Chuyện kể của một người tù Phú Quốc
- Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vẫn là cựu chiến binh Nguyễn Văn Đậu hay nói, hay cười; vẫn là người cựu chiến binh ấy nhiệt tình với chuyện làng, chuyện xóm và tích cực tham gia phong trào hội ở khu phố 5, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên như mọi ngày. Nhưng hôm nay, ngày cả nước kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tìm đến nhà ông Đậu để được nghe kể về những ngày mà ông đã trải qua tại Nhà tù Phú Quốc, khi là tù binh cộng sản của chính quyền Mỹ Ngụy.
"Bọn nó tàn bạo lắm cháu ơi! Tôi sống được và trở về được là nhờ ý chí, quyết tâm và nhờ ơn Đảng", ông mở đầu câu chuyện với tôi như vậy. Ông kể tiếp, tháng 2/1968, ông rời đồng đất Tuy Lộc - Trấn Yên (nay thuộc thành phố Yên Bái) lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Sau 3 tháng huấn luyện, đi bộ dọc Trường Sơn, qua nước bạn Cam-pu-chia, đúng 5 tháng sau, Tiểu đoàn Yên Ninh II có mặt tại Đức Huệ - Long An. Đơn vị Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 của ông trực tiếp chiến đấu với Mỹ Ngụy đang thực hiện chiến dịch Bình Định miền Nam. Chiến trường vô cùng ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng bộ đội ta chiến đấu rất mưu trí và dũng cảm.
Đêm ngày 5/6/1969, trận đánh tại ấp 5 Tân Nhật, một số đồng chí trong đơn vị bị thương. Là y tá đơn vị nên hôm sau, ông và một số đồng chí khác ở lại căn cứ để cứu chữa cho thương binh. Không ngờ địa điểm bị lộ, ngày 11/6/1969, địch tổ chức tấn công căn cứ và do lực lượng quá mỏng, ông đã bị bắt sau khi bị thương ở đầu khá nặng. Đó là ngày mở đầu cho 4 năm sau đó ông phải sống trong địa ngục trần gian. Bị giam tại Biệt giam Thủ đô, Biệt giam Biên Hòa với sự tra tấn cực kỳ dã man, trong đó tàn bạo nhất là quay điện, địch chuyển ông lên tàu để đưa ra Phú Quốc với số tù 8382.
Nằm trong chuồng cọp A4 cực hình, sau đó là những trận tra tấn thừa sống thiếu chết ở C4 như bị đánh vào mắt cá chân bằng gậy sắt, bị lên gối vào bụng, bị vụt bằng đuôi cá đuối với những chiếc gai sắc nhọn. Tra tấn mãi, địch giam ông vào khu cùng 89 đồng chí khác trong nhà sắt nóng nực, ăn hai bữa một ngày, mỗi bữa một bát cơm gạo hẩm và một miếng cá liệt. Riêng chuyện tra tấn thì vẫn như cơm bữa, chúng đánh đập các đồng chí của ta mà chẳng cần có lý do gì. Giọng ông Đậu trầm hẳn lại: "Đau nhất là khi có anh em mình không chịu nổi cực hình tra tấn mà quy hàng, khai báo…".
"Trong điều kiện như vậy, làm sao mà những chiến sỹ cách mạng như ông lại có thể sống để trở về?", câu hỏi của tôi được ông Đậu trả lời một cách rất chắc chắn và tự hào, đó là nhờ ý chí của người cộng sản và đặc biệt là tổ chức Đảng. Bởi trong chốn lao tù ấy, tổ chức Đảng và Đoàn thanh niên vẫn được tổ chức, duy trì sinh hoạt dù những buổi sinh hoạt, giáo dục chính trị chỉ là những buổi phơi nắng, ngồi đợi cơm... ngay trước mặt địch.
Cấp trên dùng que viết nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp trên lên đất, cát cho anh em nhìn và đọc, tiếp thu và thực hiện. Đơn giản vậy thôi nhưng mọi sự lãnh đạo đều được quán triệt sâu sắc cũng như ý thức tổ chức thực hiện rất nghiêm của các đồng chí ta. Và chính nhờ tổ chức Đảng lãnh đạo, anh em đã vùng lên đấu tranh, chống đàn áp mạnh mẽ và có hiệu quả. Khi một chiến sỹ của ta bị đánh đập dã man là tất cả anh em cùng đứng lên phản đối, bất chấp bị đánh đến vỡ đầu, gãy xương, thậm chí là súng AR15 nổ.
Phong trào đấu tranh của anh em tù nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng còn buộc địch phải cải thiện điều kiện sinh hoạt, nhất là bữa ăn cho tù nhân. Những ngày ở chốn địa ngục trần gian ấy rồi cũng qua khi trên chiến trường, quân giải phóng liên tiếp giành chiến thắng, tạo thế và lực trên bàn đàm phán ngoại giao. Hiệp định Pa-ri được ký kết, việc trao trả tù binh cũng được thực hiện.
Năm 1973, ông Đậu được trao trả tại sông Thạch Hãn. "Nhìn thấy đất liền, nhìn thấy cờ đỏ sao vàng, tôi và các anh em đã bật khóc. Mình đã sống! Mình đã được sinh ra lần nữa!", ông sung sướng đến nghẹn nghào...
Sau đó, ông Đậu được ra Bắc an dưỡng tại Đoàn 72 Tuyên Quang và đến năm 1976 xuất ngũ, nhận công tác tại Văn phòng UBND huyện Trấn Yên rồi nghỉ chế độ. Người cựu chiến binh ấy đã vượt lên cuộc sống còn nhiều khó khăn để nuôi dạy các con trở thành những thầy giáo, thầy thuốc. Riêng ông vẫn sống một cuộc đời bình dị, tích cực tham gia việc làng việc xóm và phong trào hội.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, công tác Đoàn trong các doanh nghiệp (DN), công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực.
YBĐT - Thực hiện kế hoạch tăng cường quản lý, giám sát và hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tới các đối tượng có nguy cơ cao. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên (Yên Bái) đã tổ chức truyền thông trực tiếp nhằm thay đổi hành vi, nguy cơ lây nhiễm HIV cho 52 lượt đối tượng nghiện ma túy, 80 lượt đối tượng nhiễm HIV, 123 lượt đối tượng là thành viên gia đình có người nhiễm HIV, trên 5.300 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 195 lượt các đối tượng khác như đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, trưởng thôn bản…
YBĐT - Đó là thời điểm hết sức nhạy cảm, năm 1967. Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ bộc lộ rõ âm mưu nham hiểm là đánh phá các mục tiêu kinh tế quan trọng của ta hòng ngăn chặn sự chi viện mọi mặt của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn cũng như làm lung lay ý chí chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời ở miền Nam, chúng đưa hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
64 đoàn này sẽ thanh tra thi, giám sát in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009.