Bạo lực gia đình tăng: Chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Nhiều hậu quả đau xót đã xảy ra. Nhiều người đã, đang và vẫn sẽ có nguy cơ tiếp tục trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Vậy làm thế nào để giảm thiểu đến mức thấp nhất số nạn nhân này?

Lớp tập huấn kiến thức phòng chống bạo lực gia đình của Tỉnh hội phụ nữ cho phụ nữ vùng cao.
(Ảnh: Quỳnh Nga)
Lớp tập huấn kiến thức phòng chống bạo lực gia đình của Tỉnh hội phụ nữ cho phụ nữ vùng cao. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Những câu chuyện buồn

Đó là trường hợp chị N.T.L – thôn Đồng Do, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ vô cớ, anh L chồng chị đã nhiều lần đe dọa sẽ giết chị khiến chị luôn phải sống trong lo lắng, sợ hãi. Rồi anh L còn đánh cả mẹ đẻ mình, các con mình với những trận đòn hết sức dã man. Gia đình hai bên nội ngoại đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy, thậm chí lần sau roi vọt đổ lên đầu chị còn tàn nhẫn hơn lần trước. Chịu không nổi, chị đã chuyển các con về bên ngoại sống và quyết định xin ly hôn với anh L từ năm 2008, đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết xong, anh L vẫn thường xuyên đón đường để đánh đập và đe giết chị.

Cũng như chị L, chị  Đ.T.X - trú tại thôn Đồng Do Ngòi mới ngoài 40 tuổi, nhưng người ngoài rất dễ tưởng nhầm chị 60 bởi nếp nhăn do những đau khổ mà chị đã phải gánh chịu. Chị và anh Y kết hôn đến nay đã gần 20 năm. Thời gian hạnh phúc chẳng bao lâu. Về sau, do anh Y luôn buồn bực vì chị không sinh cho anh được một đứa con trai, anh lại bị thương, tàn tật một cánh tay cộng với bản tính nóng nảy, vũ phu, nên đã nhiều năm chửi mắng vô cớ, đánh đập chị và ba con gái thâm tím cả mặt mày. “Một năm, tôi phải chịu khoảng 30 trận đòn của chồng. Lúc thì dùng dao chém, lúc thì dùng gậy đánh, thậm chí có lần anh đánh con lớn vỡ đầu rồi ném cả xô nước rác vào mặt con nhỏ”, chị cho biết. Tàn nhẫn hơn là đã có lần anh bắt chị phải uống thuốc trừ sâu, khi chị phản kháng không uống thì anh đổ cả chai thuốc lên đầu. Hai cái áo thấm máu do bị chồng đánh trong lần gần đây nhất chị vẫn còn giữ.

Đó mới chỉ hai trong số các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, không biết làm gì hơn ngoài việc cắn răng chịu đựng. Bên cạnh đó, hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, chúng ta vẫn phải chứng kiến rất nhiều vụ bạo lực gia đình mang tính chất rất dã man, thậm chí còn tước đi sinh mạng của nạn nhân. Và hầu hết nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và cả bố mẹ đẻ kẻ vũ phu.

Cần có chế tài xử lý

Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực đã hơn một năm, nhưng đến nay vẫn Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Cơ quan chức năng mới đang xây dựng Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bạo lực gia đình với quan điểm là không để lọt lưới bất kỳ hành vi vi phạm nào, trong đó quy định mức xử phạt chủ yếu là phạt tiền, dao động từ 100 ngàn đồng đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp nếu chỉ phạt tiền thôi thì vẫn chưa đủ sức răn đe. Do Dự thảo Nghị định còn đang được xem xét, lấy ý kiến tham gia, góp ý, nên hiện nay, nếu có vụ việc nghiêm trọng xảy ra thì được áp dụng các chế tài của Nghị định 114 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em hay một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự như tội hành hạ, ngược đãi người thân…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều năm qua, số vụ việc về bạo lực gia đình được đưa ra xét xử tại các cấp tòa án cũng rất ít, hầu như là không có. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng không có biện pháp nào mạnh tay hơn ngoài việc gọi lên giáo dục, nhắc nhở, chứ chưa có trường hợp nào bị phạt tiền hay phải chịu các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn. Như trường hợp của anh L, mặc dù mức độ vi phạm rất nghiêm trọng nhưng anh L cũng mới chỉ bị tạm giam thời gian ngắn, rồi chính mẹ và vợ anh lại làm đơn bảo lãnh cho về. Do việc xử lý còn nương tay và khá nhẹ nhàng nên hầu hết các đối tượng vi phạm lại tiếp tục tái phạm, thậm chí mức độ vi phạm còn nguy hiểm hơn lần trước.

Được biết, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình là địa phương đã xảy ra khá nhiều vụ bạo lực gia đình. Chị Nguyễn Thị Vân - Hội phó Hội phụ nữ xã cho biết: “Thời gian qua, Hội đã nhiều lần xuống từng thôn để tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình; vận động nhiều chị em người dân tộc thiểu số gia nhập Hội để được hưởng các quyền lợi của phụ nữ cũng như  quyền được Hội bảo vệ khi có yêu cầu. Đồng thời, Hội Phụ nữ xã cũng đã phối hợp với các ngành liên quan cử cán bộ trực tiếp xuống tận nhà nạn nhân để tuyên truyền, giải thích, đề nghị người chồng chấm dứt các hành vi bạo lực gia đình. Về cơ bản, các đương sự đã nhận thấy cái sai của mình và hứa sẽ sửa chữa, nhưng sau đó sự việc vẫn tái diễn. Số nạn nhân của bạo lực gia đình gia tăng còn là nỗi trăn trở của những người thân, các tổ chức, đoàn thể và những người xung quanh”.

Khi được hỏi xã đã có biện pháp nào để ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình xảy ra tại địa phương, ông Quyền Anh Thắng – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xã đã nhiều lần phải xuống tận nhà can thiệp, giáo dục, nhắc nhở đối tượng có hành vi bạo lực, thậm chí là nửa đêm cũng phải đi, nhưng chỉ được một thời gian rồi lại tái phạm. Hiện tại, xã cũng chưa có biện pháp gì mạnh tay hơn ngoài việc nhắc nhở, cảnh cáo. Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, chúng tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc xử lý những trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tình thế và mang tính gián tiếp. Điều này cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tham mưu, giúp Chính phủ sớm ban hành Nghị định xử lý vi phạm hành chính về bạo lực gia đình với những chế tài nghiêm khắc mang tính răn đe, giáo dục cao cùng với việc xử lý nghiêm minh của các cơ quan chức năng. Đó sẽ là biện pháp thiết thực nhất để ngăn chặn và hạn chế sự gia tăng bạo lực gia đình Chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trình độ hiểu biết pháp luật của  người dân, nhất là người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Các tổ chức đoàn thể ở địa phương cần quan tâm sâu sát hơn nữa đến đời sống của hội viên để có biện pháp can thiệp và ngăn chặn kịp thời, nhằm bảo vệ, giúp đỡ phụ nữ trước những nguy cơ về bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình.

Tân Nhân

Các tin khác
Thai phụ, trẻ em sẽ được ưu tiên tiêm phòng H1N1.

Tuần qua, đã có 2 trường hợp nhập Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, xét nghiệm vừa dương tính với cúm H1N1, vừa bị sốt xuất huyết.

Nhiều khu dân cư phía đông huyện Tuy Phước, Quy Nhơn vẫn đang bị ngập chìm trong nước lũ.

Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, tính đến 20h ngày 4/11, số người chết ở Phú Yên là 65, ở Bình Định là 12, ở Khánh Hòa là 7, ở Gia Lai là 3. Các tỉnh Gia Lai, Bình Định vẫn ngập chìm trong nước.

Phụ nữ dân tộc Mông hiện nay rất cần được thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.

YBĐT - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có khoảng 99% đồng bào dân tộc thiểu số, riêng dân tộc Mông chiếm trên 90%, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế phát triển chậm. Để từng bước nâng cao dân trí, trong những năm qua, Hội Phụ nữ, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD & ĐT) huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức mở hàng trăm lớp xoá mù chữ và phổ cập giáo tiểu học dành cho hàng ngàn người, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao trình độ học vấn đối với phụ nữ.

Tính đến sáng 4/11, mưa to gây lũ lụt lớn ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã lấy đi tính mạng của 55 người, khiến 44 người bị thương và 24 người mất tích. Nhiều khu vực hôm nay vẫn còn bị chia cắt vì nước lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục