Viết tiếp bản hùng ca trên đèo Khau Phạ

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 1909, thực dân Pháp thành lập Châu Than Uyên bao gồm cả huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) ngày nay. Với chính sách bóc lột và sưu cao thuế nặng, thực dân Pháp đã làm cho đời sống của người Mông Mù Cang Chải cũng như cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc bị đẩy đến cùng cực. Các phong trào chống Pháp của nhân dân Yên Bái theo ngọn cờ của Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, phong trào Cần Vương... xây dựng các căn cứ kháng chiến ở Đại Lịch, Mường Lò, Mường Cơi, Thu Cúc, ngăn cản quân địch chiếm Văn Chấn liên tục nổ ra.

Các già làng, trưởng bản của 14 xã, thị trấn huyện Mù Cang Chải được trao giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh vùng cao.
Các già làng, trưởng bản của 14 xã, thị trấn huyện Mù Cang Chải được trao giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh vùng cao.

Điển hình là những trận đánh lịch sử diễn ra ở Đèo Gỗ (Đại Lịch), Khe Thắc trên Đèo Ách đã đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước của người dân Yên Bái cuối thế kỷ 19. Cùng với phong trào Cần Vương thời kỳ này còn có cuộc khởi nghĩa của người Mông, người Dao do hai thủ lĩnh dân tộc là Đặng Phúc Thành và Giàng Nủ Lâu ở vùng thượng Châu Văn Chấn (nay là huyện Mù Cang Chải) tổ chức nhân dân đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Nhiều trận đánh của nghĩa quân các dân tộc đã giành được thắng lợi lớn như ở Tú Lệ, ngày 25/5/1892. Thủ lĩnh Giàng Nủ Lâu đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ở Púng Luông.  Sau cái chết anh dũng của thủ lĩnh người Mông Giàng Nủ Lâu là sự ra đời và trưởng thành của đội du kích Cao Phạ. Đây là đội du kích ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thành lập vào tháng 10/1946 để củng cố chính quyền cách mạng ở vùng cao.

Ngày đầu thành lập, đội chỉ có 7 đội viên, do ông Giàng Khua Kỷ là người dân tộc Mông, trước làm thống lý nhưng được cách mạng giác ngộ đã tham gia Ban chỉ huy đội du kích Cao Phạ cùng các đội viên: Lý Nủ Chu, Giàng Sống Tu, Giàng Sống Của. Mặc dù trang bị vũ khí của đội chủ yếu là súng kíp và các loại vũ khí thô sơ khác như: dao nhọn, mác, nỏ... nhưng đội đã nhanh chóng tập luyện quân sự để sẵn sàng đối phó với địch. Vừa tham gia luyện tập, 7 người trong đội đã nhanh chóng tuyên truyền, vận động thanh niên dân tộc Mông vào đội du kích theo cách mạng đánh Pháp.

Chỉ sau vài tháng tập luyện, quân số của đội đã tăng từ 7 lên 30 đội viên và sau này lên tới 200 đội viên đều là các nam, nữ chiến sĩ người dân tộc Mông của các xã trong huyện Mù Cang Chải. Với nhiệm vụ chủ yếu là chốt chặn con đường đèo Khau Phạ có chiều dài 20km chạy dọc địa phận xã Cao Phạ nối liền Nậm Khắt, xã Ít Ong (Sơn La) với các xã Tú Lệ, Gia Hội và thị xã Nghĩa Lộ. Ở địa thế hiểm trở, một bên vách núi, bên kia là vực sâu, bằng tinh thần chiến đấu gan dạ, thông minh, đội du kích trên đèo Khau Phạ đã tổ chức được nhiều trận đánh địch, lập nhiều chiến công vang dội, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch làm cho giặc Pháp kinh hoàng. Giặc Pháp đã tìm mọi thủ đoạn bao vây hòng tiêu diệt lực lượng du kích Cao Phạ.

Tháng 11/1947, Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức nhiều đội công tác và đội vũ trang tuyên truyền đi về các vùng địch tạm chiếm hoạt động và xây dựng cơ sở, phát động phong trào quần chúng đấu tranh chống Pháp. Một đơn vị do đồng chí Kim Sơn - Đại đội trưởng đại đội 520, thuộc quân chủ lực Trung ương đến huyện Mù Cang Chải, củng cố lực lượng của đội du kích Cao Phạ và phối hợp đánh chiếm đồn Tú Lệ năm 1948, tiêu diệt nhiều quân địch và thu về các chiến lợi phẩm.

Sau trận thắng đó, đội du kích Cao Phạ được trang bị thêm 50 khẩu súng các loại, lực lượng du kích cũng được củng cố vững chắc, tinh thần chiến đấu của cả đội lên rất cao và trở thành lực lượng nòng cốt của các đơn vị du kích trong huyện như: Lao Chải, Chế Tạo. Dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở, đội du kích Cao Phạ luôn bám đất, bám dân, phối hợp cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các đội du kích trong huyện anh dũng đánh giặc, lập nhiều chiến công xuất sắc. Điển hình là chiến dịch Lý Thường Kiệt năm 1951, 1952, đã tiêu diệt và phá vỡ kế hoạch càn quét của địch, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động của khu du kích sang các xã bạn.

Ngày 18/10/1952, quân Pháp nhảy dù xuống Tú Lệ nhằm ứng cứu cho Nghĩa Lộ bị thất thủ, đội du kích Cao Phạ đã phối hợp với bộ đội chủ lực của ta chốt chặn và chiến đấu quyết liệt với quân địch ở đèo Khau Phạ, góp phần cùng quân và dân tỉnh Yên Bái làm nên chiến thắng Tây Bắc tháng 10/1952. Thời kỳ tiễu phỉ năm 1953, 1954, đội du kích Cao Phạ còn phối hợp tốt với bộ đội tiêu diệt, gọi hàng nhiều thổ phỉ, giữ vững chính quyền cách mạng, củng cố vững chắc hậu phương, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quét sạch quân Pháp ra khỏi miền Bắc. Trong trận chiến đấu cuối cùng ấy, người đội trưởng Giàng Khua Kỷ đã anh dũng hy sinh.

Với 41 trận chiến đấu, trong đó có 16 trận chiến đấu độc lập, 25 trận  đánh phối hợp với bộ đội chủ lực, đội du kích Cao Phạ đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 125 tên địch, thu 150 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng khác của quân địch. Riêng người chỉ huy đội du kích anh hùng này là đồng chí Lý Nủ Chu đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Nhân dân xã Cao Phạ cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp. Hôm nay, bằng hàng loạt tấm gương làm kinh tế giỏi, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nơi cửa ngõ của huyện vùng cao xa xôi và nhiều khó khăn nhất tỉnh, đồng bào dân tộc Mông của xã đã và đang viết tiếp bản hùng ca trên đèo Khau Phạ  anh hùng.

P.V

Các tin khác

YBĐT - Năm 2009, 18 xã của huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tiến hành xây dựng địa bàn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội. Đợt một, Văn Yên tập trung xây dựng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa phương có nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội cao.

Em Đặng Vũ Hoài Linh - học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Yên Bái) đoạt giải nhất cuộc thi.

YBĐT - Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật và kiến thức về bảo vệ trẻ em” năm 2009 được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên Báo Yên Bái có kết hợp thi trực tiếp tại một số trường học, một số xã đã tiến hành được 2 đợt vào tháng 4 và tháng 6/2009. Những kết quả bước đầu cũng như hạn chế đã được Ban tổ chức đánh sâu sắc để triển khai hiệu quả hơn trong các đợt thi tiếp theo.

YBĐT - Những năm qua, hoạt động của Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào như: “Thi đua học tập, sáng tạo tiến quân vào khoa học, kỹ thuật và công nghệ”; “Giúp nhau lập nghiệp, làm giàu chính đáng”; “Vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc”; “Thanh niên tham gia xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đặc biệt là phong trào “Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân.

YBĐT - Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Ái (Văn Yên - Yên Bái) đã phát huy tốt vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, động viên nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục