Công an xã Minh Tiến: Cam go trong mùa cá vật đẻ
- Cập nhật: Thứ hai, 10/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Điều đáng lo ngại nhất lại xảy ra, hàng chục chiếc kích điện bằng máy nổ cỡ lớn, chưa kể rất nhiều kích tay, mìn, lưới vét... thi nhau vào cuộc để vơ vét cạn kiệt nguồn thủy sản của hồ Thác. Đó cũng chính là lúc mà công tác bảo vệ thủy sản của Công an xã Minh Tiến tại bãi cá đẻ trở nên quyết liệt hơn bất cứ khi nào.
Vào độ từ tháng 6 - 8 hàng năm, khi những cơn lũ đổ về, nước tràn ngập cánh đồng nằm giữa 2 thôn Làng Mang và Làng Ven thuộc xã Minh Tiến (Lục Yên). Khi đó, các loài cá sống trên hồ Thác Bà bắt đầu qui tụ về đây để vật đẻ và người dân khắp nơi đổ về thỏa sức đánh bắt cá nhằm cải thiện cuộc sống. Điều đáng lo ngại nhất lại xảy ra, hàng chục chiếc kích điện bằng máy nổ cỡ lớn, chưa kể rất nhiều kích tay, mìn, lưới vét... thi nhau vào cuộc để vơ vét cạn kiệt nguồn thủy sản của hồ Thác. Đó cũng chính là lúc mà công tác bảo vệ thủy sản của Công an xã Minh Tiến tại bãi cá đẻ trở nên quyết liệt hơn bất cứ khi nào.
Với vị trí là thượng nguồn của hồ Thác Bà - một dòng sông hiền hòa chảy qua chia cắt xã thành 2 miền riêng biệt: Đông hồ (Minh Tiến II), Tây hồ (Minh Tiến I). Dọc theo con sông là hai dải cánh đồng rộng 500 ha, có độ dốc thoai thoải. Hàng năm, hồ Thác dâng nước 7 - 8 tháng làm ngập toàn bộ 500 ha. Thời gian còn lại, nước hồ rút và cánh đồng được trả lại tự nhiên, là vựa lúa lớn nhất của toàn huyện Lục Yên. Đây cũng là điều kiện cho các thảm thực vật sinh sôi và phát triển, đem lại cho xã Minh Tiến có một bãi cá đẻ lớn nhất trên hồ Thác. Đồng thời là nơi đảm bảo cho sự sinh sôi và phát triển của các loài cá trên hồ.
Năm 2002, Trung tâm Thủy sản Yên Bái giao quyền quản lý vùng cá vật đẻ cho chính quyền xã Minh Tiến. Năm 2007, xã tiếp tục giao trọng trách cụ thể cho lực lượng công an xã trong khoảng thời gian từ 20/6 – 30/8 hàng năm. Bãi cá đẻ với tổng diện tích 150 ha, nhưng lực lượng chỉ có 15 đồng chí, hơn nữa lại không có thuyền. Trong khi đó, dân đánh bắt thủy sản trái phép toàn bộ đi bằng thuyền và phần lớn chạy bằng thuyền máy. “Tay không bắt giặc” nên công tác bảo vệ gặp vô vàn khó khăn.
Để đảm bảo làm tốt công tác của mình, bảo vệ cho lợi ích lâu bền của người dân, vào thời điểm cá vật đẻ, công an xã đã phải huy động tối đa lực lượng. Dù mưa tầm tã, ngày đêm, ngâm mình trong nước với cái rét căm căm nhưng họ vẫn cắt cử người canh gác và ban ngày 2 người, còn ban đêm 6 người, trực đảm bảo 24/24 trong suốt thời gian cá vật đẻ.
Không chỉ là khó khăn về thời tiết, về sự thiếu thốn phương tiện mà họ còn luôn gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ người dân. Nhiều người dân coi đó là sự xúc phạm, là sự động chạm đến miếng ăn của họ, nên chưa bao giờ công tác bảo vệ bãi cá được người dân ủng hộ. Khó khăn là vậy, nhưng Công an xã Minh Tiến vẫn cứ âm thầm chịu đựng, cống hiến hết sức mình. Trong năm 2008 vừa qua, Công an xã đã tham gia bắt và xử lý 3 vụ gồm: 1 bộ lưới úp, 2 bộ kích tay, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 3 triệu đồng.
Nhờ sự quyết liệt của lực lượng công an xã mà tình trạng kích điện, nổ mìn, kéo lướt vét trong mùa cá vật đẻ những năm qua đã được hạn chế tối đa. Đặc biệt, từ năm 2007 tình trạng nổ mìn đã chấm dứt hẳn. Ông Hoàng Văn Thi - Trưởng ban Công an xã cho biết: “Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, phương tiện không có, kinh phí thấp, nhưng vì lợi ích lâu dài của nhân dân nên anh em chúng tôi quyết bảo vệ cho được nguồn lợi thủy sản, đảm bảo cho cá vật đẻ tự nhiên. Chúng tôi kiên quyết xử lý mọi hành vi đánh bắt trái phép như: kích điện, nổ mìn, kéo lưới vét...”.
Ông Nguyễn Kim Thạch - Bí thư Đảng ủy xã Minh Tiến lên tiếng kêu gọi: “Nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà là rất phong phú, đem lại nguồn thu rất lớn cho nhân dân. Tôi mong rằng, nhân dân tham gia đánh bắt cá phải tôn trọng luật pháp, bảo vệ lợi ích lâu dài cho chính chúng ta”.
Rõ ràng đánh bắt cá bằng kích điện, nổ mìn, kéo lưới vét... là những hình thức khai thác hủy diệt. Nếu đánh bắt bằng chài lưới thông thường thì nhiều lắm cũng chỉ được yến cá, nhưng chỉ cần một thuyền kích điện trong một đêm có thể bắt cả tạ cá to, hay chỉ cần nổ một quả mìn cũng có cả vài yến cá lớn nhỏ. Thực trạng trên đã làm cho nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà những năm gần đây song giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân đánh bắt thủy sản hợp pháp. Anh Triệu Văn Trường - một người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá than thở: “Trước đây chưa có kích điện cá rất nhiều, Riêng tôi đi đánh lưới có thể nuôi được cả gia đình, nhưng nay đã đến mùa cá vật đẻ mà tôi đi kiếm bữa cá ăn còn thấy khó!”.
Đánh bắt thủy sản để phục vụ cho cuộc sống là việc làm chính đáng, nên chăng ta phải có một phương thức đánh bắt hợp lý, thủy sản là nguồn lợi có hạn, chúng chỉ tồn tại và phát triển khi nằm trong sự bảo vệ của con người. Hãy chấm dứt các biện pháp đánh bắt kiểu hủy diệt! Đó là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích lâu bền của người dân.
Triệu Huấn
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền các quy định về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ nhưng từ năm 2008 đến nay, tại tỉnh Yên Bái vẫn xảy ra 53 vụ tai nạn lao động, trong đó có 29 vụ tai nạn rủi ro và 22 vụ tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động.
Chiều 9-8, Bộ Y tế thông báo cho biết, trong ngày đã ghi nhận thêm 43 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, (miền Nam 27 ca, miền Bắc 8 ca, miền Trung 2 ca, Tây Nguyên 6 ca), nâng tổng số trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 ở Việt Nam lên 1.158 người, 1 ca tử vong.
YBĐT – Ngày 9/8, Sở Y tế tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên đã phối hợp tổ chức diễn tập phòng, chống cúm A (H1N1) tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Dự và chỉ đạo buổi diễn tập có Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; lãnh đạo các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang... lãnh đạo huyện Trấn Yên, nhân dân xã Nga Quán được huy động tham gia diễn tập.
Đêm 7/8, sau khi suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vịnh Bắc Bộ, bão số 6 bất ngờ trở lại khi vùng áp thấp này ngày một mạnh lên thành bão.