Hội Nông dân Văn Yên: Nhiều giải pháp để hội viên thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi là một phong trào lớn, trọng tâm của Hội và là cơ hội để người nông dân khẳng định vị thế, của mình trong thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, Hội Nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tích cực tổ chức phát động phong trào thi đua SXKD giỏi đến các cấp hội trong toàn huyện.
Với các hoạt động: tổ chức ký giao ước thi đua giữa cán bộ và hội viên các cấp hội cơ sở đã cuốn hút hàng chục ngàn hộ nông dân tham gia và trở thành động lực quan trọng khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nội lực của từng gia đình. Bình quân hàng năm có từ 6.500- 11.000 hộ gia đình hội viên đăng ký SXKD giỏi, nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hội viên nông dân. Qua bình xét, trên 3.000 hộ SXKD giỏi ở Văn Yên có thu nhập từ 40 triệu đồng trở lên.
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển, Hội có nhiều hình thức, biện pháp phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, trạm khuyến nông... giúp nông dân về kỹ thuật, giống, vốn, phân bón, phát triển ngành nghề, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Đồng thời, phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở trên 300 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 10.000 lượt hội viên nông dân; mở 16 lớp dạy nghề cho 669 hội viên về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến sắn, sơ chế chè xanh; liên kết với Công ty Supe - phốt - phát và Hoá chất Lâm Thao, Xí nghiệp Phân bón hoá chất Apatit Lào Cai tổ chức mạng lưới cung ứng phân bón NPK trả chậm cho hội viên nông dân được 5.976 tấn; phối hợp với Trạm Giống cây trồng cung ứng 23.200 kg giống các loại cho hội viên giúp sản xuất kịp thời vụ, thâm canh cho năng suất cao; tổ chức nhiều hội nghị đầu bờ, các đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất tại huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên; xây dựng các mô hình trình diễn, khảo nghiệm phân bón 12-2-12 tại Mậu A, Ngòi A, Yên Phú và khảo nghiệm phân NPK Lào Cai tại 10 xã...
Với phương thức “Cầm tay chỉ việc”, Hội Nông dân huyện đã tổ chức 3 dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn là: dự án chăn nuôi bò sinh sản cho đồng bào Dao ở xã Ngòi A; dự án chưng cất tinh dầu quế cho người dân ở xã Đại Sơn; Dự án sơ chế chè xanh ở xã Hoàng Thắng... cho 20.027 hội viên hưởng lợi từ các chương trình dự án. Hội đứng ra tín chấp cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, đến nay đã có 2.856 lượt hội viên được vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số vốn là 22 tỷ 626 triệu đồng; nhận uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2.966 lượt hội viên vay 24 tỷ 772 triệu đồng...
Các hội viên đã chủ động áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ đó, đã hình thành các vùng chuyên canh như vùng lúa, cây màu, vùng cây lâm nghiệp, cây đặc sản. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào SXKD giỏi đã góp phần tích cực vào chương trình xoá đói, giảm nghèo của huyện.
Bằng các việc làm cụ thể như: mỗi cơ sở, mỗi chi hội, nhóm hội viên nông dân khá, giàu nhận giúp đỡ gia đình hội viên nghèo có địa chỉ... nhờ vậy, lương thực bình quân đầu người đạt từ 286kg/người năm 2003 đã tăng lên 327kg/người năm 2008; năm 2008 thu nhập bình quân đầu người đạt 8,4 triệu đồng/người/năm. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng, nâng cấp đảm bảo cho nhu cầu đời sống của nông dân. Số hộ khá, giàu tăng từ 3.214 hộ năm 2003 nay tăng lên 3.820 hộ. Nông dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và tham gia vào tổ chức Hội ngày càng đông.
Cùng với các phong trào thi đua sản xuất giỏi, tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái... trong các cấp hội đã được phát huy có hiệu quả. Hàng năm đã có hàng trăm hội viên đã thoát nghèo, góp phần giảm 4 đến 5 % hộ nghèo mỗi năm. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 21,02%, trong đó hội viên nông dân giảm còn 20,15% theo tiêu chí mới.
Hiện nay toàn huyện đã có 1.540 nhóm hộ khá, giàu nhận giúp 3.500 hộ hội viên nghèo; giúp nhau được 35.000 ngày công và 209.578.000 đồng cho vay không lấy lãi; giúp những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, rủi ro được 23.820 kg thóc, 6.400 kg gạo, giúp 224 con trâu, 15.120 kg lợn giống, 45.500 cây quế... Diện mạo của đời sống kinh tế, xã hội vùng nông thôn của Văn Yên ngày càng thay đổi đi lên.
Trần Ngọc
Các tin khác
YBĐT - Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành toàn quốc công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Điểm cầu truyền hình Yên Bái do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường chủ trì.
YBĐT - Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái vừa tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước (gọi tắt là NĐ 130) và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/6/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là NĐ 43) trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Ghi nhận những đóng góp của nhân dân bản Chanh xã Phù Nham, năm 2009, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp Bằng công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Khu ủy Tây Bắc và giao cho xã Phù Nham trực tiếp quản lý, bảo tồn với diện tích quy hoạch trên 1.836m2. Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cách mạng xã Phù Nham sẽ được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn và kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9.
YBĐT - Những ngày cả nước đang tưng bừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Trường trung cấp Nghề Yên Bái càng vui mừng, phấn khởi và tự hào hơn vì Trường trung cấp Nghề Yên Bái vừa được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội chính thức công nhận là Trường cao đẳng Nghề Yên Bái theo Quyết định số 670/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/5/2009.