ Y tế là sản phẩm có melamine không được sử dụng, phải thu hồi và có thể tiêu huỷ.

Riêng với sản phẩm sữa YiLi của Trung Quốc, do nhà sản xuất cố tình cho melamine vào sản phẩm và đã thông báo thu hồi tại thị trường Trung Quốc nên sẽ kiên quyết thu hồi và tiêu huỷ  ở thị trường Việt Nam.

Theo ông Quang, không phải tất cả các loại sữa lưu hành ở Việt Nam đều bị nhiễm melamine. Người tiêu dùng không nên tẩy chay sữa vì như vậy sẽ có tác dụng không tốt đến dinh dưỡng, đặc biệt là cho trẻ em. Khách hàng nên là người tiêu dùng thông minh, chỉ lựa chọn những sản phẩm đã được kiểm định không chứa melamine, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc và xuất xứ đầy đủ, rõ ràng.

Từ đầu tháng 9 đến nay, ngay sau khi có thông tin về sự cố nhiễm melamine trong sữa và các sản phẩm từ sữa, Bộ Y tế đã triển khai ngay một số giải pháp tích cực nhằm triệt để ngăn chặn các loại sữa và sản phẩm sữa nhiễm melamine đến tay người tiêu dùng. Đến chiều ngày 6-10, hơn 400 mẫu sữa và sản phẩm từ sữa đã được kiểm nghiệm. Trong đó, 23 mẫu có phát hiện bị nhiễm melamine. Cơ quan quản lý đã yêu cầu các nhà nhập khẩu và sản xuất thu hồi loạt sản phẩm này trên thị trường.

Bộ Y tế cũng công bố 22 cơ sở trong cả nước được phép kiểm nghiệm melamine trong sữa. Đồng thời, cơ quan này cũng có văn bản cho phép doanh nghiệp có thể tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm về việc công bố kết quả kiểm nghiệm với khách hàng.

Giải đáp thắc mắc về sự không thống nhất trong kết quả kiểm nghiệm, ông Quang lý giải nguyên nhân có thể do quy trình lấy mẫu, lưu trữ, bảo quản và tay nghề của kỹ thuật viên... Nhưng nếu kết quả quá khác biệt, việc tái kiểm nghiệm sẽ được thực hiện ở ba phòng thí nghiệm trung gian là  Viện Dinh dưỡng quốc gia, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ và phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh). Khi đó, mẫu sản phẩm của một trong ba đơn vị này xét nghiệm được xác định kết quả cuối cùng.

Với thực trạng người tiêu dùng đang quay lưng với sản phẩm sữa, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (VFA) đề nghị các trường học không nên cắt khẩu phần sữa của trẻ em. Các cơ sở giáo dục và phụ huynh chỉ nên tránh dùng sữa không có nguồn gốc, chưa được kiểm nghiệm để tránh tình trạng thiếu dinh dưỡng ở trẻ.

Từ sự cố melamine này, đại diện của Bộ Y tế, WHO, FAO đều nhấn mạnh: Bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời là cách tốt nhất, an toàn nhất để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Giai đoạn này cũng không cần cho trẻ ăn thêm bất cứ loại thức ăn lỏng khác, gồm cả nước. Sau đó, trẻ cần được tiếp tục bú mẹ tới 24 tháng tuổi và ăn thêm thức ăn bổ sung.

Các thức ăn công thức  dạng bột thay thế sữa mẹ với các sản phẩm khác như sữa đặc, sữa trộn mật ong hay sữa tươi đều không phù hợp, có thể ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của lứa tuổi này.

(Theo NDĐT)

Các tin khác

Sáng 6/10, trong lúc đang chào cờ đầu tuần, khoảng 50 học sinh Trường Trung học phổ thông thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) đã bị ngất xỉu. Những học sinh này được đưa vào Bệnh viện đa khoa Sa Đéc cấp cứu và hồi phục sau đó.

Việt Nam đã phát động phong trào phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đến năm 2012 với kế hoạch “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư đến năm.”

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân vừa ký công văn gửi Chủ tịch UBND, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ, đề nghị giới thiệu cán bộ nữ cho vị trí Thứ trưởng phụ trách mầm non.

Nhiều cách làm kinh tế hay, hiệu quả qua sách báo được Hội phổ biến cho chị em.

Hội phụ nữ xã Xuân Ái, huyện Văn Yên (Yên Bái) hiện có 600 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội. Những năm trước đây, cuộc sống của các hội viên gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hội viên phụ nữ nghèo còn cao, chiếm trên 30% tổng số hộ nghèo toàn xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục