Trấn Yên: Gia cố đê điều, di rời dân ra khỏi vùng nguy hiểm
- Cập nhật: Thứ năm, 18/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Công tác phòng chống lũ bão – giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) của huyện Trấn Yên (Yên Bái) được đánh giá là chủ động hơn trước. Hiện huyện đã gia cố xong đê Phú Thọ (Việt Thành), đê Bà Tiến (Cổ Phúc). 6 tuyến đê trên địa bàn đã hàn thổ xong. Huyện cũng kiểm tra các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn, trong đó tập trung kiểm tra việc vận hành và tiêu thoát nước.
Lải tràn của hồ Nam Cường do thiết kế không phù hợp nên khi mưa to, lượng nước lớn không thoát kịp, gây ngập úng trên diện rộng. (Ảnh: Đức Thành)
|
“Trấn Yên đã kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình thủy lợi theo chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh. Việc gia cố đê điều, hồ chứa tới nay cơ bản thực hiện xong, bảo đảm chịu được bão cấp 2, cấp 3” - bà Nguyễn Thị Huấn, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện Trấn Yên cho biết.
Riêng hồ Chóp Dù, việc tiêu thoát nước khi có mưa lũ lớn khó khăn. Những trận mưa to trong tháng 4 và tháng 5.2009 đã gây ngập úng nhiều diện tích ruộng và đường ở xã Cường Thịnh. Có hai nguyên nhân chủ yếu: dòng chảy phía thượng nguồn bị co hẹp, do vậy khi lượng mưa quá lớn không tiêu thoát kịp; hồ Nam Cường (thành phố Yên Bái) không thể tiêu nước sau khi Hợp tác xã 20-1 (Nam Cường) xây đập để nuôi thả cá.
Trong đó, nguyên nhân chính là việc xây đập của Hợp tác xã 20-1 do thiết kế không phù hợp đã không bảo đảm tiêu thoát nước khi có mưa to. Con đập đất dài 30 m, chân đập 3m, mái đập 1,5 m nhưng tràn xả lũ chỉ rộng 2,5 m là bất hợp lý, không có khả năng xả tràn khi mua to, lũ về.
Những bất hợp lý này, ông Võ Thiện Cảm – Chủ tịch UBND xã Nam Cường đồng ý là có cơ sở và ông cam kết sẽ chỉ đạo mở rộng lải tràn trong thời gian nhanh nhất. Úng ngập và những thiệt hại là có thể xảy ra nếu như UBND xã Nam Cường, UBND thành phố Yên Bái không chỉ đạo khắc phục nhanh những bất hợp lý nêu trên.
Bà Nguyễn Thị Huấn - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên: “Chúng tôi đổi mới cơ chế điều hành. Ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện là trung tâm chỉ huy khi có tình huống, đề phòng bị chia cắt khi lũ cấp 2, cấp 3, năm nay Trấn Yên đặt thêm hai điểm điều hành ở Y Can và Đào Thịnh. Chúng tôi phối hợp với cơ quan Z183 và Trung đoàn 931 chuẩn bị ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Về phương tiện, ngoài phương tiện thường trực trong nhân dân, của cơ quan công an và quân sự, huyện đã trang bị thêm phương tiện cho Ban chỉ huy để chủ động kiểm tra, điều hành”.
Thực hiện Công văn 21/CCHTX đầu tháng 4.2009 của Chi cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn, Ban chỉ huy PCLB-GNTT Trấn Yên đã chỉ đạo rà soát các điểm dân cư vùng nguy cơ cao do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. “Huyện đã rà soát xong, xác định 154 hộ nằm trong diện này và đã có dự kiến bố trí dân cư cũng như nhu cầu kinh phí của dự án. Chúng tôi cần gần 8,2 tỷ đồng để thực hiện công việc này” – bà Nguyễn Thị Huấn cho biết thêm. Tuy nhiên, khâu duyệt dự án của cấp ngành chức năng với các địa phương nói chung, trong đó có Trấn Yên còn chậm. Riêng Trấn Yên, 4 dự án lập trong năm 2008 hiện vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, do vậy rất khó khăn về nguồn lực để triển khai.
Chủ động của địa phương là tăng cường kiểm tra để xử lý khi có tình huống xảy ra. Các xã, thị trấn chủ động vận động nhân dân ở nơi nguy cơ cao di rời khi có mưa bão.
Theo tính toán, trong 154 hộ diện di rời năm 2009 ở các xã: Hưng Thịnh, Y Can, Báo Đáp, Minh Quân, Minh Tiến, Lương Thịnh, Quy Mông và thị trấn Cổ Phúc, huyện sẽ bố trí dân cư tập trung cho 123 hộ, số còn lại bố trí xen ghép. Cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng 1,61 km đường giao thông, 1,61 km đường điện và san gạt trên 105.250 m3 đất tạo mặt bằng cho các hộ trong diện di rời.
T.A - Đ.T
Các tin khác
YBĐT - Năm 2008 cũng như những tháng đầu năm 2009, Yên Bái tích cực đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Nhưng hết quí I/2009, qua thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, HIV/AIDS có ở 9/9 huyện thị, thành phố, 138/180 xã phường.
YBĐT - Những năm vừa qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở xã Bình Thuận (Văn Chấn - Yên Bái) chưa thực sự được quan tâm. Mặc dù địa phương đã xây dựng được Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2006 – 2010, song việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả, bởi sự phối hợp giữa cấp uỷ, chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ.
Ngày 16/6, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo thông tư quy định về đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. Theo đó, nữ sinh có thể sử dụng đồng phục áo dài hoặc áo váy, nhưng váy phải trùm qua gối, không được quá ngắn. Còn chọn áo dài thì chỉ thực hiện đối với nữ sinh từ bậc THPT. Đồng thời, cả nam sinh và nữ sinh không được phép dùng dép lê...
Trước ngày 25/6 tới, các Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh.