Phát huy truyền thống, xây dựng trường cao đẳng nghề thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của Yên Bái và khu vực Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những ngày cả nước đang tưng bừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Trường trung cấp Nghề Yên Bái càng vui mừng, phấn khởi và tự hào hơn vì Trường trung cấp Nghề Yên Bái vừa được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội chính thức công nhận là Trường cao đẳng Nghề Yên Bái theo Quyết định số 670/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/5/2009.

Thực hành nghề tin học.
Thực hành nghề tin học.

Được thành lập từ tháng 6/2007 trên cơ sở nâng cấp Trường Công nhân kỹ thuật Yên Bái. (Trường Công nhân kỹ thuật Yên Bái thành lập từ năm 1992 trên cơ sở hợp nhất ba trường: Trường Công nhân kỹ thuật Công nghiệp, Công nhân kỹ thuật Giao thông và Công nhân kỹ thuật Xây dựng). Giai đoạn 1992 - 1998, Trường hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo. Qua 17 năm hoạt động, đến nay nhà trường đã đào tạo được hơn 11 nghìn công nhân kỹ thuật trình độ các cấp, phục vụ cho ba ngành kinh tế đó là: công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải. Quy mô đào tạo cũng lớn dần theo thời gian, từ 380 học sinh/năm, đến nay lên đến gần 1.000 học sinh/năm với 12 ngành nghề.

Từ tháng 9/2007 đến nay, nhà trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp nghề với các ngành đào tạo gồm: hàn, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, gia công cắt gọt kim loại, kỹ thuật xây dựng, kế toán doanh nghiệp, công nghệ ô tô, điện dân dụng, điện tử dân dụng, chế tạo thiết bị cơ khí, công nghệ thông tin và vận hành máy xúc.

Điều đáng quý nhất là trình độ tay nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp đã đảm bảo được mục tiêu đào tạo về kiến thức và kỹ năng nghề, đáp ứng được với yêu cầu của thị trường lao động, được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đánh giá tốt và tiếp nhận vào làm việc. Trên 90% học sinh do Trường đào tạo đã trở thành những công nhân lành nghề tại các doanh nghiệp hoặc tự mình mở dịch vụ sản xuất kinh doanh mang lại nhiều hiệu quả, trong đó có 10% đi xuất khẩu lao động tại các nước có công việc ổn định, thu nhập cao.

Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, Trường cao đẳng Nghề Yên Bái không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị dạy và học. Đến nay, khuôn viên chính của nhà trường rộng gần 17 nghìn m2; diện tích đất xây dựng là 4.452 m2 bao gồm 14 phòng học lý thuyết, 24 phòng xưởng, 2 phòng máy vi tính; có hội trường lớn, thư viện và 1 ký túc xá rộng 1.304 m2; một nhà làm việc của Ban giám hiệu và các công trình phụ trợ khác.

Cơ sở 2 của Trường được đặt tại xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) với diện tích đất gần 130 nghìn m2. Trường đang triển khai dự án xây dựng 11.099,8 m2 nhà, xưởng đào tạo các ngành nghề cơ khí, điện, điện tử và bãi thực hành lái xe ô tô diện tích 3,5 ha.

Cơ sở 3 đặt tại xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) với diện tích 7.500 m2 dành riêng làm bãi thực hành lái xe ô tô. Cùng với đó là các trang thiết bị, máy móc, dụng cụ và phương tiện phục vụ công tác đào tạo công nhân trình độ trung cấp, cao đẳng và sơ cấp các nghề: điện công nghiệp, điện dân dụng, công nghệ ô tô, công nghệ hàn, điện tử công nghiệp, điện tử dân dụng, công nghệ thông tin, kế toán doanh nghiệp, cắt gọt kim loại, lái xe ô tô, vận hành máy xúc... với giá trị thiết bị gần 20 tỷ đồng.

(Giai đoạn 2009 – 2013, nhà trường tiếp tục được tỉnh đầu tư mua sắm các trang thiết bị với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng). Đặc biệt, với phương châm tiếp nhận những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ tay nghề cao và không ngừng bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ sẵn có, đến nay trong tổng số  129 cán bộ, giáo viên của nhà trường có 21 người có trình độ thạc sỹ, 69 người được bồi dưỡng sau đại học, 5 đại học, 3 cao đẳng và 30 người có tay nghề cao.

Việc thành lập Trường cao đẳng Nghề Yên Bái trên cơ sở Trường trung cấp Nghề là một đòi hỏi bức thiết, là xu thế khách quan và là động lực mạnh mẽ để nhà trường có cơ hội tốt đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ cao, tay nghề vững vàng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước. Về mặt xã hội, Trường sẽ giúp người lao động tại Yên Bái và các tỉnh lân cận có thêm cơ hội tìm kiếm được việc làm ổn định, thu nhập cao tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước và nước ngoài.

Trở thành Trường cao đẳng Nghề với chức năng nhiệm vụ lớn hơn, vị thế cao hơn là niềm vinh dự, tự hào của hàng nghìn cán bộ, giáo viên và học sinh đã, đang và sẽ học tập, công tác, giảng dạy tại Trường. Niềm tự hào đó cũng đặt lên vai mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường trách nhiệm lớn lao hơn, từ đó xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình để phấn đấu học tập và công tác, xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của tỉnh và các cấp, các ngành.

Trước mắt, Trường tiếp tục đổi mới phương thức dạy và học, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện nhiệm vụ trong năm học 2009 - 2010 với mục tiêu đào tạo 3.385 học sinh, trong đó hệ trung cấp 973 học sinh, sơ cấp 1.565 học sinh...; học sinh tốt nghiệp đạt trình độ khá, giỏi đạt 32%; từng bước triển khai đồng bộ các mặt hoạt động theo Đề án "Thành lập Trường cao đẳng Nghề Yên Bái trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Nghề Yên Bái" đã được các cấp, các ngành phê duyệt.

Theo đó, Trường sẽ hoàn thiện toàn bộ việc xây dựng cơ bản với tổng kinh phí trên 86 tỷ đồng; hoàn thành việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị với kinh phí 32,44 tỷ đồng; tuyển dụng đội ngũ giáo viên có trình độ và tay nghề cao (trình độ từ đại học trở lên) từ 129  người hiện nay lên 177 người vào năm 2013; đạt quy mô tuyển sinh đến năm 2013 gồm: cao đẳng nghề 420 người, trung cấp nghề 985 người, sơ cấp nghề 670 người...

Mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên Trường cao đẳng Nghề Yên Bái luôn hiểu rằng vinh dự lớn luôn đi liên với trách nhiệm cao, phải đoàn kết một lòng, không ngừng phấn đấu và sáng tạo trong hoạt động giảng dạy; tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành, tất cả vì mục tiêu phát huy truyền thống quý báu, xây dựng Trường cao đẳng Nghề Yên Bái ngày càng vững mạnh, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trên quê hương Yên Bái và khu vực Tây Bắc.

Trịnh Tiến Thanh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Yên Bái

Các tin khác

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống đại dịch cúm ở người chiều 12.8 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường Nguyễn Huy Nga nhận định: Khi số trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 ngày càng gia tăng, hệ thống điều trị không đáp ứng kịp, bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong gia tăng.

YBĐT - Chính phủ vừa tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo tại 21 điểm cầu dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng. Điểm cầu Yên Bái do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Bình chủ trì.

Múa “Xình xi ba” trong Tết Khùi xì mờ của người Xa Phó, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên). (Ảnh: Thanh Chi)

YBĐT - Qua gần ba năm thực hiện Nghị quyết số 24/2006/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 và Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy, Văn Yên là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt của nhà văn hóa thôn bản, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Với địa thế nằm ven hồ Thác Bà, hàng năm Phúc An cấy gần 100 ha lúa nước hai vụ đáp ứng một phần đảm bao an ninh lương thực của người dân.

YBĐT - Phúc An là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình (Yên Bái) với gần 3.000 nhân khẩu, trong đó 49% là người dân tộc Dao, 10% dân tộc Tày, 33% dân tộc Kinh. Tuy đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng ý thức trong việc xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư luôn được người dân thực hiện tốt, đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù trong lao động và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục