Giải pháp việc làm cho người nghiện sau cai?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý và thí điểm tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma tuý sau cai nghiện tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006- 2010”, Sở Lao động- Thương binh & Xã hội đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở thực hiện. Công tác cai nghiện phục hồi và dạy nghề cho người nghiện ma tuý bước đầu đã có những chuyển biến tích cực nhưng cũng gặp khó khăn lớn trong thực hiện Đề án.

Các đối tượng nghiện ở Trạm Tấu được tập trung cai nghiện tại cộng đồng.
Các đối tượng nghiện ở Trạm Tấu được tập trung cai nghiện tại cộng đồng.

Hiện nay, Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục- Lao động & xã hội đang quản lý 405 học viên, trong đó có 383 đối tượng cưỡng chế và 22 học viên tự nguyện. Nhiều năm qua, công tác cai nghiện luôn được địa phương, ngành chức năng quan tâm. Người nghiện ma tuý khi mới vào Trung tâm được phân loại theo mức độ nghiện, kiểm tra tư trang cá nhân, khám sức khỏe ban đầu, hướng dẫn thực hiện nội qui của Trung tâm, lập hồ sơ bệnh án điều trị cho từng học viên. Tính riêng năm 2008, Trung tâm tiếp nhận mới 354 lượt học viên, trong đó có 270 đối tượng cai nghiện bắt buộc, 84 lượt học viên cai tự nguyện. Trung tâm đã điều trị cắt cơn cho học viên mới vào cai nghiện đảm bảo an toàn tuyệt đối. Điều đáng mừng là không có trường hợp nào bị sự cố sức khỏe hoặc tử vong trong điều trị cắt cơn. Sau cắt cơn, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động giáo dục công dân, giáo dục pháp luật có liên quan đến công tác phòng chống ma tuý, tuyên truyền về hành vi, nguy cơ tác hại nhiều mặt của ma tuý và cách phòng, chống tái nghiện; tổ chức học tập nội qui, qui chế của Trung tâm và hướng dẫn học viên viết cam kết thực hiện nội qui trong thời gian cai tại đây. Do đó, năm qua tại Trung tâm không có hiện tượng trốn tập thể, ăn chặn, vi phạm các qui định đề ra…

Trong cai nghiện, công tác lao động trị liệu là biện pháp quan trọng để giúp người nghiện phục hồi sức khoẻ, đào thải độc tố trong cơ thể, khôi phục nhân cách, biết quí trọng sức lao động và tạo ra nguồn sản phẩm để nuôi chính bản thân. Trung tâm đã tổ chức cho phần lớn học viên có đủ điều kiện tham gia lao động như: làm đồi rừng, chăn nuôi bò bán công nghiệp, gia súc, gia cầm, tham gia đập đá, bốc xếp và vận chuyển đá công nghiệp…

Trong lao động, đã tổ chức phân công hợp lý tuỳ theo sức khoẻ, độ tuổi, trình độ của học viên, thực hiện tốt các qui định về an toàn lao động. Lao động trị liệu đi vào nề nếp, đạt hiệu quả cao hơn trước, kể cả về thu nhập và rèn luyện, giáo dục. Năm qua, Trung tâm đã triển khai 4 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 120 học viên, đạt 100% kế hoạch đề ra. Ngoài cai nghiện tại Trung tâm, công tác cai nghiện tại cộng đồng được ngành chức năng và các địa phương chỉ đạo, phối hợp thực hiện chặt chẽ. Kết quả trong năm, đã tổ chức cai tại cộng đồng được 377 học viên, đạt 125% kế hoạch, trong đó, huyện Mù Cang Chải: 167 học viên, Trạm Tấu: 100 học viên, Văn Chấn: 94 học viên và Văn Yên: 16 học viên.

Tuy là những năm đầu thực hiện Đề án nhưng công tác cai nghiện phục hồi đã có chuyển biến tích cực, đã áp dụng đa dạng hình thức cai nghiện: cai nghiện tại Trung tâm, tại gia đình và cai tại cộng đồng. Trong đó, việc cai nghiện tại Trung tâm vẫn giữ vai trò chủ đạo và đạt kết quả khả quan, hầu hết học viên được phục hồi. Cai nghiện tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, song các địa phương nhất là các huyện vùng cao đã cố gắng huy động lực lượng cán bộ, các học viên tham gia tích cực, hiệu quả tốt. Tuy nhiên, việc cai nghiện tại Trung tâm còn nặng về lao động tự trang trải, ít đầu tư cho giáo dục, các hoạt động dạy nghề và phục hồi nhân cách.

Tìm hiểu vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm cho biết: “Nguyên nhân một phần cũng do kinh phí hỗ trợ ngân sách cho cai nghiện tập trung chỉ có 12 tháng, trong khi đó học viên cai nghiện tại Trung tâm là 24 tháng. Hơn nữa, biên chế được hưởng lương theo qui định thiếu, hiện với 29/59 cán bộ hợp đồng ngoài biên chế, Trung tâm phải tăng cường tổ chức lao động tạo nguồn kinh phí để duy trì các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày, tự trang trải trả lương cho cán bộ hợp đồng ngoài biên chế… Vì vậy, các hoạt động giáo dục, học nghề, văn hoá thể thao chiếm rất ít thời gian và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục học viên”. Thực tế, phần lớn người nghiện sau cai và gia đình còn mặc cảm, thiếu quyết tâm trong việc tự giác rèn luyện vươn lên và tự tìm việc làm.

Để giải quyết việc làm cho người nghiện sau cai theo như Đề án, Sở Lao động- TB&XH đã tăng cường chỉ đạo, từng bước vận động và phối hợp với các doanh nghiệp của tỉnh tiếp nhận lao động là người nghiện sau cai vào làm việc. Song để tạo việc làm cho người nghiện sau cai theo Đề án là vấn đề hết sức khó khăn và nan giải, đòi hỏi phải có giải pháp và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan. Theo một cán bộ trong ngành thì phương châm vẫn chỉ là tiếp tục kiên trì tuyên truyền vận động để các cơ sở doanh nghiệp quan tâm tạo việc làm cho người nghiện sau cai theo chủ trương của tỉnh. Còn thực sự hiện nay chưa có giải pháp nào khả thi, phù hợp trong việc giải quyết việc làm cho người nghiện sau cai.

Để thực hiện Đề án một cách hiệu quả, thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các cấp, ngành, nhân dân thấy rõ trách nhiệm trong công tác phòng chống ma tuý nói chung và cai nghiện phục hồi, tạo việc làm cho người nghiện sau cai nói riêng, nhằm tạo sự đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề cai nghiện và sau cai, thực hiện xã hội hoá trong công tác cai nghiện. Cần có cơ chế, chính sách thích hợp khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận người nghiện ma tuý sau cai vào làm việc; tăng cường giải quyết cho gia đình có người nghiện ma tuý sau cai vay vốn học nghề, tạo việc làm cho con em họ. Đồng thời, các cấp, ngành, tổ chức chính trị, đoàn thể có kế hoạch giáo dục, vận động, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý người nghiện cũng như quan tâm giúp đỡ tạo việc làm cho đối tượng sau cai, nhằm thực hiện hiệu quả hơn Đề án này.

Văn Trung

Các tin khác

YBĐT - Với phương châm “Hướng về cơ sở”, những năm qua, MTTQ xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

YBĐT - Trước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng bệnh nhân sởi ở các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, phóng viên Báo YBĐT đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Trần Viết Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái để tìm hiểu về một số bệnh dịch phát ban thường xuất hiện vào mùa xuân.

Thời tiết nắng ấm hiện nay sẽ kéo dài trong vòng 5 ngày nữa tại khu vực miền Bắc, với nền nhiệt độ cao nhất 30 độ C, nguyên nhân do ảnh hưởng của một vùng áp thấp phía Tây.

Ngày 12-2, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, đã có thêm tỉnh Bắc Ninh xuất hiện dịch cúm gia cầm. Dịch đã xảy ra trên đàn vịt gồm 1.820 con của 2 hộ gia đình ở thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, làm 387 con vịt bị chết. Như vậy, hiện cả nước đã có 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm, gồm: Cà Mau, Sóc Trăng, Nghệ An, Hậu Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị và Bắc Ninh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục