Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/11/2010 | 3:04:39 PM

YBĐT - Trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đào tạo nghề cho người lao động được xem là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Đánh giá công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2001 - 2010 cho thấy, trung bình hàng năm có 9.000 người được đào tạo, trong đó, đào tạo nghề đạt 16,25%, bằng 1/2 bình quân của cả nước. Từ thực tế trên, công tác dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 cần được quan tâm hơn nữa...

Lớp học sửa xe máy tại Trường Trung cấp Nghề thị xã Nghĩa Lộ.
Lớp học sửa xe máy tại Trường Trung cấp Nghề thị xã Nghĩa Lộ.

Tiếng nói từ cơ sở

Thị xã Nghĩa Lộ với dân số trên 27.000 người, 17 dân tộc sinh sống ở 4 phường, 3 xã. Qua khảo sát, số người trong độ tuổi lao động năm 2006 là 14.215 người, năm 2010 tăng lên 17.669 người. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề tạo việc làm, những năm qua, Nghĩa Lộ đã đặc biệt chú trọng đến công tác dạy nghề, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm bằng các mô hình: dệt thổ cẩm, trồng trọt, chế biến nông - lâm sản, chăn nuôi, thú y, gò, hàn, sửa chữa điện dân dụng, xe máy, mộc…; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn, mở rộng kinh doanh, tạo việc làm mới cho lao động. Ông Nguyễn Văn Đông - Phó chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Người dân thị xã thu nhập chủ yếu bằng nghề kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.

Để tạo một nghề mới cho lao động nông thôn là rất khó, bởi sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm. Mặt khác, thị xã không có doanh nghiệp lớn để thu hút nhiều lao động”. Những năm gần đây, thị xã  đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Nếu thanh niên có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, thị xã tạo mọi điều kiện cho học nghề, vay vốn; với hộ làm nông nghiệp, tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật bằng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh thâm canh tăng vụ trên đất 2 lúa, với các mô hình lúa cá, ngô, rau, hoa…đã góp phần tạo việc làm, thu nhập  ổn định cho hàng ngàn hộ dân.

Ở huyện vùng cao Trạm Tấu, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phúc Cường cũng không khỏi phân vân: “Trạm Tấu đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con. Sau 5 năm (2005 - 2010), huyện mở được 38 lớp cho 1.073 người, với các nghề chủ yếu như: trồng trọt, chế biến nông sản và kỹ thuật chăn nuôi, thú y. Các nghề khác chưa triển khai được bởi thiếu cán bộ, không có trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Biết công tác dạy nghề là rất cần thiết, nhưng ở Trạm Tấu thì quả thực là “lực bất tòng tâm”…”.

Chậm và khó khăn

 Công tác đào tạo nghề đối với một tỉnh miền núi như Yên Bái “sờ” vào đâu cũng thấy khó khăn. Mặc dù đến nay tỉnh đã có 20 cơ sở dạy nghề, tuy nhiên sản phẩm sau đào tạo nghề của Yên Bái vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động. Tình trạng người học nghề không có việc làm, làm việc không đúng nghề đào tạo chiếm số đông. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nghề còn chậm đi vào cuộc sống. Công tác xã hội hóa đào tạo nghề chưa thực sự được các cấp, các ngành quan tâm, bởi vậy chưa thu hút được lao động tham gia học nghề. Đội ngũ giáo viên có trình độ sư phạm kỹ thuật, giáo viên thỉnh giảng là kỹ sư, thợ lành nghề, nghệ nhân… tham gia dạy nghề ít.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 20 cơ sở dạy nghề, tuy nhiên sản phẩm sau đào tạo nghề của Yên Bái vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động.

Tình trạng người học nghề không có việc làm, làm việc không đúng nghề đào tạo chiếm số đông. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nghề còn chậm đi vào cuộc sống. 

Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2001 - 2010, công tác tuyển mới dạy nghề toàn tỉnh Yên Bái đạt 47.332 người. Trong đó: cao đẳng nghề 1.100 người (chiếm 2,3%), trung cấp nghề 5.685 người (chiếm 12%), sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 40.547 người (chiếm 85,7%). Công tác đào tạo nghề tập trung vào các nghề chính như: điện công nghiệp, điện dân dụng, công nghệ ô tô; hàn, chế tạo thiết bị cơ khí, công nghệ thông tin, kế toán, y tá, điều dưỡng thôn, bản, trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi, thú y… với nguồn ngân sách tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đầu tư giai đoạn này là 54 tỷ 404 triệu đồng. Số tiền trên đã đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề 27 tỷ 224 triệu đồng, xây lắp 27 tỷ 180 triệu đồng.

Đội ngũ giáo viên phục vụ dạy nghề  mặc dù còn yếu và thiếu, tuy nhiên hàng năm cũng được tăng cường, củng cố với tổng số 255 người. Trong đó: 54 giáo viên có trình độ sau đại học, 150 người có trình độ đại học và 52 người trình độ cao đẳng và các trình độ khác.

Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Giai đoạn 2001 đến 2009, công tác đào tạo nghề chưa thực sự được quan tâm chú trọng, dẫn tới tình trạng công tác xã hội hóa dạy nghề còn chậm, việc phân cấp lĩnh vực đào tạo để tạo thương hiệu riêng cho từng cơ sở dạy nghề chưa rõ ràng. Bởi vậy, theo Đề án Phát triển đào tạo nghề tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015, nguồn ngân sách đầu tư cho dạy nghề ước cần 380 tỷ đồng.

Số tiền trên tập trung đầu tư cho Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái khoảng 110 tỷ đồng, Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ 55 tỷ đồng và đầu tư cho các trung tâm dạy nghề công lập khoảng 92 tỷ đồng… Tổng nhu cầu biên chế cán bộ, giáo viên cũng nâng lên khoảng 399 người. Theo Đề án, chúng tôi đã xây dựng lộ trình cụ thể để các trường trọng điểm phải đạt tiêu chuẩn của khu vực. Để làm được việc này yêu cầu phải có những thiết bị giảng dạy hiện đại và sẽ chuyên môn hóa trong đào tạo của từng cơ sở. Có như vậy, chúng ta mới theo kịp và vượt các tỉnh trong khu vực…”.

 Hướng đào tạo nghề bền vững

Hiện nay, nhu cầu cần tuyển dụng công nhân có tay nghề đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và nước ngoài rất lớn. Ngoài yếu tố về sức khỏe, thì người có nghề còn được trả ở mức lương cao gấp nhiều lần so với lao động phổ thông, bởi vậy việc học nghề là rất cần thiết, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi lao động. Theo lộ trình 2010 - 2015, Yên Bái sẽ đào tạo nghề cho khoảng 68.500 người, trong đó: trình độ cao đẳng nghề 8.200 người, trung cấp nghề 14.700 người và sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên cho 45.600 người. Công tác dạy nghề cần gắn với các chương trình học ngoại ngữ, tin học, đây là những yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển và hội nhập của  Yên Bái.

 Thái Hưng

Các tin khác
Xã Khai Trung (Lục Yên) phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc ở thôn 1 Giáp Luồng.

YBĐT - Đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế là nội dung nổi bật ở huyện Lục Yên sau 15 năm được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) vừa vinh dự được UBND tỉnh Yên Bái xếp hạng 3 di tích cấp tỉnh, trong đó: di tích Đồi Dân quân và Khu di tích Đá Xô (xã Cát Thịnh) là di tích lịch sử cách mạng, di tích đình Bằng Là (xã Đại Lịch) là di tích lịch sử văn hóa.

Ngày 4-11, tại cuộc tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo" do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ - TB&XH) cho biết, hơn 4.000 lao động thuộc 62 huyện nghèo nhất cả nước đã và đang chuẩn bị đi làm việc tại Malaysia, Li bi, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo dự thảo Điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh sẽ bị xử lý kỷ luật nếu sử dụng điện thoại di động trong giờ học.

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, cấm học sinh đưa thông tin không lành mạnh lên mạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục