Những kết quả bước đầu của cảnh sát môi trường

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cùng với lực lượng công an cả nước, ngày 13/6/2008, Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức công bố quyết định và ra mắt Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT). Biên chế lúc ban đầu của đơn vị là 8 cán bộ, chiến sỹ. Ngoài Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng CSMT còn 2 đội nghiệp vụ là Đội Phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi gây ô nhiễm và làm suy thoái môi trường và Đội Phòng ngừa đấu tranh với các hành vi huỷ hoại, xâm phạm tài nguyên, môi trường.

Ra mắt Phòng Cảnh sát môi trường.
Ra mắt Phòng Cảnh sát môi trường.

Bắt đầu từ con số không, nhưng đến hết năm 2008, được sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an tỉnh, sự hỗ trợ phối hợp của phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố, Phòng CSMT đã làm tốt công tác điều tra cơ bản. Đến nay, cán bộ chiến sỹ trong Phòng đã hoàn thành điều tra cơ bản 11 địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm về môi trường trên địa bàn tỉnh, đó là địa bàn Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Bắc Văn Yên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu – Văn Yên, tuyến hồ Thác Bà, tuyến sông Hồng; lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, lĩnh vực chất thải y tế, lĩnh vực chất thải đô thị; lĩnh vực sản xuất giấy, lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản thực phẩm. Ngoài ra, Phòng đang khẩn trương điều tra đối với hệ, loại đối tượng tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã, lĩnh vực hoạt động khai thác chế biến lâm sản và lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau 7 tháng đi vào hoạt động, Phòng CSMT đã phát hiện 25 vụ ( 22 tổ chức, 4 cá nhân) vi phạm, xử phạt hành chính 339.600.000 đồng, lập biên bản yêu cầu khắc phục 27 trường hợp. Có thể thấy, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực như: vi phạm các qui định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất giấy đế xuất khẩu và sản xuất tinh bột sắn. Qua công tác nắm tình hình và phối hợp với Thanh tra môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 14 cơ sở sản xuất giấy đế xuất khẩu và sản xuất tinh bột sắn thuộc 9 doanh nghiệp, đã phát hiện 7 doanh nghiệp vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh và xử lý chất thải.

Hầu hết các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp này đều xả nước thải chưa qua xử lý vào nguồn nước, có doanh nghiệp lắp đặt đường ống ngầm, ngụy trang dưới hệ thống xử lý chất thải không hoạt động được, dẫn nước thải thẳng ra sông Hồng, hồ và các sông, suối. Vi phạm các quy định về khai thác, bảo tồn tài nguyên khoáng sản cũng diễn ra tương đối phức tạp, tập trung chủ yếu trong khai thác quặng sắt, đồng, chì và kẽm.

Qua công tác nắm tình hình và phối hợp các cơ quan chức năng như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 11 đơn vị, doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, không ký hợp đồng thuê đất, không có giấy phép khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, không đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, không ký quỹ phục hồi môi trường đã vi phạm vào các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường. Lực lượng CSMT đã phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản xử phạt hành chính 14 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vi phạm các quy định về thu gom, xử lý chất thải y tế cũng diễn ra ở hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Lực lượng CSMT đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu các bệnh viện khắc phục các vi phạm trên. Tình trạng vi phạm về quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại diễn ra dưới nhiều hình thức.

Qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát môi trường đã phát hiện Công ty cổ phần Giấy Lửa Việt (tỉnh Phú Thọ) bán 03 bình chứa khí Clo hoá lỏng đã qua sử dụng cho Nguyễn Văn Ngô, chủ cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu ở phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái), trong quá trình quản lý bị rò rỉ khí Clo gây ô nhiễm môi trường làm 4 người bị ngạt, ngất phải đưa đi cấp cứu. Đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính và lập hồ sơ vụ việc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong hoạt động tái chế dầu thải công nghiệp và tái chế nhựa phế liệu đã phát hiện cơ sở tái chế dầu thải Quý Oanh, tổ 17, thôn Cường Bắc, xã Nam Cường, (TP Yên Bái), do Hà Thị Oanh (SN 1968), trú tại tổ 47, phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái), nấu tái chế (hình thức chưng cất) dầu thải công nghiệp. Thời điểm kiểm tra, cơ sở nay đang nấu tái chế khoảng 1.500 lít dầu thải công nghiệp và đang lưu giữ 30 thùng phi (loại 200 lít) chứa khoảng 6.000 lít dầu thải chưa tái chế và 70 thùng phi không chứa dầu nhưng không có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, vi phạm các quy định về cam kết bảo vệ môi trường và các quy định về quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

Tiến hành kiểm tra phát hiện cơ sở sản xuất tái chế nhựa phế liệu của ông Vũ Xuân Trường ở phường Đồng Tâm (TP Yên Bái), trong quá trình hoạt động tái chế nhựa phế liệu không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Khi sản xuất thải mùi khó chịu trực tiếp vào môi trường không qua thiết bị hạn chế ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân sinh sống trong khu vực. Đáng chú ý là tại thời điểm kiểm tra trong kho chứa phế liệu tái chế, đơn vị đã phát hiện 4 bao, trọng lượng 40 kg gồm vỏ chai lọ nhựa đựng dung dịch y tế và 5 kg xi lanh nhựa không có kim tiêm và 0,3 kg dây truyền dịch đã qua sử dụng (đây là chất thải y tế thuộc danh mục chất thải nguy hại).

Vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt cũng diễn ra bức xúc. Bãi rác thải Tuần Quán, phường Yên Ninh (TP Yên Bái) là cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Các bãi xử lý rác thải sinh hoạt khu vực thị trấn Mậu A (Văn Yên), thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình), thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), bãi rác thải thị xã Nghĩa Lộ, hầu hết không được chôn lấp theo quy trình mà đổ bừa bãi vào khu vực, không có tường rào và hệ thống xử lý khiến nước rỉ rác tràn ra khu vực xung quanh gây ô nhiễm đất, nước và không khí nghiêm trọng.

Lực lượng CSMT cũng đã phát hiện 1 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Nguyễn Thị Khanh (sinh năm 1970), trú tại thôn Minh Long, xã Tuy Lộc  (TP Yên Bái) tàng trữ số lượng lớn động vật hoang dã quý hiếm. Tiến hành kiểm tra, cảnh sát môi trường đã thu giữ 105,5 kg, gồm các loài: rắn hổ mang chúa, rắn hổ mang bành, rắn ráo, rùa cưa; đệnh đạng (rồng đất); gion; giúi (hầu hết các loài động vật trên thuộc nhóm IB và IIB trong Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm). Đơn vị đã tiến hành điều tra, xác minh và lập hồ sơ bàn giao cho các cơ quan chức năng của thành phố xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy có thể thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Lực lượng CSMT dù mới thành lập nhưng đã bước đầu khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Theo Thượng tá Bùi Duy Hiển - Trưởng phòng CSMT: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Hành lang pháp lý bảo đảm hoạt động của các lực lượng chuyên trách, trong đó có lực lượng cảnh sát môi trường chưa hoàn chỉnh dẫn đến khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý môi trường; chính sách thu hút đầu tư, cấp phép kinh doanh chưa quan tâm đến việc thẩm định các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Công tác quy hoạch, xây dựng các nhà máy chưa thực sự hợp lý. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chưa hiệu quả và thường xuyên có chương trình trước, nên doanh nghiệp tìm cách đối phó, đoàn kiểm tra không phát hiện được sai phạm. Các khu, cụm công nghiệp sản xuất kinh doanh trong điều kiện cơ sở hạ tầng đang xây dựng, chưa hoàn chỉnh, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung chưa được xây dựng đầy đủ. Các doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận mà chưa quan tâm đến thực hiện cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường”.

“Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” - Khẩu hiệu này cần nhanh chóng được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực để các cấp các ngành và mọi người dân nhận thức được đầy đủ hơn tính cấp thiết của vấn đề này.

Nguyễn Chí Dân

Các tin khác

YBĐT - Với vai trò tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Lâm Giang (huyện Văn Yên - Yên Bái) đã triển khai hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành và MTTQ Việt Nam phát động. Qua đó, đã đổi mới và đẩy mạnh công tác vận động quần chúng nhân dân, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD - ÐT) vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ÐH, CÐ. Theo đó, điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước. Ðặc biệt, các trường không được hạ điểm chuẩn.

T.S Vũ Đăng Minh.

Theo dự thảo, Bộ Nội vụ tham gia vai trò trưởng ban chỉ đạo dự án 1.000 công chức trẻ cho xã phường, thị trấn. TS Vũ Đăng Minh - Vụ Tổng hợp (Bộ Nội vụ) đã trao đổi với báo chí xung quanh chế độ, cơ chế tuyển chọn và đánh giá công chức.

Đây là thông tin được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) công bố tại cuộc họp thông báo kết quả sau hơn 1 năm triển khai QĐ số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho học sinh, sinh viên(HS-SV) nghèo vay học tập ngày 19/2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục