Yên Bái: Khó khăn trong thực hiện mục tiêu dân số đến 2010

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến đầu tháng 5/2009, Yên Bái tiếp tục duy trì được mức giảm sinh và đã hạn chế tốc độ gia tăng dân số. Tỷ suất sinh thô từ 20,36%o (2001) giảm xuống 19,51%o (2008); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 15,8% (2001) giảm xuống 13,5% (2008).

Ở vùng đồng bào Mông, việc sinh đẻ có kế hoạch vẫn chưa được thực hiện tốt, do đó trẻ em vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức từ gia đình và xã hội.
Ở vùng đồng bào Mông, việc sinh đẻ có kế hoạch vẫn chưa được thực hiện tốt, do đó trẻ em vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức từ gia đình và xã hội.

Tại thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái và một số huyện vùng thấp đã tiệm cận mức sinh thay thế, tạo tiền đề rất quan trọng tiến tới ổn định quy mô dân số. Chất lượng dân số, chất lượng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em từng bước được cải thiện. Nhận thức của nhân dân về công tác dân số đã có sự chuyển biến rõ rệt. Số người chấp nhận mô hình gia đình có từ 1-2 con ngày càng nhiều.

Toàn tỉnh đã có 24/180 xã, phường không có người sinh con thứ 3 trở lên; ngân sách đầu tư cho công tác dân số/ kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được giữ vững và ổn định. Ngoài nguồn ngân sách do Trung ương và các chương trình, dự án tài trợ, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho công tác dân số như: chính sách hỗ trợ cho cán bộ dân số xã; bồi dưỡng đối tượng thực hiện KHHGĐ và khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt phong trào không sinh con thứ 3... Những kết quả đạt được trong công tác dân số đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu giảm sinh chưa thực sự bền vững, quy mô dân số tiếp tục tăng trong những năm tới, dự kiến không đạt kế hoạch đề ra đến năm 2010. Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVI đề ra: phấn đấu đến năm 2010, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,25 %; giảm tỷ lệ sinh thô 0,25%0/ năm... Nhưng hiện tại, tỷ suất sinh thô giảm chậm so với giai đoạn trước, bình quân 0,38%o/năm (giai đoạn 2001- 2005) đã giảm 0,65%o/năm. Vậy mà, từ năm 2005 - 2008, tỷ suất sinh thô liên tục tăng 0,23%o/năm. Số con trung bình của 1 bà mẹ giảm không đáng kể: năm 2001 là 2,53 con, năm 2008 là 2,5 con.

 Hiện nay, Yên Bái là một trong số 23 tỉnh có mức sinh cao nhất toàn quốc. Hầu hết các địa phương đều có tình trạng tăng sinh trở lại, nhất là ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 2,5%; tỷ lệ sinh con thứ 3 còn trên 40%; số con trung bình của 1 bà mẹ là 5 con (cao gấp 2 lần so với mức bình quân chung của tỉnh); nhận thức về chính sách dân số của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Đặc biệt, tình trạng cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng, nhưng không được xử lý nghiêm, dẫn đến ảnh hưởng đến việc tuyên truyền vận động nhân dân; chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và KHHGĐ còn hạn chế, nhất là ở vùng cao.

Hệ thống cung cấp dịch vụ cho vị thành niên, thanh niên, chăm sóc người già, chăm sóc người khuyết tật chưa phát triển. Yên Bái chưa xây dựng được các mô hình nâng cao chất lượng dân số có tính dự phòng như: kiểm tra sức khoẻ trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh...; một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa quan tâm chỉ đạo sát sao, đặc biệt từ khi giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình & Trẻ em thì một số nơi có tư tưởng chủ quan, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác DS/KHHGĐ.

Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách dân số chưa được chú trọng; sự tham gia phối hợp của các ban, ngành đoàn thể chưa chặt chẽ và chưa thực hiện được việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số theo Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ. 

 Hệ thống tổ chức làm công tác dân số những năm qua có nhiều thay đổi. Đặc biệt là quá trình thực hiện giải thể, sáp nhập tổ chức bộ máy còn chậm. Cho đến nay, tổ chức bộ máy bước đầu được kiện toàn ở cấp tỉnh, huyện, nhưng vẫn chưa hoàn thiện, thiếu cán bộ và quá tải công việc. Cán bộ dân số ở cấp xã đảm nhiệm nhiệm vụ khá nặng nề nhưng chế độ thù lao chưa thoả đáng (bình quân đạt từ 240.000-260.000 đồng/tháng) nên nhiều người chưa yên tâm, nhiệt tình công tác.

Từ khi giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình & Trẻ em đến 6 tháng đầu năm 2008, cán bộ cơ sở hầu như không hoạt động. Việc bàn giao cán bộ dân số xã về trạm y tế xã theo Thông tư 05/2008/TT-BYT của Bộ Y tế còn nhiều khó khăn do trình độ chuyên môn của cán bộ dân số xã không cập vì toàn tỉnh chỉ có 35% có trình độ chuyên môn, còn 65% chưa qua đào tạo.

Cộng tác viên dân số thôn, bản, tổ dân phố hiện có 2.409 người nhưng hoạt động không hiệu quả do chế độ thù lao thấp, trình độ văn hoá, chuyên môn hạn chế, ở xã vùng cao phần nhiều chưa đọc thông viết thạo; công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền còn hạn chế, chưa phù hợp với các nhóm đối tượng như: nam giới, vị thành niên,  đồng bào dân tộc và các phong tục, tập quán, tư tưởng lạc hậu như: trọng nam, khinh nữ, tảo hôn.... còn nặng nề. Cơ cấu dân số trẻ, tiềm năng sinh đẻ lớn và có xu thế tăng hàng năm đang là nguyên nhân trực tiếp làm cho mức sinh tăng nhanh.

Để công tác dân số những năm tới và nhất là việc thực hiện Đề án phát triển dân số giai đoạn 2009 - 2012 phát huy hiệu quả thì tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách DS/KHHGĐ rất quan trọng, trước hết tập trung vào ngăn chặn tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách DS/KHHGĐ; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số theo các quy định của Đảng và Nhà nước; nhanh chóng kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã chậm nhất là hết quí II/2009 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 05/2008/TT-BYT của Bộ Y tế. Cấp tỉnh bố trí tối thiểu 20 biên chế; cấp huyện bố trí tối thiểu 6 biên chế/huyện (trong đó có 3 cán bộ chuyên môn y tế); cấp xã tập trung rà soát, bàn giao cán bộ dân số về trạm y tế chậm nhất hết quí I/2009; xây dựng đội ngũ cán bộ dân số cấp xã đạt chuẩn theo qui định, chậm nhất đến năm 2012.

Các địa phương thực hiện lồng ghép nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố kiêm cộng tác viên dân số và giải quyết chế độ thù lao hợp lý để tạo điều kiện cho đội ngũ này yên tâm công tác; đẩy mạnh công tác tuyên truyền DS/KHHGĐ, nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất là ở vùng cao, vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao; nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, thực hiện đa dạng các biện pháp tránh thai, chú trọng cung cấp dịch vụ cho vùng cao, vùng khó khăn, nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên; xây dựng các mô hình nâng cao chất lượng dân số; huy động đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn, đảm bảo mức đầu tư cho công tác dân số; tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội và các thành phần kinh tế để công tác  DS/KHHGĐ ngày càng được xã hội hoá cao hơn; nâng cao chất lượng thu thập thông tin báo cáo, giúp cho công tác quản lý DS/KHHGĐ của các cấp, nhất là việc cập nhật các thông tin về tình hình sinh, sinh con thứ ba trở lên… để có biện pháp xử lý kịp thời.             

Trần Ngọc

Các tin khác

YBĐT - Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh huyện Văn Yên và cơ sở hội tại địa phương có tù tha đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vận động bà con lối xóm cho các đối tượng vay gần 50 triệu đồng, 300 con giống, hàng ngàn cây giống để phát triển kinh tế gia đình.

Tiết học Tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Xuân Long (Yên Bình).

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhân thức, phát triển, duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức các cơ sở Hội nên công tác khuyến học trên địa bàn tiếp tục được phát triển rộng khắp.

Lớp học của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Âu Lạc.

YBĐT - Trường Cao đẳng nghề Âu Lạc được thành lập theo Quyết định số 939/QĐ - Bộ Lao động TB&XH, ngày 28 tháng 7 năm 2008 và trực thuộc Công ty cổ phần Đào tạo Đồng Tâm. Đây là loại hình trường cao đẳng nghề tư thục chịu sự quản lý của Nhà nước của Bộ Lao động - TB&XH và chịu sự quản lý trên địa bàn của UBND tỉnh Yên Bái.

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các sở GD-ĐT yêu cầu tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các môn học cấp THCS và THPTTheo đó, từ năm học 2009-2010, các sở phải triển khai tích hợp nội dung bảo vệ môi trường đến tất cả các trường, đối với cấp THCS là ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, vật lý, sinh học, công nghệ; đối với cấp THPT là ngữ văn, địa lý, giáo dục công dân, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục