Nâng cao hiểu biết để phòng ngộ độc thực phẩm
- Cập nhật: Thứ hai, 27/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhân Tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) (từ 15/4 đến 15/5/2009), phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Lường Văn Hom - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái để tìm hiểu về thực trạng cũng như giải pháp, nhằm thực hiện ngày một hiệu quả hơn công tác này.
Thịt lợn được bày bán ở chợ Đồng Tâm (TP Yên Bái). (Ảnh: Thanh Ba)
|
- Xin ông cho biết, tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện nay trên địa bàn Yên Bái?
Ông Lường Văn Hom: Thời gian gần đây, tình trạng ngộ thực phẩm trên địa bàn tỉnh đang diễn ra phức tạp. Chỉ tính riêng năm 2008, đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm, với 346 người. Có 4 người chết đều do ngộ độc thực phẩm sẵn có trong tự nhiên trong đó có 3 người ở xã Phù Nham ăn phải nấm độc và một người ở xã Nậm Mười, đều thuộc huyện Văn Chấn ăn quả rừng. Cũng trong năm có một vụ ngộ độc do ăn cỗ cưới tại xã Yên Thắng (Lục Yên) làm 267 người mắc.
Ngoài ra còn nhiều trường hợp có biểu hiện ngộ độc nhẹ dưới dạng rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, nôn thoáng qua. So với năm 2007, ngộ độc thực phẩm giảm về số vụ và số tử vong nhưng các trường hợp ngộ độc do các độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm như: nấm, quả rừng...vẫn xảy ra. Đáng ngại hơn là các vụ ngộ độc tập thể có xu hướng tăng. Các vụ ngộ độc thường xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người kinh tế khó khăn.
- Theo ông, việc quản lý thị trường thực phẩm ở Yên Bái đang gặp khó khăn gì?
Ông Lường Văn Hom: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Yên Bái có 4.006 cơ sở thực phẩm. trong đó có 1.174 cơ sở dịch vụ ăn uống; 415 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm và 2.417 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 88 chợ tham gia kinh doanh thực phẩm trong đó 52 chợ có mái che. Thị trường thực phẩm tại Yên Bái rất đa dạng, cùng với hàng sản xuất thiết yếu tại địa phương như lương thực; thịt gia súc, gia cầm; bánh kẹo, rượu bia, kem, nước giải khát...còn có thực phẩm sản xuất từ các tỉnh trong nước và nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc là các thực phẩm chế biến ăn ngay như dưa muối, thịt quay, bánh kẹo, rượu bia, thịt tươi sống (gồm nội tạng động vật, trứng gà), đến các chất phụ gia như đường hoá học, phẩm màu, hương liệu...
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, giao lưu thương mại ngày càng thông thoáng, không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp đạo lý, nhập khẩu cả các mặt hàng thực phẩm không đảm bảo bảo chất lượng VSATTP từ tôm, tép khô đến bánh kẹo, rượu bia, phủ tạng gia súc, gia cầm...khiến cho công tác quản lý thực phẩm an toàn gặp nhiều khó khăn.
- Cụ thể, đó là những khó khăn gì?
Ông Lường Văn Hom: Nhận thức của người dân rất hạn chế, một số nơi phong tục tập quán còn lạc hậu nên kiến thức về VSATTP chưa đồng đều, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, một số cơ sở thực phẩm vì lợi nhuận, thiếu ý thức vẫn kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trang thiết bị phục vụ công tác VSATTP còn thiếu nhất là tuyến huyện, thị, thành phố. Sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung ở một số ngành chủ chốt và vào các dịp cao điểm, còn thường mang tính hình thức và coi công tác đảm bảo VSATTP là việc của ngành y tế.
Đội ngũ cán bộ làm công tác VSATTP ở Yên Bái nhìn chung chưa được đào tạo đầy đủ và đa số là kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên ngành, trình độ không đồng đều. Trình độ chuyên môn của cán bộ tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đảm bảo VSATTP. Chế độ thù lao chưa cụ thể, nhất là tuyến cơ sở xã, phường. Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP còn rất hạn chế, một phần do điều kiện của cơ sở không đảm bảo, một phần do ý thức của các cơ sở thực phẩm và sự vào cuộc chưa đồng bộ của các ngành liên quan.
Công tác thanh, kiểm tra VSATTP đã dần đi vào nề nếp nhưng mới chỉ tập trung ở khu vực đông dân cư, cơ sở thực phẩm lớn, còn các xã vùng sâu, xa, cơ sở nhỏ , giao thông đi lại khó khăn hầu như còn bỏ ngỏ. Công tác xử lý vi phạm chưa thường xuyên, còn nhẹ tay chưa đủ sức răn đe. Kinh phí cho công tác đảm bảo VSATTP còn hạn hẹp, nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
- Vậy, để khắc phục những tồn tại trên cần phải làm gì?
Ông Lường Văn Hom: Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Yên Bái đã đưa ra kế hoạch năm 2009 với các mục tiêu cụ thể như: 90% số xã trong tỉnh thành lập ban chỉ đạo VSATTP; 100% số xã có cán bộ theo dõi; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý và 80% người tiêu dùng hiểu biết, thực hành đúng ATVSTP; trên 95% cơ sở thực phẩm được kiểm tra định kỳ; trên 50% cơ sở được thanh, kiểm tra liên ngành; trên 90% cơ sở thực phẩm được khám sức khoẻ định kỳ và tập huấn về ATVSTP; trên 50% có sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; trên 90% cơ sở sản xuất thực phẩm tự công bố chất lượng sản phẩm; 80% cán bộ làm công tác VSATTP tuyến cơ sở được bồi dưỡng kiến thức phát hiện ô nhiễm thực phẩm; 100% vụ ngộ độc được điều tra xác định nguyên nhân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ thú y cũng như năng lực hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm VSATTP từ tỉnh đến cơ sở.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về VSATTP; giám sát tình hình ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục; tăng cường các hoạt động liên ngành; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHKT công nghệ tiên tiến phục vụ công tác quản lý; tăng cường hợp tác quốc tế; nâng mức đầu tư cho VSATTP từ tỉnh đến cơ sở. Nhiệm vụ cũng đã được phân công cụ thể cho tất cả các cấp, ngành, đoàn thể liên quan.
- Hoạt động của Yên Bái trong Tháng hành động?
Ông Lường Văn Hom: Yên Bái thực hiện chủ đề Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP năm 2009 là “Cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm VSATTP: Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng” với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cơ sở thực phẩm, người tiêu dùng trong đảm bảo chất lượng VSATTP; huy động được toàn dân, các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể, cơ sở thực phẩm tham gia phổ biến, tuyên truyền các văn bản qui phạm pháp luật về VSATTP. Bên cạnh đó, cung cấp các kiến thức khoa học trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
Ngày 15/4/2009 từ tỉnh tới các huyện đều đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động Vì chất lượng ATVSTP đồng thời triển khai chiến dịch truyền thông, huy động mọi nguồn lực, hình thức, phương tiện thích hợp từ tỉnh, huyện đến các xã phường phục vụ tuyên truyền; tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép với chủ đề Tháng hành động; tăng cường trruyền thông qua các ban, ngành, đoàn thể chính trị với các hình thức nói chuyện, tập huấn, hội thảo, hội thi tuyên truyền về VSATTP.
Đối tượng tuyền thông hướng vào các nhà lãnh đạo quản lý, chính quyền các cấp; người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng. Đồng thời tổ chức các hoạt động thanh, kiểm tra; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Các ngành liên quan như: Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Giáo dục - Đào tạo, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Báo Yên Bái, Đài PTTH tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều được giao nhiệm vụ cụ thể.
Có thể nói, Tháng hành động này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực để thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch VSATTP của UBND tỉnh Yên Bái năm 2009. Quan trọng hơn cả là nó giúp mỗi người nâng cao hiểu biết, phòng ngộ độc thực phẩm cho mình và mọi người.
- Xin cảm ơn ông!
Minh Đức (thực hiện)
Các tin khác
Bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện đang là thời điểm bắt đầu mùa nắng nóng với áp thấp nóng phía Tây hoạt động rất mạnh, nhất là ở miền Trung.
Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị về công tác đào tạo nhân lực y tế theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước.
YBĐT - Thời gian qua, nhân dân bản Vệ, Xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái) đã khởi công xây dựng nhà văn hoá khu dân cư. Trên bãi đất rộng hơn 2000m2 được nhân dân trong bản tự nguyện hiến để xây dựng, nhà văn hóa bản Vệ là ngôi nhà sàn 5 gian trị giá trên 110 triệu đồng, đã được 67 hộ dân chung tay xây dựng, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào Thái với 100% số hộ trong bản.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn của Chương trình 135 đã có 48/67 công trình được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.