Xuất khẩu lao động sụt giảm trước biến động thị trường
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mặc dù đã được tỉnh triển khai tích cực nhưng năm 2008 số lượng người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đạt rất thấp so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh Yên Bái chỉ đưa được 515 người đi XKLĐ, trong khi chỉ tiêu năm là 1.500 người, đồng thời thấp hơn nhiều so với các năm 2006 và 2007. Sự biến động về thị trường XKLĐ trong năm vừa qua cùng chất lượng thấp của nguồn nhân lực, khả năng tài chính yếu kém của người lao động tham gia xuất khẩu... là những nguyên nhân cơ bản của kết quả này .
Năm 2008, cơ cấu thị trường của các doanh nghiệp XKLĐ nước ta nói chung và các doanh nghiệp XKLĐ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ từ trọng tâm là thị trường Malaysia sang các thị trường như: Đông Âu, Trung Đông, Đài Loan, Ma Cao, Nhật Bản. Thị trường Malaysia từ chỗ chiếm tỷ lệ 60 - 70% tổng số lao động của nước ta đi làm việc ở nước ngoài hàng năm thì trong năm 2008 chỉ còn chiếm khoảng 13%. Trong khi đó một số thị trường khác như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nga và các nước Đông Âu, Trung Đông có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đây là những thị trường đòi hỏi cao về trình độ tay nghề, kỷ luật lao động và khả năng tài chính. Song, chất lượng nguồn lao động của Yên Bái nhìn chung còn thấp, phần lớn chưa qua đào tạo, kỷ luật, tác phong lao động còn nhiều hạn chế, chậm thích nghi với môi trường sản xuất công nghiệp hiện đại, quy mô lớn. Năng lực và chất lượng đào tạo nghề của hầu hết cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp XKLĐ. Trong năm 2008, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ lao động trong việc đào tạo trước khi đi XKLĐ. Tuy nhiên chủ trương này chưa được thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, đa số người đi XKLĐ trên địa bàn tỉnh là con em các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều lao động là người thuộc các hộ nghèo, trong khi mức giới hạn cho vay không phải thế chấp của các ngân hàng quá thấp nên người lao động không thể có đủ khả năng tài chính để tham gia các thị trường có việc làm tốt, thu nhập cao. Do đó, người lao động của tỉnh khi không tham gia thị trường Malaysia nữa thì chưa thể tiếp cận được với các thị trường mới. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho số người đi XKLĐ của tỉnh giảm mạnh so với các năm trước.
Mặt khác, trong 6 tháng cuối năm 2008, hầu hết các nước đang tiếp nhận lao động của Việt Nam đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là tại các nước có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Mỹ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia...
Tại các nước này hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong những năm trước đây, việc tuyển lao động đi làm việc ở Malaysia tại nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp còn chạy theo chỉ tiêu, số lượng mà chưa chú ý đến trình độ tay nghề, phẩm chất đạo đức của người lao động cũng như chất lượng các đơn hàng. Do đó, có tình trạng một số lao động sang làm việc tại nước ngoài không có việc làm và thu nhập ổn định, hoặc không tích cực lao động, không chịu khó tích luỹ. Thậm chí một số ít lao động có hành vi vi phạm pháp luật, bỏ ra ngoài, đánh nhau dẫn đến tử vong. Các hiện tượng đó tạo ra tâm lý nghi ngại của nhiều người lao động đang có ý định tham gia XKLĐ.
Theo dự báo trong năm 2009, một số thị trường tiếp nhận nhiều lao động vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng ngày càng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế, kéo theo nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam giảm mạnh. Cơ chế đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc có nhiều thay đổi bất lợi hơn cho người lao động trong tỉnh; các quy định cấp visa tiếp nhận lao động nước ngoài của một số nước Đông Âu ngày càng thắt chặt. Các yếu tố đó tạo ra rất nhiều khó khăn cho công tác XKLĐ của nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng. Trước những khó khăn, thách thức đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo XKLĐ các cấp, cần chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án hỗ trợ đào tạo cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Việc xây dựng các dự án đào tạo nghề chung của toàn tỉnh cũng cần hướng đến việc lựa chọn cơ cấu nghề nghiệp phù hợp đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo để phục vụ cho XKLĐ. Đồng thời, phải lựa chọn các doanh nghiệp lớn, có thị trường XKLĐ phong phú, có uy tín, trách nhiệm cao để giới thiệu cho các trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh phối hợp tạo nguồn tuyển và đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài.
Trong việc tuyển và đưa người đi XKLĐ cần quán triệt phương châm: “Không đưa người đi XKLĐ bằng mọi giá”, kiên quyết không đưa những lao động không đủ sức khoẻ hoặc không có ý thức pháp luật và phẩm chất đạo đức đi làm việc tại nước ngoài để hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố rủi ro mang tính chủ quan và các tác động tiêu cực đến tâm lý của người lao động. Không cho các doanh nghiệp tuyển lao động đưa vào các đơn hàng chưa được các cơ quan chức năng thẩm định. Đồng thời, để có thể tham gia một số thị trường có thu nhập cao thì người lao động cần được tạo điều kiện nâng mức vốn vay không phải thế chấp từ các ngân hàng. Việc thiết lập và tập huấn nâng cao năng lực, tiến tới hình thành mạng lưới cộng tác viên chuyên trách về XKLĐ tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh cũng là điều cần thiết nhằm tạo ra cầu nối hiệu quả để kết nối giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, mở ra một kênh thông tin hiệu quả để đưa các thông tin về công tác XKLĐ về cơ sở.
Cùng đó, có sự chuẩn bị để sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ XKLĐ đối với 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải...
T.H
Các tin khác
YBĐT - Năm 2008, được sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Y tế; sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, ngành y tế Yên Bái đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân với 10 thành tựu nổi bật.
Ngày 26-2, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì họp giao ban trực tuyến giữa Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm với các địa phương.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng đưa ra tại lễ phát động chiến dịch đội mũ bảo hiểm cho trẻ em diễn ra chiều 26/2 tại Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 20/1/2009, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 138.221 người, số bệnh nhân AIDS hiện tại 30.335 người, số người nhiễm HIV đã tử vong 41.903 trường hợp.