Mù Cang Chải: Đóng góp tích cực của các già làng, trưởng dòng họ
- Cập nhật: Thứ năm, 21/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hiện nay, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 13 xã, 1 thị trấn với tổng dân số trên 48 ngàn người, trong đó dân tộc Mông chiếm 90%, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và một số dân tộc ít người khác.
Trong những năm qua, nhờ có một phần không nhỏ công sức của 289 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, huyện đã thực hiện thành công và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc xóa đói giảm nghèo. Bốn năm qua, lực lượng này đã vận động nhân dân tích cực lao động, sản xuất, thâm canh, tăng vụ. Nếu năm 2005, diện tích cây nông nghiệp là 5.839 ha thì đến năm 2008 là 7.839,6 ha, trong đó có 350 ha ruộng bậc thang mới được khai hoang; sản lượng lương thực đạt khoảng 17.254 tấn, tăng gần 3.554 tấn so với năm 2005; bình quân lương thực tăng từ 275 kg/người/năm 2005 đến năm 2008 đạt mức 350 kg/người.
Trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện nhiều già làng, trưởng dòng họ tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực thâm canh, tăng vụ và khai hoang mới ruộng lúa nước. Đó là các ông: Giàng A Hua, Giàng A Hừ ở xã Hồ Bốn; Giàng A Chinh, Lờ A Páo ở xã Lao Chải; Sùng Vảng Dơ, Giàng Nhà Phay ở xã Chế Tạo; Hờ Nhà Di ở xã Chế Cu Nha; Thào Nủ Lâu ở xã Nậm Khắt…
Các già làng cũng tích cực vận động con cháu tận dụng diện tích đất đồi để chăn thả và trồng cỏ voi, tích trữ rơm rạ; làm chuồng trại cách xa nhà ở nhưng kín đáo trong mùa đông, thoáng mát trong mùa hè. Nhờ đó, Mù Cang Chải không những giữ tốt giống các loại gia súc, gia cầm qua các giai đoạn thời tiết khắt nghiệt mà còn phát triển liên tục.
Ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Tạo, nhiều hộ có đàn gia súc từ 20 đến 40 con. Đi đầu trong phong trào này là các gia đình ông: Hảng Cáng Dơ ở xã La Pán Tẩn, Sùng A Lu ở xã Lao Chải, Giàng Nủ Lâu ở xã Nậm Khắt, Sùng A Tàng ở xã Nậm Có…
Các già làng, trưởng họ còn vận động nhân dân bảo vệ rừng tốt và tích cực trồng rừng. Ông Hoàng Văn Hào ở bản Có Thái, xã Nậm Có cho biết: "Theo tôi nghĩ thì rừng có tác dụng tốt đối với sự sống vạn vật và con người nên tôi đã vận động nhân dân trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn". Hai năm qua, thực hiện cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", người đứng đầu của các dòng họ Sùng, Thào, Giàng, Hờ và Khang ở Nậm Khắt, Púng Luông, Khao Mang, Lao Chải đã ký cam kết với cấp ủy, chính quyền xã về nội dung: tích cực vận động con cháu đi học đều đặn, không phá rừng bừa bãi, không trồng cây thuốc phiện, tham gia sản xuất vụ đông xuân đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, các già làng, trưởng dòng họ tích cực vận động con cháu mở đường giao thông nông thôn. Những năm gần đây, nhân dân huyện Mù Cang Chải đã đóng góp hàng vạn ngày công, mở 400 km đường giao thông nông thôn, bảo đảm cho xe máy đi lại thuận tiện. Điển hình là ông Sùng Gà Lềnh, Giàng Nhà Phay ở bản Chế Tạo, xã Chế Tạo; ông Sùng A Lu ở xã Lao Chải và đặc biệt, ông Chang Cáng Dơ ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có đã vận động nhân dân sửa chữa và mở mới tuyến đường dài 15 km từ trung tâm xã vào 2 bản vùng sâu là Lùng Cúng, Phình Ngài.
Công tác giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa cũng được các già làng, trưởng dòng họ đặc biệt quan tâm. Sau 4 năm làm tốt công tác tuyên truyền, các già làng, trưởng dòng họ đã vận động học sinh, học viên các cấp đến trường, lớp học từ 10.750 em (năm học 2005 - 2006) tăng lên 13.800 em (năm học 2008 - 2009). Ông Giàng Sáy Sinh - nguyên Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Mong muốn của lớp già chúng tôi là tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức hơn nữa cho thế hệ trẻ về tác hại của nạn ma túy và nạn tảo hôn sẽ ảnh hưởng đến nòi giống".
Với sự tương trợ, giúp đỡ nhau, vừa qua, nhân dân Mù Cang Chải tích cực tham gia cuộc vận động xóa nhà dột nát, hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo. Không những thế, các già làng, trưởng dòng họ rất tích cực xây dựng đời sống văn hóa, ăn ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường. Đến nay, có 2.153 hộ của các xã Dế Xu Phình, Lao Chải, Chế Cu Nha, Chế Tạo, Nậm Có và Hồ Bốn có nguồn nước sạch sinh hoạt. Sau 4 năm tuyên truyền, vận động và xây dựng, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Số thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa tăng 13 bản so với năm 2005; số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liền tăng 260 hộ.
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện ở mức 78,5% năm 2005 đã giảm xuống còn 54,2% vào năm 2008. Tình trạng tảo hôn và sinh con vỡ kế hoạch giảm đáng kể. Tình trạng di cư tự do, tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán phụ nữ qua biên giới được hạn chế. Các già làng, trưởng dòng họ đã giúp đỡ các cơ quan phát hiện, hòa giải các vụ khiếu kiện, khiếu nại và tố cáo, giữ ổn định an ninh trật tự xã hội tại cơ sở.
Năm 2009, các già làng, trưởng dòng họ huyện Mù Cang Chải tiếp tục ký cam kết thực hiện tốt quy ước để xây dựng quê hương phát triển mạnh giàu.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc.
YBĐT - Nhóm tuổi vị thành niên và thanh niên (VTN-TN) ở Yên Bái nhiệt tình, năng động, ham học hỏi, có nhiều ước mơ hoài bão, là nguồn lực quan trọng cho xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng, đây cũng là nhóm dễ bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường và lây nhiễm các bệnh có liên quan đến lối sống.
YBĐT - Là một trong những địa phương có nguy cơ cao về tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục tại cộng đồng, tỉnh Yên Bái đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu tình trạng này với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp các ngành.
YBĐT - Sống ngay trong cụm dân cư, nhân viên y tế thôn, bản (NVYTTB) có chức năng, nhiệm vụ quan trọng; là điểm tiếp xúc, cầu nối giữa trạm y tế với nhân dân; là cánh tay nối dài của ngành y tế nằm trong màng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân tại tuyến cơ sở chịu sự quản lý, chỉ đạo của trạm y tế. Nhưng hiện nay ở Yên Bái, đội ngũ này đang rất thiếu và yếu.