Các tiểu đoàn Yên Ninh ngày ấy - bây giờ

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đó là thời điểm hết sức nhạy cảm, năm 1967. Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ bộc lộ rõ âm mưu nham hiểm là đánh phá các mục tiêu kinh tế quan trọng của ta hòng ngăn chặn sự chi viện mọi mặt của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn cũng như làm lung lay ý chí chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời ở miền Nam, chúng đưa hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Gặp mặt đại biểu các tiểu đoàn Yên Ninh nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2005).
Gặp mặt đại biểu các tiểu đoàn Yên Ninh nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2005).

Hơn lúc nào hết, chiến trường miền Nam cần sự chi viện của miền Bắc cả về sức người, sức của. Trước yêu cầu cấp bách đó, Tiểu đoàn Yên Ninh I (mang tên kết nghĩa của hai tỉnh Yên Bái - Ninh Thuận) được thành lập vào tháng 6/1967. Tình hình ngày càng cam go, quyết liệt, ba tiểu đoàn là: Yên Ninh II, III và IV liên tiếp được thành lập vào tháng 2 và tháng 6/1968 để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 9/1967, Tiểu đoàn Yên Ninh I vào Nam tham gia chiến đấu ở Đắc Pét, Đắc Song, sau đó tiếp tục hành quân vào miền Đông Nam Bộ, sáp nhập vào Sư đoàn 5, Quân khu 7 tham gia các chiến dịch ở Cam-pu-chia năm 1970; chiến dịch Lam Sơn 1, Lam Sơn 2 năm 1971; chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và giữ đất giành dân năm 1973 sau Hiệp định Pa-ri. Tiểu đoàn Yên Ninh II sau hơn 5 tháng hành quân ròng rã (từ tháng 5 - 11/1968) đến Long An cùng với nhân dân Đức Hòa, Đức Huệ và Kiên Tường - Long An chiến đấu bám trụ kiên cường, tham gia nhiều trận đánh lớn như: Bình Tân, Thủ Thừa, kênh Bo Bo, Sân bay Đức Hòa; đánh tàu chiến địch trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và chiến đấu giúp nước bạn Cam-pu-chia.

Tháng 12/1968, Tiểu đoàn Yên Ninh III chính thức có mặt tại chiến trường Thừa Thiên - Huế, tham gia các trận đánh lớn như: Bình độ 400, Cô-ca-va 1078, Đường 9 Nam Lào, giải phóng Thừa Thiên - Huế ngày 26/3/1975. Tháng 1/1969, Tiểu đoàn Yên Ninh IV có mặt tại chiến trường miền Đông, hoạt động ở Đông Dù, núi Bà Đen năm 1969; Thiện Ngôn, Sa Mát năm 1970; Téc Ních, Bình Long năm 1972; Đồng Soài, Phước Long năm 1973 và Xuân Lộc - Long Khánh năm 1975.

Đồng sức, đồng lòng với chiến trường miền Nam, các chiến sỹ của các tiểu đoàn Yên Ninh đã có những cuộc hành quân “Dọc theo chiều dài đất nước”, “Những cuộc hành quân xuyên thế kỷ” mà cho đến bây giờ, những người lính Yên Ninh chỉ có thể gọi là “Những cuộc hành quân bằng đầu”. Đó là những cuộc hành quân ròng rã, đối mặt với bom đạn của kẻ thù; với cái đói cái rét, bệnh tật, thương tích; với rắn rết, nấm độc, rau dại; với cây gãy, nước cuốn… đầy hiểm nguy luôn rình rập.

Nhưng bằng ý chí quyết tâm sắt đá, những người lính Yên Ninh đã không phụ lòng mong đợi của chiến trường miền Nam. Hình ảnh thường xuyên hiện hữu trong giấc mơ của những người lính trẻ là được ăn một bát cơm đầy mà “Hạt gạo thổi nở to bằng hạt gắm”. Những cuộc hành quân mà mỗi thời điểm lại là một thử thách cao hơn đối với lòng dũng cảm của người lính…

Mới đó mà đã 42 năm, các tiểu đoàn Yên Ninh giờ đây người còn người mất. Nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Các anh ra đi mang theo ý chí của quân và dân Yên Bái, mang theo lòng căm thù giặc Mỹ và ý thức trách nhiệm với miền Nam. Đóng góp sức mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 3.000 thanh niên Yên Bái gia nhập 4 tiểu đoàn Yên Ninh, đến nay chỉ còn hơn 300 người.

Anh Phạm Tiến - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Yên Ninh cho biết, theo điều tra mới nhất với sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái, tại xã Minh Chuẩn (Lục Yên) - xã “Quyết thắng” của huyện, trong hai năm 1967 - 1968, có 12 thanh niên gia nhập các tiểu đoàn Yên Ninh và khi kết thúc chiến tranh đã hy sinh 8 người, còn lại 4 người, trong đó có 2 thương binh nặng. Hay như xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái), có 12 người nhập ngũ thì hy sinh 9, còn 3; xã Yên Thắng (Lục Yên) nhập ngũ 12 người, hy sinh 5, còn 7, trong đó 3 người là thương binh nặng; xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) nhập ngũ 7 người, hi sinh 4, còn 3, trong đó có 2 thương binh nặng…

Trang nhật ký của các tiểu đoàn Yên Ninh gắn liền với các tên tuổi như: Hoàng Trọng Mưu (Khánh Thiện, Lục Yên), Hoàng Văn Tựu (Vĩnh Lạc, Lục Yên), Hoàng Văn Sửu (Khánh Hòa, Lục Yên), Hứa Hùng Mạnh (Tân Lập, Lục Yên)… Các anh đã trở thành niềm tự hào của quân và dân Yên Bái. Thành tích xuất sắc của các anh đã được Nhà nước tặng thưởng trên 1.800 huân chương các loại, 285 bằng “Dũng sỹ diệt Mỹ”, 150 bằng “Dũng sỹ diệt xe cơ giới, máy bay” và hàng ngàn bằng khen, giấy khen.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, các cựu chiến binh Yên Ninh - một số ở lại trong quân ngũ và trở thành những cán bộ chỉ huy trung, cao cấp; một số chuyển ngành; còn lại đại bộ phận về địa phương tham gia lao động, sản xuất. Dù ở điều kiện, hoàn cảnh nào, các cựu chiến binh Yên Ninh vẫn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Các anh - những người lính Yên Ninh luôn chấp hành tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục và vận động con cháu tham gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Nhiều người mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trang trại có hiệu quả như cựu chiến binh Phạm Tiến (thành phố Yên Bái), Mai Văn Thông, Hà Ngọc Lâm (Văn Yên)…

Hôm nay, sống trong hòa bình, chúng ta vẫn luôn nhớ tới các anh – những người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh, những người con của nhân dân các dân tộc Yên Bái đã đóng góp và hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và hôm nay, họ vẫn ngày đêm làm đẹp thêm hình ảnh của người lính Yên Ninh giữa đời thường…

Nguyễn Ngọc Yến

Các tin khác

64 đoàn này sẽ thanh tra thi, giám sát in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009.

Thời tiết miền Bắc những ngày nghỉ lễ 30/4 và mùng 1/5 sẽ mát mẻ và tình trạng này có thể kéo dài đến gần giữa tuần tới, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh GSGC rất cao nếu các ngành, các địa phương lơ là, chủ quan.

Theo tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp& PTNT), hiện nay các địa phương trong cả nước đang tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1 năm 2009. Đến nay đã có 57,7 triệu lượt gia cầm được tiêm phòng, trong đó có 36,1 triệu lượt con vịt và 21,6 triệu lượt con gà.

Khắc khoải chờ điện, đồng bào Dao ở Tân Hương đành chung thủy với đèn dầu và những bóng đèn tự chế.

YBĐT - Ước mơ có dòng điện thắp sáng bản làng, sáng những con chữ cho lũ trẻ học bài; để được tiếp nhận với văn hoá nghe, nhìn, được xem cái ti vi, nghe cái đài nó nói, nó hát, nó dạy mà thêm sáng mắt, sáng lòng đã là ước mơ bao đời nay của đồng bào Dao ở 5 thôn Khe Mạ, Khe Moóc, Khe May, Khe Gáo và Đồi Hồi xã Tân Hương (Yên Bình - Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục