Thanh tra về tiêu chuẩn, chất lượng mũ bảo hiểm
- Cập nhật: Thứ năm, 9/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Qua kiểm tra tại 14 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) trên các huyện, thị xã , thành phố của tỉnh cho thấy, Yên Bái không có cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm mà chỉ có các cửa hàng kinh doanh MBH được sản xuất từ các tỉnh bạn nhập về và nguồn mũ nhập khẩu qua biên giới. Nhìn chung, nhiều hộ kinh doanh đã thực hiện buôn bán mũ đạt chất lượng theo danh sách do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng như các loại nhãn hiệu: HONĐA, AMORO, AZURA, PROTEC, VIMAX, ANDES...
Tuy nhiên, vẫn còn có hộ kinh doanh các loại MBH giả mạo nhãn hiệu HONDA đã được bảo hộ; mũ vi phạm về nhãn hàng hoá không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo quy định. Ngoài ra, đoàn còn phát hiện các loại loại mũ bảo hiểm không có nguồn gốc rõ ràng và không có tem chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo quy định như các loại mũ mang nhãn hiệu AMALO; SUZUKI; MBH thời trang… Đoàn thanh tra nhắc nhở các cơ sở kinh doanh thực hiện tốt các quy định về kinh doanh hàng hoá phải công bố chất lượng, sản phẩm có xuất xứ hàng hoá rõ ràng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thanh tra tại 14 hộ kinh doanh, trong đó có 11/14 hộ kinh doanh vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 8.500.000 đồng. Tịch thu 183 MBH, trong đó, 42 MBH mang nhãn hiệu HONDA giả mạo nhãn hiệu HON DA đang được bảo hộ, đã vi phạm Nghị định 106/2006/NĐ-CP, ngày 22/9/2006 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp; 45 mũ bảo hiểm mang nhãn hiệu AMALO cùng 18 MBH thời trang nhập lậu do Trung Quốc sản xuất, 2 loại mũ này không tem nhãn, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và khai nhận (nhập hàng trôi nổi do Trung Quốc sản xuất) hành vi này đã vi phạm Nghị định 06/2008/NĐ-CP, ngày 16/1/2008 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại; có 38 MBH vi phạm về nhãn hàng hoá, không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá; Nghị định 06/2008/NĐ-CP, ngày 16/1/2008 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại; xử phạt 40 mũ bảo hiểm vi phạm không niêm yết giá theo quy định vi phạm Nghị định 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.
Ngoài ra, Đoàn thanh tra còn xử phạt vi phạm hành chính 38 MBH mang nhãn hiệu Osakar vi phạm về ghi nhãn hàng hoá, đồng thời tạm đình chỉ số mũ vi phạm này và yêu cầu cơ sở hoàn tất các thủ tục về ghi nhãn mới được đưa vào lưu thông. Ngoài các hành vi vi phạm nêu trên, đoàn thanh tra còn phát hiện một số cơ sở kinh doanh vi phạm về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không đúng ngành nghề, không niêm yết giá theo quy định. Tất cả các hành vi vi phạm đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh. Đồng thời, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và 105 MBH vi phạm cho các đội quản lý thị trường sở tại xử lý theo quy định của pháp luật.
Do nhận thức của người tiêu dùng chưa đúng, một số vẫn chưa có ý thức trong việc đội MBH để bảo vệ cho sự an toàn cho bản thân mà chỉ đội mũ mang tính chất đối phó lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường, dẫn đến việc tìm mua các loại mũ rẻ tiền, kém chất lượng vô tình tiếp tay cho các hộ kinh doanh vi phạm pháp luật và vô tình coi nhẹ giá trị tính mạng của bản thân mình. Vì vậy, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn và chất lượng MBH dùng cho người đi mô tô, xe máy đã được các ngành chức năng quan tâm và thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Qua đợt thanh tra này, Đoàn thanh tra có một số kiến nghị đó là: Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần thường xuyên phối hợp và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ về tai nạn giao thông do việc dùng MBH không đảm bảo chất lượng gây ra. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32/2007/NQ- CP, ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ, các ngành chức năng cần xác định đây là việc làm thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với các cơ sở kinh doanh: cần thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm hàng hoá phải có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đặc biệt đối với những sản phẩm nằm trong danh mục phải “Công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn”. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, kiến nghị của đoàn thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền.
Đối với người tiêu dùng, thông qua việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về tai nạn giao thông có thể xảy ra, bảo vệ chính mình và những người cùng tham gia giao thông.
Nguyễn Thanh Sơn
Các tin khác
Ngày 8-7, ông Dương Quốc Trọng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, cho biết đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” sẽ thực hiện từ nay đến hết năm 2010 tại 852 xã thuộc 10 tỉnh có tỉ số chênh lệch giới tính khi sinh cao, với kinh phí 7 tỉ đồngMười tỉnh nêu trên gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai và Bạc Liêu.
YBĐT - Chỉ có 3 cán bộ nhưng khối lượng công việc thì không hề nhỏ. Ngoài việc tham mưu cho huyện xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) của cán bộ Phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải quả là bước đường gian khó.
YBĐT - Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc tổ chức cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, nhằm giáo dục toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, năm học 2009- 2010, Phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái đã dự kiến kế hoạch chỉ đạo các trường tiểu học trong tỉnh dạy học 2 buổi/ngày theo 4 mô hình phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương để các trường tiểu học vận dụng vào dạy học 2 buổi/ngày.
YBĐT - Ấn tượng đầu tiên mà tôi gặp chị đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành, phúc hậu nhưng toát lên vẻ nghị lực. Điều mà ít người biết ấy là suốt 16 năm qua chị đã cần mẫn làm cái công việc mà người đời thường gọi “vác tù và hàng tổng”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đem đến hạnh phúc cho không ít gia đình. Chị là Lê Thị Đắc, cán bộ chuyên trách công tác dân số xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.