Miền Trung: 87 người chết, nhiều vùng ngập sâu trong lũ
- Cập nhật: Thứ năm, 5/11/2009 | 12:00:00 AM
Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, tính đến 20h ngày 4/11, số người chết ở Phú Yên là 65, ở Bình Định là 12, ở Khánh Hòa là 7, ở Gia Lai là 3. Các tỉnh Gia Lai, Bình Định vẫn ngập chìm trong nước.
Nhiều khu dân cư phía đông huyện Tuy Phước, Quy Nhơn vẫn đang bị ngập chìm trong nước lũ.
|
Ngập úng từ Quảng Ngãi đến Phú Yên
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Gia Lai đang xuống, riêng hạ lưu sông Ba còn ở mức cao.
Mực nước lúc 19h ngày 4/11 trên một số sông: • Sông Bồ tại Phú Ốc: 3,01m, ở mức BĐ2; |
Dự báo lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Gia Lai tiếp tục xuống. Đến tối mai (5/11), mực nước hạ lưu sông Ba và sông Kôn sẽ xuống mức BĐ2; các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi còn trên mức BĐ1; các sông ở Quảng Nam, Khánh Hòa xuống dưới mức BĐ1.
Tình trạng ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng ven sông còn diễn ra ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và Gia Lai.
87 người chết, 22 người mất tích
Đây là con số thiệt hại mới nhất theo thông tin từ Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương. Cụ thể, số người chết ở Phú Yên là 65, ở Bình Định là 12, ở Khánh Hòa là 7, ở Gia Lai là 3. Phú Yên là địa phương có số người mất tích nhiều nhất với 16 người.
Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 76 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp thiệt hại 60 tỷ.
Hiện, khoảng 40 xã, phường của huyện Vân Canh, Tuy Phước, và Quy Nhơn của Bình Định với 200.000 dân vẫn đang bị ngập sâu trong nước ở vùng hạ lưu sông Hà Thanh, sông Kôn. Tại Phú Yên, một số xã của huyện Tây Hòa và Phú Hòa bị chìm sâu, chia cắt do lũ sông Ba lên cao.
Tại Gia Lai, 5 huyện đông nam tỉnh vẫn còn bị ngập sâu, nhất là La Pa với cả 9 xã bị ngập, trong đó 4 xã bị ngập nặng và bị chia cắt hoàn toàn. Tỉnh đã huy động 4 xe lội nước, 2 ca nô của Quân đoàn 3 và 4 ca nô của tỉnh để cứu hộ dân các xã trên.
Các Bộ, ngành vào cuộc
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo tập trung lực lượng giải tỏa các điểm ách tắc, tổ chức trực gác 24/24h tại các vị trí nguy hiểm, tổ chức điều hành giao thông đảm bảo an toàn, thông suốt.
Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, các tuyến quốc lộ cơ bản đã được thông xe. Quốc lộ 1 đã được thông xe vào lúc 8h30 phút ngày 4/11. Tuy nhiên, tỉnh lộ từ Quy Nhơn (Bình Định) đi các huyện vẫn bị ngập, chưa thể thông xe.
Ngành đường sắt cho biết, cũng đã cố gắng không để hành khánh bị kẹt lại quá lâu vì mưa bão. Tại Phú Yên, tuyến đường sắt từ ga Tuy Hòa đi Diêu Trì bị tắc ở nhiều đoạn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải Phú Yên trung chuyển khoảng 1.800 hành khách của 4 đoàn tàu bị mắc kẹt đến các tỉnh phụ cận. Hiện, tổng thiệt hại của ngành Đường sắt khoảng 12 tỷ đồng.
Tập đoàn Điện lực cho biết, đến 16h30 ngày 4/11, tất cả các đường dây 500kV, 220kV ở khu vực miền Trung đã vận hành bình thường trở lại từ 3/11. Lúc 15h ngày 4/11, đã đóng điện thành công đường dây 110kV Tuy An - Sông Cầu, lưới điện 110kV đã được khôi phục ở Phú Yên.
Nhiều địa phương cũng đã cơ bản khôi phục được lưới điện phân phối. Hiện Quảng Nam đã cấp được hơn 99% phụ tải của toàn tỉnh. Con số tương ứng của Quảng Ngãi là 99,7%, Gia Lai 97%, Kon Tum 100%, Đắk Lắk gần 100%.
Tại Bình Định, dù nhiều huyện vẫn ngập sâu trong nước, cũng đã cấp được hơn 50% phụ tải toàn tỉnh.
Riêng tại Phú Yên, do lũ trên các sông vẫn còn cao trên mức báo động 3, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, nên việc khôi phục cấp điện gặp nhiều khó khăn. Tới sáng 4/11, dù đã khôi phục thêm được 2 xuất trung thế, nhưng phần lớn lưới điện hạ thế vẫn còn ngập nước, công suất cũng cấp mới được khoảng 9,4%.
Sau khi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác cứu trợ tại các vùng bị lũ chia cắt tại Phú Yên, chiều 4/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động toàn bộ lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ ngay lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn cho người dân, không được để dân đói rét, chăm lo mai táng người chết.
Phó Thủ tướng yêu cầu nước rút đến đâu phải xử lý nước, làm vệ sinh môi trường tới đó; ngành y tế cung cấp đủ cơ số thuốc cho các địa phương nhằm ngăn chặn dịch bệnh sau lũ.
Phó Thủ tướng giao quân khu 5 huy động lực lượng phối hợp với địa phương giúp dân sớm ổn định đời sống; Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty bưu chính viễn thông huy động lực lượng để sớm khôi phục hệ thống điện và thông tin liên lạc. |
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có khoảng 99% đồng bào dân tộc thiểu số, riêng dân tộc Mông chiếm trên 90%, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế phát triển chậm. Để từng bước nâng cao dân trí, trong những năm qua, Hội Phụ nữ, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD & ĐT) huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức mở hàng trăm lớp xoá mù chữ và phổ cập giáo tiểu học dành cho hàng ngàn người, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao trình độ học vấn đối với phụ nữ.
Tính đến sáng 4/11, mưa to gây lũ lụt lớn ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã lấy đi tính mạng của 55 người, khiến 44 người bị thương và 24 người mất tích. Nhiều khu vực hôm nay vẫn còn bị chia cắt vì nước lũ.
YBĐT - Thời gian gần đây xuất hiện thông tin “Yên Bái đã có bệnh nhân sốt xuất huyết” khiến người dân không khỏi lo lắng. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với bác sỹ Trần Viết Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái và được biết, người dân có tâm trạng lo lắng là hoàn toàn có cơ sở vì thời gian qua bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, một số trường hợp đã tử vong.
YBĐT - Phát hiện nhanh các bất cập và kịp thời điều chỉnh sửa chữa là nét mới của ngành giáo dục Yên Bái. Theo đánh giá của ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thì việc sắp xếp lại qui mô trường, lớp học vừa qua đã giúp giảm được 31 trường, 230 nhóm lớp; giao quyền tự chủ cho 100% các cơ sở trường học theo tinh thần Nghị định 43 của Chính phủ, là một trong số ít tỉnh của cả nước thực hiện tốt chủ trương phân cấp quản lý cho cơ sở.