Chợ quê đông hồ
- Cập nhật: Thứ bảy, 6/2/2010 | 8:58:37 AM
YBĐT - Có tiền chợ Ngọc chợ Ngà/ Hết tiền về với chợ quê Thác Bà
|
Không biết có phải vì câu thơ mời gọi, chân chất mộc mạc này hay không, nhưng các phiên chợ quê vùng hồ Thác Bà luôn cuốn hút người dân trong vùng và khách thập phương đến vậy. Mẹ tôi thường kể, từ hồi bao cấp còn khó khăn, mẹ vẫn cùng các bà, các cô ở thị xã Yên Bái đi ca nô đến các phiên chợ vùng Đông hồ.
Thời đó, chỉ vào các ngày nghỉ hay giáp tết, người dân các nơi mới hay đổ về các chợ quê nổi tiếng như: chợ Hiên, Cảm Nhân, hay Vũ Linh, Vĩnh Kiên để mua sắm. Khi quẩy gánh về, cơ man nào là thực phẩm tươi sống đặc trưng vùng hồ. Nào rau, củ, quả, nào thịt thà, gói thuốc nam của bà Mán, nhưng thứ không thể thiếu sau mỗi phiên chợ vẫn là thuỷ sản vùng hồ với đủ loại tôm, cá, sẵn nhất vẫn là cá thiểu gù, mè hoa... Có con mè nặng hàng yến và cả xóm chia nhau con cá về kho mặn làm thức ăn cả tuần...
Các phiên chợ quê vùng Đông hồ bây giờ được duy trì đều đặn không chỉ vài ba phiên một tháng mà một tuần có từ 2 đến 3 phiên chợ và hàng hoá thì nhiều và phong phú hơn trước. Khách từ nhiều nơi ở các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ cũng đổ về mua sắm, trao đổi hàng hoá. Tuy nhiên, chợ ở nơi này vẫn giữ được những nét đặc trưng vốn có.
Tới các phiên chợ quê nơi này mới thấy hết cái hay, cái đẹp của nó, bởi không nhiều lời mời chào như ở thành thị, mọi người hỏi nhau thân tình lắm. Thấy ấm tình người thôn quê. “Nhà ông năm nay các cháu về ăn tết đủ cả chứ?”; “Bác định bao giờ gói bánh chưng đấy?...”. Quê nghèo, nhưng tầm 23 tháng Chạp, chợ bắt đầu đông vui nhộn nhịp hơn.
Chợ quê lúp xúp những lều tranh trống hoác bốn phía. Chợ phiên không nhiều hàng họ để trưng bày đẹp mắt như ở thành phố nhưng cũng đủ đầy những thứ cần thiết. Cá chép vừa cất dưới hồ lên còn giãy đành đạch trên bàn cân. Những tảng thịt lợn nằm la liệt trên mấy tàu lá chuối vừa mới hơ vội qua bếp lửa lúc tờ mờ sáng cho khỏi rách.
Chợ tết ở đây cũng hội đủ các loại hoa quả. Đó là những giỏ cam, quýt mới hái ở vườn, những quả gấc đỏ tươi, phật thủ vàng xanh “chụm ngón tay” trông thật sinh động và cuốn hút vô cùng. Mấy bà, mấy chị vừa quẩy nào rau, nào chuối hạ gánh xuống cổng chợ. Mớ cải ngồng chắc vừa nhổ, nụ hoa vàng còn tươi nguyên đọng cả sương mai. Loại cải này giòn và ngọt, lại có vị đăng đắng. Ngày tết có món dưa cải này ăn kèm với thịt đông và bánh chưng xanh còn phải nói. Những nải chuối ngự tiến được bày lên mẹt, quả bé xíu vàng thơm. Chuối tiêu vẫn nguyên cả buồng, quả còn xanh để bày mâm ngũ quả. Buồng cau lúc lỉu treo trên mái lều...
Chợ quê cuối năm cảnh sắc đông vui hơn khiến ai cũng dễ cảm thấy xao xuyến hơn tết chốn thị thành. Chợ quê hôm nay đã phôi phai đi ít nhiều nét xưa, bởi nó bị pha lẫn những nét chợ thị thành. Tuy nhiên, không thể khỏa lấp được nét chợ quê ngày tết vẫn như xưa. Đó vẫn như một địa chỉ văn hóa khi tết đến, xuân về.
Khách xa chủ yếu vẫn tìm mua những thứ hàng hoá, sản vật mang đậm chất thôn quê bản địa như: gà ri thả vườn, thịt lợn, cá tươi, măng khô, mộc nhĩ... Nhiều cụ già lọm khọm tới chợ chỉ để ngắm nghía, bình phẩm cho vui. Các ông các bà gặp nhau cười cười, nói nói quên đi những tháng ngày lao động, vất vả của nhà nông. Nơi tụ tập đông đúc vẫn là hàng quần áo đủ các loại xếp thành từng đống trên tấm bạt nhựa bày ra giữa chợ.
Lũ trẻ con thì bần thần đứng tròn mắt bên hàng quần áo, đồ chơi, bóng bay... Mấy bà, mấy cô đứng cả buổi chọn cho con, cháu những bộ quần áo diện tết ưng ý nhất. Hàng rượu ở đây cũng san sát những hũ rượu nếp, rượu gạo, rượu thuốc, chen lẫn cả rượu tân thời, rượu ngoại, đàn ông nếm rượu để chọn cho mình loại rượu ngon nhất để uống tết...
Hình ảnh phiên chợ quê ngày tết sinh động ấy chắc chắn không bao giờ phai nhạt. Phiên chợ quê vẫn mãi thể hiện khát vọng no ấm, thanh bình, chân chất của người nông dân vùng Đông hồ.
Huy Văn
Các tin khác
Ngày 5-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Công điện số 246/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ thứ sáu, ngày 19-2 (tức mùng 6 Tết) và đi làm thay vào thứ bảy (ngày 27-2). Như vậy, đợt nghỉ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 sẽ dài 9 ngày (tính cả thứ bảy, chủ nhật), dài hơn hẳn so với mọi năm.
YBĐT- Mưa xuân lây phây trên đường báo hiệu tết đến. Chúng tôi rời thành phố Yên Bái, sau 6 giờ đồng hồ vượt qua 180 km đường đèo dốc mới tới huyện vùng cao Mù Cang Chải, khi trời đã sẩm tối.
YBĐT - Những năm 1969 – 1970, nhiều đồng bào vùng hồ đã tới định cư tại các làng ven hồ nhường đất cho việc đắp đập, ngăn sông, xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành Thuỷ điện Việt Nam.