Nơi mùa xuân bình yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2010 | 3:08:51 PM

YBĐT- Mưa xuân lây phây trên đường báo hiệu tết đến. Chúng tôi rời thành phố Yên Bái, sau 6 giờ đồng hồ vượt qua 180 km đường đèo dốc mới tới huyện vùng cao Mù Cang Chải, khi trời đã sẩm tối.

Công an xã Chế Cu Nha nắm bắt tình hình an ninh cơ sở.
Công an xã Chế Cu Nha nắm bắt tình hình an ninh cơ sở.

Phố huyện nhà nhà đã sáng đèn, nhưng vẫn rất đông người, già có, trẻ có từ các bản làng ùa xuống thị trấn chơi Tết. Trụ sở Công an huyện treo tấm băng rôn đỏ tươi dán dòng chữ: Chúc mừng năm mới. Vừa dừng xe, nhiều đồng chí như đã chờ sẵn trong cái bắt tay thân mật "Các anh lên ăn Tết với cán bộ, chiến sỹ khiến mọi người vui lắm. Hôm nay nghỉ đã, ngày mai ta cùng xuống bản vui Tết với bà con".

Mới 6 giờ sáng, thị trấn huyện lỵ đã đông nghẹt người. Các chàng trai, cô gái Mông trong bộ váy, áo mới nhiều màu sắc phấn khởi vui đùa. Tôi hỏi một đôi trai gái còn rất trẻ: "Năm nay bản ta có được mùa không? Chắc mọi nhà ăn Tết to lắm nhỉ?".

Đôi bạn cười, đáp: "Được mùa lớn, thóc ngô nhà nào cũng đủ cả. Tết thì nhà giầu mổ 1 đến 2 con lợn, nhà ít cũng mua cả yến thịt, bây giờ đời sống khá hơn trước rồi, ở Mù Cang Chải nhiều gia đình có tới cả chục con trâu, 2 đến 3 chiếc xe máy. Các chú lên bản ăn Tết với bà con chứ...?".

Đến giờ hẹn, chúng tôi cùng các đồng chí Công an huyện, Công an thị trấn vào bản Kim Nọi ăn Tết với bà con dân tộc Thái. Tới cổng một gia đình ngay đầu bản, đồng chí Thền Văn Toàn, Phó Công an thị trấn gọi to: "Ông Dơn có nhà không đấy?". Nghe tiếng gọi, chủ nhà vội chạy ra, ông Dơn nói to: "Cả nhà ơi ra đón khách quý, anh Làng, anh Toàn cùng các anh Công an huyện tới thăm...".

Chưa kịp hỏi chuyện, chúng tôi bị kéo tuột vào mâm. Chén rượu ngày xuân như ấm hơn tình cảm của các chiến sỹ công an với đồng bào. Mọi người chúc nhau sang năm mới sức khoẻ, con cháu chăm ngoan học giỏi, thóc ngô đầy nhà, gia đình yên vui hạnh phúc".

Nâng chén rượu, tôi hỏi ông Dơn: "Nhà nào cũng ăn Tết to như nhà mình chứ?" Ông Dơn trả lời ngay: "Nói to thì nó to, nhà mình năm nay mổ con lợn mới được gần 70kg thôi, nhiều nhà hàng xóm còn mổ con to hơn đấy. Cả bản có 74 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Thái, sinh sống ở đây nhiều đời nay rồi. Bà con sống đoàn kết lắm, nhiều năm không xảy ra trộm cắp, gây rối trật tự công cộng đâu. Xe máy gầm sàn cứ để vô tư.

Nói là bản Thái nhưng cũng có mấy chàng trai Mông làm rể bản này sống rất tốt, gia đình hạnh phúc như vợ chồng Sùng A Chư là người Mông xã Mồ Dề lấy cô Lương Thị Quyết của bản, rồi Mùa Thế Quỳnh cũng ở bản Mồ Dề lấy chị Lương Thị Tưởng... Các anh công an đối với bà con ở đây tốt lắm, có việc gì của dân, của bản đều đến giúp, ngoài ra còn tuyên truyền pháp luật cho bà con, nhà nào cũng coi các anh  như người thân trong gia đình...".

Rời bản Thái, chúng tôi đến xã Chế Cu Nha khi trời đã xế chiều. Lúc này Ban Công an xã đang tổ chức giao ban với 6 đồng chí công an viên, phân công nhiệm vụ trực và xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trước, trong và sau Tết.

Biết chúng tôi muốn đi nắm tình hình ANTT cơ sở, Trưởng Công an xã Khang A Hù đồng ý ngay. Điểm đến là gia đình Lù Khua Ly, Trưởng bản Dì Thằm. Ông Ly không cần sổ, nói vanh vách: "Bản này có 72 hộ, thì vẫn còn gần 40 hộ nghèo.

Nói nghèo là không bằng các hộ giàu chứ thóc thì vẫn đủ ăn. ANTT trên địa bàn, những năm gần đây rất ổn định, chỉ còn vài người hám lợi nên đi mua hêrôin về để bán, nhưng cũng bị các anh công an phát hiện. Trộm cắp, cờ bạc ở đây không có đâu, nhà giàu có nhiều còn cho người nghèo chứ lấy trộm của nhau là điều cấm kỵ với đồng bào Mông". Trong nhà Trưởng bản, thóc, ngô đóng bao chất thành đống cao tận nóc nhà. Nhìn vậy đã biết là dân không đói.

Nghỉ đêm tại nhà Lù Khua Ly, hôm sau chúng tôi vượt gần 7 km đến bản Thào Chua, rồi sang bản Háng Chua Xay. Trên đường đi gặp rất nhiều cô gái Mông trông còn rất trẻ nhưng cũng đã 4 đến 5 người con. Hỏi mới biết, chuyện đó là bình thường, có người còn đẻ đủ gần mười hai "con giáp", nuôi liền một "tiểu đội".

 Trên sườn núi hoang vắng khô cằn, có lẽ họ lấy đông con làm vui. Nể thật. Đau đẻ, đẻ nhiều coi như cái bụng không được nghỉ. Ăn ngô để lấy sức đẻ, ăn ngô để lấy sữa cho con bú. Đến tuổi biết đi thì tự leo núi, đói bụng tự tìm về nhà. Trời rét căm căm, người lớn phải mặc đến 4 cái áo thế mà trẻ em vẫn không mặc quần, đi chân đất, nhưng nhìn đứa nào cũng bụ bẫm khoẻ mạnh, trẻ em vùng sơn cước sinh ra lớn lên tự tồn tại, đứa nào sống sót coi như được trời chọn lọc.

Buổi làm việc của đoàn công tác với các đồng chí lãnh đạo Công an huyện, đồng chí Tạ Khắc Hồng, Trưởng Công an huyện thông tin nhanh: "Năm 2009 vừa qua, tình hình ANTT và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Đối với địa bàn huyện Mù Cang Chải, hiện nay nhức nhối nhất vẫn là vấn đề ma tuý.

Nhiều người dân của huyện đã đi tận Sơn La, Điện Biên mua hêrôin về bán, những đường dây này cơ bản đã bị triệt phá. Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện ở các khu vực giáp ranh vẫn còn. Công an huyện vừa tham mưu cho huyện, vừa cử cán bộ chiến sỹ cùng các ngành chức năng tổ chức đoàn đi rà soát cụ thể từng bản.

Vấn đề an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo, các đoàn khách nước ngoài đến địa bàn và những người địa phương xuất cảnh trái phép đều có danh sách tại công an huyện. Riêng dịp Tết sắp tới, do đặc thù là huyện vùng cao, nhiều cán bộ, chiến sỹ là người địa phương nên Tết của đồng bào Mông đơn vị đều bố trí cho anh em nghỉ 7 ngày. Tết Nguyên đán đảm bảo trực 60% quân số.

Công an huyện còn tổ chức đoàn đi thăm các già làng, người có uy tín, thăm gia đình cán bộ chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 ngày Tết, thực phẩm phục vụ cho quân số trực cũng được tăng cường, đảm bảo tất cả đón xuân vui vẻ…".

Ngoài kia, những cây đào, cây mơ, cây mận đang đua nhau khoe sắc chào đón xuân sang. Bữa cơm tất niên của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện hôm nay cũng đầy đủ và ấm cúng. Mọi người đều chúc nhau bước sang một năm mới sức khoẻ, hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Tình cảm đó càng ấm nồng hơn khi người dân dành cho các anh niềm tin yêu và quý trọng. Núi rừng Mù Cang Chải đang đón một mùa xuân mới tưng bừng, ấm áp và tràn đầy hy vọng.

T.H

Các tin khác

YBĐT - Những năm 1969 – 1970, nhiều đồng bào vùng hồ đã tới định cư tại các làng ven hồ nhường đất cho việc đắp đập, ngăn sông, xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành Thuỷ điện Việt Nam.

YBĐT - Không khí đón tết năm nay của gia đình chị Đặng Thị Sính, thôn Đồng Bông, xã Viễn Sơn (Văn Yên) rộn rã và tràn ngập niềm vui.

YBĐT - Cách đây vừa tròn một năm, tin vui đến với những người dân nghèo trên địa bàn 61 huyện (nay là 62 huyện) thuộc 20 tỉnh trong cả nước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (gọi tắt là Nghị quyết 30a) về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện có số hộ nghèo trên 50% - một chủ trương lớn giầu tính nhân văn.

Năm học 2009 - 2010 đã có trên 20 ngàn học sinh được giáo dục quốc phòng - an ninh.

YBĐT - Những năm học trước, giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) trong các nhà trường ở tỉnh Yên Bái chưa được quan tâm đúng mức. Do chưa đưa thành môn học chính thức để đánh giá kết quả học tập nên việc giảng dạy thường được tổ chức thành từng đợt tập trung, đội ngũ giáo viên của bộ môn này cũng chưa chuẩn hoá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục