Kiên cố hoá trường, lớp học vì sao chậm?

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2008, tỉnh Yên Bái được Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng là 1.765 phòng học và 73.320 m2 nhà công vụ cho giáo viên. Sau gần một năm triển khai thực hiện đề án, đến nay vẫn còn một số công trình thuộc kế hoạch của năm 2008 do UBND một số huyện, thị và Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) làm chủ đầu tư vẫn chưa thể khởi công xây dựng.

Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng số 2 Yên Bái, thi công xây dựng Trường THCS Âu Lâu (T.P Yên Bái).
Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng số 2 Yên Bái, thi công xây dựng Trường THCS Âu Lâu (T.P Yên Bái).

Năm 2008, tỉnh Yên Bái được Chính phủ phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ để thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên của tỉnh là 78 tỷ đồng. Để thực hiện đề án này, ngày 12/5/2008, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 730/QĐ- UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008- 2012 tỉnh Yên Bái. Sau đó, các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai thực hiện kế hoạch năm 2008 và cả giai đoạn 2008- 2012. Theo kế hoạch, năm 2008 toàn tỉnh xây dựng mới 489 phòng học và 363 phòng công vụ giáo viên tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Tính đến ngày 15/4/2009, toàn tỉnh mới khởi công xây dựng được 324 phòng học, trong đó có 85 phòng đã hoàn thành; đang xây dựng 251, còn 153 phòng dự kiến sẽ khởi công xây dựng trước tháng 6/2009. Các công trình nhà công vụ  cho giáo viên mới khởi công xây dựng được 164/363 phòng, trong đó đã hoàn thành 16 phòng; đang xây dựng 148 phòng, còn 199 phòng dự kiến sẽ khởi công trước tháng 6/2009. Về tiến độ giải ngân, tính đến ngày 15/5/2009, toàn tỉnh mới giải ngân được trên 55 tỷ đồng, đạt 70,56% kế hoạch năm 2008.

Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do tiến độ thi công các công trình của các nhà thầu chậm nên không thể giải ngân nhanh được. Một nguyên nhân cơ bản nữa là do các chủ đầu tư chưa nhanh nhạy trong việc đấu thầu và chỉ thầu. Khi Chính phủ cho phép chỉ thầu một số công trình dưới 5 tỷ đồng, các chủ đầu tư lại loay hoay, chậm trễ trong việc lựa chọn các nhà thầu, vì vậy đến ngày 15/4/2009 toàn tỉnh vẫn còn tới 352 phòng học và nhà công vụ giáo viên thuộc kế hoạch năm 2008 vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Nguyên nhân khởi công chậm là do một số công trình phải điều chỉnh báo cáo kinh tế- kỹ thuật (BCKT- KT) do thay đổi mặt bằng; có công trình đã phê duyệt nhưng chưa bàn giao được mặt bằng… Vì thế, đến ngày 15/4/2009 vẫn còn 8 công  trình vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư  để khởi công xây dựng, trong đó có 5 công trình do Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Sang - Phó ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng trường học thuộc Sở GD-ĐT tỉnh giải thích: “Nguyên nhân một số công trình do Sở làm chủ đầu tư chưa khởi công được là do  phần lớn các công trình đều có mức đầu tư trên 1 tỷ đồng. Theo quy định trước đây phải đấu thầu, nhưng đến ngày 18/3/2009 mới có hướng dẫn của UBND tỉnh chuyển từ đấu thầu sang chỉ thầu đối với một số công trình có mức đầu tư dưới 5 tỷ nên việc lựa chọn các nhà thầu của chủ đầu tư chậm, dẫn đến việc hoàn thành các thủ tục đầu tư cũng bị chậm.

Một nguyên nhân nữa là do một số công trình phải điều chỉnh BCKT-KT do thay đổi mặt bằng như công trình Trường THCS Nghĩa Lộ 1 (thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ); công trình Trường THCS Nguyễn Du (thành phố Yên Bái), điều chỉnh đầu tư từ 10 phòng lên 15 phòng nên phải thiết kế lại hệ thống cứu hoả mới đảm bảo; hay công trình Trường Tiểu học Bình Thuận (Văn Chấn) tiến độ chậm là do tư vấn thiết kế phòng học trước khi có quyết định phê duyệt về quy mô nên phải thiết kế lại… Vì vậy, đến ngày 13/5/2009 vẫn còn 5 công trình do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư chưa được phê duyệt để khởi công xây dựng”. Ngoài những nguyên nhân trên, phải chăng còn một nguyên nhân khác nữa đó là do năng lực của Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng trường học của Sở GD-ĐT còn hạn chế? 

Sau gần một năm triển khai thực hiện Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008- 2012 của tỉnh, nhìn chung các chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, lựa chọn các nhà thầu có năng lực để thi công các công trình, bàn giao đưa vào sử dụng trong năm học 2009-2010.

Tuy nhiên so với các tỉnh trong khu vực thì tiến độ kiên cố hoá theo kế hoạch năm 2008 của Yên Bái vẫn chậm. Theo chỉ đạo của Chính phủ nếu địa phương nào không hoàn thành việc khởi công các công trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên thuộc kế hoạch năm 2008 trước ngày 30/6/2009, Chính phủ sẽ điều chuyển vốn cho những tỉnh làm tốt hơn.

Để thực hiện tốt kế hoạch kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên theo kế hoạch năm 2009 của tỉnh đã được Chính phủ phân bổ cũng như cả giai đoạn 2008- 2012, các ngành chức năng của tỉnh cần xem xét, điều chỉnh phân bổ các công trình cho các chủ đầu tư sao cho hợp lý, phù hợp với năng lực của chủ đầu tư. Phải khen thưởng những địa phương, đơn vị làm tốt, có biện pháp kiên quyết hơn trong việc chỉ đạo như điều chuyển vốn từ địa phương làm chậm sang địa phương làm tốt để đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch từng năm...

 Minh Hằng

Các tin khác
Ban công an xã Mồ Dề (Mù Cang Chải) tiến hành lập hồ sơ các đối tượng nghiện và buôn bán trái phép chất ma túy trên địa bàn.

YBĐT - Trước đây, người dân xã Mồ Dề (Mù Cang Chải - Yên Bái) từng gieo trồng tới trên 30 ha cây thuốc phiện, nhưng từ khi thực hiện chủ trương của Đảng - Nhà nước về việc xoá bỏ cây thuốc phiện, xã đã tích cực tuyên truyền vận động toàn dân không trồng, không sử dụng và không tàng trữ chất ma túy. Tuy nhiên, hiện nay nạn nghiện hút lại đang gia tăng trên địa bàn.

Điều trị cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Tích Cốc (Yên Bình).

YBĐT - Các trạm y tế xã, phường là nơi gần dân nhất và liên quan trực tiếp tới công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, lực lượng cán bộ cũng đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.

YBĐT - Hiện nay, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 13 xã, 1 thị trấn với tổng dân số trên 48 ngàn người, trong đó dân tộc Mông chiếm 90%, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và một số dân tộc ít người khác.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục