Di tích lịch sử văn hóa cách mạng Khu ủy Tây Bắc: Niềm tự hào của nhân dân Bản Chanh
- Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ghi nhận những đóng góp của nhân dân bản Chanh xã Phù Nham, năm 2009, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp Bằng công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Khu ủy Tây Bắc và giao cho xã Phù Nham trực tiếp quản lý, bảo tồn với diện tích quy hoạch trên 1.836m2. Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cách mạng xã Phù Nham sẽ được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn và kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9.
Lãnh đạo huyện Văn Chấn và xã Phù Nham kiểm tra diện tích ruộng 1 vụ chuyển sang trồng màu tại xã. (Ảnh: Minh Hằng)
|
Vài nét về lịch sử Phù Nham
Bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn có địa hình tương đối bằng phẳng, án ngữ cửa ngõ trên con đường độc đạo tỉnh lộ từ Yên Bái vào các huyện miền Tây. Hiện nay, xã có 18 bản là: Năm Hăn 1, Năm Hăn 2, Năm Hăn 3, Ta Tiu, Cầu Thia, Lọng, Tèn, Noong Ỏ, Chanh, Quân, Đao, Ỏ, Suối Mù, Phù Ninh, Nong, Cốc Củ, Khộn, Suối Quẻ với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống. Do có vị trí chiến lược quan trọng nên Phù Nham là một địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ quân sự.
Vào thế kỷ XIX, khoảng năm 1873 khi giặc Cờ Vàng (tàn quân của phong trào khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc – Trung Quốc) do Dịp Tài (Diệp Tài) cầm đầu kéo quân vào xâm chiếm đất Mường Lò, nhân dân Phù Nham đã anh dũng đứng lên chống giặc theo lời kêu gọi của vị thủ lĩnh người Thái là Cầm Ngọc Hánh.
Năm 1875 – 1896, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, phong trào chống thực dân Pháp do tướng quân Nguyễn Quang Bích chỉ huy đã phát triển nhanh chóng ở Yên Bái. Nhân dân xã Phù Nham cũng nhiệt tình tham gia những hoạt động của nghĩa quân tại các vùng Đại Lịch, lòng chảo Mường Lò... đoàn kết một lòng chống lại bọn xâm lược.
Từ khi có ánh sáng của Đảng, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc nơi đây mới biết đến khái niệm “Độc lập - Tự do”. Có Đảng, Bác Hồ và được cán bộ tuyên truyền giác ngộ cách mạng, nhân dân Phù Nham đã tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương đất nước. Căn cứ Nong Bon là sợi dây nối nhân dân Phù Nham với Đảng. Tấm lòng của nhân dân Năm Hăn, bản Chanh... qua những nắm cơm hạt muối nuôi giấu cán bộ, qua những lần bị địch hăm dọa, đàn áp vẫn không chịu khuất phục, một lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng, đấu tranh giải phóng xây dựng quê hương.
Sự hình thành Khu ủy Tây Bắc và những đóng góp của nhân dân bản Chanh
Sau thất bại nặng nề ở Tây Bắc (12/1952), Thượng Lào (4/1953) và các mặt trận khác trên chiến trường Đông Dương, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống khu lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên Phủ) xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, quân số trên 15 ngàn quân với đầy đủ vũ khí hiện đại, xe tăng, máy bay để nhằm khống chế quân ta, chiếm lại khu Tây Bắc.
Tháng 9/1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Lý Thường Kiệt nhằm giải phóng phân khu Nghĩa Lộ do quân Pháp chiếm đóng từ năm 1947. Lực lượng bộ đội chủ lực tham gia có Sư đoàn 312 phụ trách hướng chính, có sự phối hợp của các đơn vị địa phương tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Hướng phụ có Trung đoàn 148 và bộ đội địa phương tỉnh Lào Cai. Lợi dụng sơ hở của địch nên khi ta mở chiến dịch có tiêu diệt được một số sinh lực địch, chiếm được một số đồn nhưng sau đó ta lại phải rút quân ra vùng tự do, địch lại tái chiếm và đến ngày 1/11/1951 chiến dịch kết thúc.
Để chuẩn bị giải phóng khu Tây Bắc khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, tháng 5/1952, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định bốn tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La tách khỏi Liên khu Việt Bắc và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu XX (tiền thân của Khu ủy Tây Bắc). Trụ sở Khu XX đóng tại làng Đòng Lý, huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tỉnh Yên Bái).
Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Chỉ trong vòng mười ngày, ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn bên tả ngạn sông Đà gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên (Lai Châu), Phù Yên và một phần huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Sau đó, bộ đội ta mở đợt hai chiến dịch Tây Bắc, đến cuối tháng 12/1952 giải phóng phần lớn Tây Bắc (trừ cứ điểm Nà Sản và thị xã Lai Châu).
Để việc lãnh đạo được sâu sát hơn, tháng 11/1952, Khu XX đã chuyển trụ sở về đóng tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (thác Thiến - Km28, đường 13A). Đầu năm 1953, ta mở đường 13A từ Ba Khe sang nối với đường 41 (Hà Nội đi Sơn La - Lai Châu) ở Cò Nòi để chuẩn bị lực lượng tấn công tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Thấy nguy cơ bị tấn công nên giặc Pháp bí mật rút bỏ cứ điểm Nà Sản (5/1953) để bảo toàn lực lượng.
Hòng lấy lại thế chủ động trên các mặt trận Tây Bắc nói riêng và bảo vệ cho số quân Pháp còn đóng ở thị xã Lai Châu và che chở cho Thượng Lào, ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm khu lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên Phủ) và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để khống chế vùng Tây Bắc của ta.
Lúc này, Khu ủy Tây Bắc đóng tại xã Hưng Khánh gần đường 13A rất dễ lộ và bị địch bắn phá ác liệt. Để bảo đảm an toàn cho cơ quan và chuẩn bị phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 11/1953, Trung ương đã cho di dời toàn bộ Khu ủy từ xã Hưng Khánh vào đóng tại bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. Tại đây được sự che chở, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc, các cơ quan của Khu ủy đã dựng nhà ở giống như nhà dân dọc bờ ngòi Nhì để bảo đảm bí mật. Nơi làm việc là những dãy lán trại làm bằng tre nứa, lợp tranh núp dưới các lùm cây cao, ban ngày cán bộ của Khu ủy làm việc dưới lán, đêm về nhà dân ngủ.
Bản Chanh, xã Phù Nham vừa giải phóng được gần một năm (từ tháng 2/1952 đến thời điểm Khu ủy chuyển đến, tháng 11/1953), song chiến tranh vẫn để lại những hậu quả nặng nề đối với kinh tế và đời sống tinh thần của nhân dân. Lợi dụng những khó khăn đó, bọn tàn binh, lũ tay sai nhen nhóm các hoạt động chống đối lại chính quyền cách mạng còn non trẻ hòng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc đang được toàn dân hưởng ứng.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đã ngăn chặn, tiêu diệt được bọn phỉ Cầm Đức, Giàng Páo Của được Pháp tiếp tế vũ khí lương thực nổi dậy gây rối ở một số nơi như Sơn La, Lào Cai, 2 xã Xà Hồ, Bản Mù (Trạm Tấu -Yên Bái). Bọn phản động người Mông ở Suối Giàng, Phình Hồ cũng ngóc đầu dậy bắt liên lạc với nhau nhằm đánh chiếm vùng lòng chảo Mường Lò cũng được Khu ủy chỉ huy, ngăn chặn kịp thời. Cũng trong năm 1953, Khu ủy đã phát động cuộc vận động quần chúng đánh đổ bọn Việt gian phản động, giữ vững an ninh ở địa phương.
Để huy động, động viên sức người sức của phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Khu ủy Tây Bắc thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương của Khu do đồng chí Lê Trung Đình, Thường vụ Khu ủy phụ trách. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vị trí nằm trong vùng chiến lược quân sự quan trọng lúc bấy giờ giữa ta và địch, cùng với Đảng bộ, quân dân địa phương, Khu ủy Tây Bắc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La và Lai Châu tập trung tiễu phỉ, củng cố chính quyền cách mạng, vừa tham gia trực tiếp vừa huy động sức người sức của phục vụ cho chiến dịch lớn do Trung ương chỉ đạo, nổi bật là chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ vùng Tây Bắc, chấm dứt chế độ thực dân đô hộ, mở ra một trang sử mới, một thời kỳ mới cho nhân dân vùng Tây Bắc.
Sau ngày hoà bình lập lại và trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù trụ sở Khu ủy đã được dời đến địa phương khác, song tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, bảo vệ và xây dựng lực lượng cách mạng, cán bộ Khu ủy vẫn tiếp tục cùng với chính quyền bốn tỉnh (Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La) xây dựng các đơn vị quân đội vững mạnh vừa tham gia chiến đấu, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là nhiệm vụ tiễu phỉ và tham gia sản xuất, xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà. Sự hy sinh đóng góp bảo vệ cán bộ của Đảng của nhân dân bản Chanh trong những ngày tháng cách mạng sục sôi đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quật khởi đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Công nhận khu di tích lịch sử cách mạng
Sau này do yêu cầu mới của cách mạng và đất nước, mặc dù Khu ủy Tây Bắc không còn tồn tại nữa, song địa danh bản Chanh, xã Phù Nham – nơi Khu ủy chọn đặt trụ sở làm việc (từ cuối năm 1953 đến cuối năm 1954), lãnh đạo phong trào cách mạng của bốn tỉnh Tây Bắc đã trở thành một địa danh khắc sâu vào tâm trí và tình cảm của những thế hệ cán bộ, nhân dân đã trực tiếp tham gia hoạt động, phục vụ kháng chiến.
Nơi đây đã được ghi vào lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử cách mạng, là địa chỉ đỏ về nguồn để các cấp bộ Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong vùng mà trực tiếp là huyện Văn Chấn, xã Phù Nham phát huy truyền thống lịch sử của quê hương, bảo tồn và khai thác giá trị của di tích phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống tinh thần, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc và địa phương.
Ghi nhận những đóng góp của nhân dân bản Chanh xã Phù Nham, năm 2009, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp Bằng công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Khu ủy Tây Bắc và giao cho xã Phù Nham trực tiếp quản lý, bảo tồn với diện tích quy hoạch trên 1.836m2. Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cách mạng xã Phù Nham sẽ được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn và kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9.
Hoàng Phóng
Các tin khác
YBĐT - Những ngày cả nước đang tưng bừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Trường trung cấp Nghề Yên Bái càng vui mừng, phấn khởi và tự hào hơn vì Trường trung cấp Nghề Yên Bái vừa được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội chính thức công nhận là Trường cao đẳng Nghề Yên Bái theo Quyết định số 670/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/5/2009.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống đại dịch cúm ở người chiều 12.8 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường Nguyễn Huy Nga nhận định: Khi số trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 ngày càng gia tăng, hệ thống điều trị không đáp ứng kịp, bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong gia tăng.
YBĐT - Chính phủ vừa tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo tại 21 điểm cầu dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng. Điểm cầu Yên Bái do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Bình chủ trì.
YBĐT - Qua gần ba năm thực hiện Nghị quyết số 24/2006/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 và Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy, Văn Yên là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt của nhà văn hóa thôn bản, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.