Liên kết đào tạo giáo dục đại học: cần coi trọng cả thực tiễn và thực hành

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/4/2010 | 9:45:52 AM

YBĐT - Tính từ năm 1998 đến 2009, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 6 trường tham gia liên kết đào tạo, mở 113 lớp với 8.463 học viên theo học. Tuy nhiên, điều đáng nói là kế hoạch đào tạo, cơ cấu ngành nghề chưa thực sự được các trường quan tâm khảo sát từ thực tiễn nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh. Vì thế đã có tình trạng ngành thì quá thừa, ngành lại thiếu.

Lớp đại học thú y chăn nuôi được Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật liên kết đào tạo mở tại địa phương.
Lớp đại học thú y chăn nuôi được Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật liên kết đào tạo mở tại địa phương.

Trên địa bàn Yên Bái chưa có cơ sở đào tạo đại học chính quy, chính vì thế các trường trung cấp, cao đẳng, các trung tâm có chức năng giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn đã thực hiện liên kết đào tạo với một số trường đại học uy tín mở các lớp đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học (trước đây gọi là hệ tại chức) ngay tại tỉnh. Phải khẳng định, liên kết đào tạo đã mang lại những kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức được học tập nâng cao trình độ phục vụ nhiệm vụ chuyên môn... Tuy nhiên, hoạt động liên kết đào tạo đang có những tồn tại khiến xã hội quan tâm, đó là chất lượng đào tạo, là quy mô, cơ cấu ngành nghề, các điều kiện cơ sở vật chất, quá trình thực hành, thực tập của các khoá đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học...

Đây cũng là những vấn đề mà Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm tìm giải pháp khắc phục để hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu về chất lượng và cơ cấu ngành nghề.

Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, mỗi năm tuyển từ 250 - 300 sinh viên, quy mô đào tạo bình quân hàng năm từ 1.200 - 1.300 sinh viên. Từ giai đoạn năm học 2004 - 2005 đến nay, quy mô liên kết đào tạo đại học có xu hướng tăng, bình quân khoảng 1.500 sinh viên/năm. Hiện tại, Trường đang liên kết với 6 trường đại học, học viện phối hợp đào tạo 19 lớp đại học hệ vừa làm vừa học tại trường với 1.451 sinh viên. Cụ thể, ngành nông, lâm nghiệp hiện đang có 512 sinh viên đang theo học từ năm thứ nhất đến năm thứ 4; ngành quản lý kinh tế có 206 sinh viên, ngành kế toán 247 sinh viên, ngành tài chính là 164 sinh viên... Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh hiện tại đang có 20 lớp liên kết đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học (tuyển sinh từ năm 2006 đến năm 2009).

Trong số 20 lớp đại học với nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là đại học kế toán với 4 lớp (năm 2006, mở 2 lớp 1 lớp liên kết với Học viện Tài chính, 1 lớp liên kết đào tạo với Viện đại học Mở Hà Nội; năm 2008, mở 1 lớp, năm 2009 mở 1 lớp đều liên kết đào tạo với đại học kinh tế và quản trị kinh doanh thuộc Đại học Thái Nguyên), kế hoạch tuyển sinh mỗi lớp là 80 sinh viên, nhưng số theo học đều cao hơn. Chẳng hạn lớp đại học kế toán tuyển năm 2008 số sinh viên nhập học lên tới hơn 100, song năm 2009, số thực học chỉ có 67/80 sinh viên, chưa đạt chỉ tiêu.

Như vậy qua số liệu thực tế ở 2 đơn vị cho thấy, các trường đang mở quá nhiều lớp đào tạo chuyên ngành tài chính kế toán dẫn đến nguồn nhân lực chuyên ngành này sẽ dư thừa, nhất là với một tỉnh miền núi kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp như Yên Bái. Vì thế để có được một kế hoạch đào tạo với cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và xã hội, UBND tỉnh và ngành chức năng khi duyệt kế hoạch liên kết đào tạo của các đơn vị cần có yêu cầu khắt khe về việc thẩm định, khảo sát thực trạng nhu cầu xã hội của các đơn vị.

Về vấn đề này, đồng chí Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Các trường đã không đào tạo theo nhu cầu của địa phương và nhu cầu của xã hội. Thực tế trước khi xây dựng kế hoạch đào tạo cần có khảo sát cụ thể, phải có tính dự báo, đón đầu đào tạo tránh tình trạng quá thừa hay quá thiếu đối với mỗi ngành nghề. Để chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo, tới đây Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng một kế hoạch đào tạo xuyên suốt...”.

Trong khi đó, chương trình đào tạo đối với mỗi khoá học đều do đơn vị chủ trì đào tạo chủ động xây dựng, đơn vị phối hợp là các trường, trung tâm trên địa bàn có trách nhiệm tạo điều kiện về cơ sở vật chất. Vì thế, các trường mới chỉ giám sát được về thời gian giảng dạy, chưa giám sát chương trình giảng dạy và cũng chưa có đơn vị nào yêu cầu đưa vào chương trình giảng dạy những nội dung thiết thực phù hợp với thực tiễn địa phương.

Quá trình đào tạo, phần lớn mảng thực hành, thực tập còn yếu. Có lẽ cũng vì điều kiện cơ sở  vật chất, thực hành thực tập của địa phương mà các chuyên ngành liên kết đào tạo chủ yếu là những chuyên ngành dễ hoặc ít thực hành thực tập như tài chính kế toán, quản lý kinh tế, công nghệ thông tin mà xem ra đối với các tỉnh, thành khác cũng không phải là ngoại lệ. Trong quá trình liên kết đào tạo còn xảy ra tình trạng giảng viên dạy dồn, dạy đuổi để gói gọn chương trình do phần lớn giảng viên ở xa. Nhiều sinh viên đã thi học phần, báo điểm đạt song tổng kết lại không có điểm nên rơi vào tình trạng treo bằng do nợ điểm thi... Vậy là lại đóng tiền mời thầy tổ chức cho thi lại hoặc đóng tiền thi lại ghép với các lớp đào tạo ở các tỉnh, thành khác...

Có một vấn đề mà nhiều đơn vị có ý kiến, đó là kinh phí đào tạo và phần trăm trích lại từ mỗi khoá học giữa đơn vị chủ quản đào tạo và cơ sở đào tạo địa phương. Thực tế điều này chưa có một sự thống nhất, mỗi khoá học, mỗi trường lại áp dụng một kiểu, nơi thì trích lại 5%, 10% đến 15% học phí đào tạo thu của sinh viên chủ yếu là các chi phí điện nước, công tác phí, ăn nghỉ... chứ chưa có phần trăm trích lại cho việc góp phần xây dựng cơ sở vật chất, trong khi cơ sở vật chất của các trường địa phương phần lớn còn khó khăn. Từ thực tế này các đơn vị chủ quản đào tạo cần có trách nhiệm về việc trích phần trăm kinh phí đào tạo xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đào tạo lâu dài của các trường địa phương. Cùng với đó, quá trình liên kết đào tạo cũng có thể linh động việc sử dụng giảng viên trường sở tại đối với từng môn học phù hợp trong quá trình đào tạo bởi ở các trường, trung tâm đều có đội ngũ giảng viên có trình độ từ cử nhân đến thạc sĩ chuyên ngành, làm được điều đó cũng là đúng với tinh thần liên kết.

Trước những tồn tại của hoạt động liên kết đào tạo, để từng bước khắc phục và xây dựng được kế hoạch đào tạo xuyên suốt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn báo cáo UBND tỉnh đề nghị các ngành, các huyện, thị báo cáo nhu cầu cán bộ theo ngành nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh, để từ đó xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo đảm bảo cơ cấu ngành nghề một cách khoa học và thực tiễn. Quá trình liên kết đào tạo cần tăng cường công tác thanh tra, thực hiện nghiêm túc các quy định về liên kết đào tạo đảm bảo chất lượng đào tạo. Cần phải thống nhất đầu mối quản lý liên kết đào tạo ở các trường, các trung tâm đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo cơ cấu ngành nghề và chất lượng giáo dục.

 Ngọc Tú

Các tin khác
Một cuộc giao ban của Đảng ủy xã Hòa Cuông với các bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản.

YBĐT - Nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đề ra chỉ tiêu kết nạp 30 đảng viên mới nhưng đến nay mới kết nạp được 26 đảng viên. Tuy khó khăn song Đảng bộ quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu này theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX đã đề ra.

YBĐT - Trận mưa đá sáng ngày 7 tháng 4 năm 2010 ở xã Yên Thái, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã để lại hậu quả hết sức nặng nề.

Năm nay tỷ lệ chọi cao nhất sẽ rơi vào ngành kinh tế, tài chính...

Qua số lượng hồ sơ các trường thu về cũng như hồ sơ học sinh đăng ký từ các trường THPT, dự kiến sẽ nhiều ngành có tỉ lệ chọi rất cao trong mùa tuyển sinh này.

YBĐT - Ngày 20/4, Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức Hội thi “Cán bộ quản lý trường mầm non giỏi” lần thứ II, năm học 2009 - 2010 với chủ đề “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng dạy và học”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục