Tư duy mới về vệ sinh môi trường

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/6/2011 | 10:19:15 AM

YBĐT - Dự án Phát triển thị trường vệ sinh tại tỉnh Yên Bái đã hoàn thành giai đoạn I (2006 - 2010) và tiếp tục thực hiện giai đoạn II (2011 - 2013) với sức lan tỏa lớn, mang lại hiệu quả thiết thực đối với vấn đề vệ sinh môi trường (VSMT), đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng cao...

Nhà tiêu hợp vệ sinh được hộ gia đình tại xã An Bình (Văn Yên) xây dựng.
Nhà tiêu hợp vệ sinh được hộ gia đình tại xã An Bình (Văn Yên) xây dựng.

Người dân trong vùng dự án đã có sự chuyển đổi nhận thức, thay đổi hành vi trong đảm bảo VSMT, nhất là với việc xây dựng hệ thống nhà tiêu đảm bảo vệ sinh, tự tạo cho mình và những người xung quanh ý thức bảo vệ môi trường sống...

Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, năm 2006 (thời điểm khảo sát Dự án) cho thấy, toàn tỉnh mới có khoảng 23,4% hộ gia đình có các loại nhà tiêu được coi là hợp vệ sinh, tỉ lệ này ở các địa phương trong tỉnh còn thấp hơn, như huyện Văn Yên, chỉ có khoảng 17% hộ gia đình có nhà tiêu đủ tiêu chuẩn...

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Yên Bái phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe có liên quan đến nước và vệ sinh: 10% trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc bệnh tiêu chảy, 83% trẻ em mắc bệnh giun, 30,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng…

Nhằm góp phần giảm thiểu các căn bệnh có liện quan đến nước và VSMT trong cộng đồng người nghèo, tổ chức CODESPA đã tài trợ để Yên Bái thực hiện Dự án Phát triển thị trường vệ sinh tại tỉnh Yên Bái.

Qua giai đoạn I triển khai trên 12 xã của 2 huyện Văn Yên và Lục Yên gần 14 ngàn hộ dân, trong đó có 13% hộ nghèo, 47% hộ người dân tộc thiểu số, 17% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh....

Dự án đã tổ chức 259 cuộc họp dân với trên 12 ngàn lượt người tham dự (ước tính tiếp cận được khoảng 75% số hộ dân trên địa bàn Dự án). Bên cạnh đó, các hoạt động khác như: thăm hộ gia đình, tuyên truyền trên loa truyền thanh, phát tờ rơi... thường xuyên được tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề VSMT.

Ở các xã thực hiện Dự án, tỉ lệ người biết ít nhất 3 loại bệnh có liên quan đến VSMT là 62,7% (ở các xã đối chứng, tỉ lệ này chỉ là 33,3%), có 37,3% người được hỏi biết cách ngăn chặn các loại bệnh có liên quan đến VSMT (tỉ lệ này ở các xã đối chứng chỉ là 17,3%)...

Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, sự phối hợp chặt chẽ có hệ thống của các đơn vị, các cấp thực hiện, Dự án đã tạo nên sự thay đổi đáng kể về vấn đề VSMT cho các địa phương, xây dựng hệ thống nhà tiêu đủ tiêu chuẩn và đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn có khả năng thực hiện chương trình khuyến khích vệ sinh theo định hướng thị trường.

Kết quả thực hiện đã vượt so với chỉ tiêu cam kết với nhà tài trợ: tỉ lệ tiếp cận vệ sinh tại các xã tăng 37% so với thời kỳ trước khi thực hiện dự án, đã có 5.123 nhà tiêu được xây dựng bởi 100% vốn đầu tư từ các hộ dân (vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra)... Dự án đã thực sự tiếp cận được với người nghèo và hộ gia đình người dân tộc thiểu số với tỉ lệ 7% hộ nghèo và 42% hộ người dân tộc thiểu số tự đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng tỉ lệ hộ nghèo tại các xã thực hiện Dự án tự bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà tiêu lên 21%...

Đến tháng 12/2010, đã có 53% trong tổng số hộ dân trên địa bàn triển khai dự án có nhà tiêu hợp vệ sinh, các hộ gia đình đều sử dụng đúng cách, hợp vệ sinh, đảm bảo VSMT... Bà Mạnh Thị Thu Thêm, thư ký Dự án khẳng định: "Dự án đã thành công trong nâng cao nhận thức của cộng đồng nông thôn về thực hành vệ sinh, nâng cao hiểu biết về các bệnh liên quan đến VSMT và tầm quan trọng của thói quen vệ sinh, làm tăng nhu cầu đầu tư vào nhà tiêu hợp vệ sinh...

Dự án giúp xây dựng năng lực thể chế và năng lực cán bộ của Trung tâm YTDP tỉnh, cán bộ y tế các cấp trong quá trình phát triển thị trường và hình thành suy nghĩ mới về tiếp cận thị trường... Có thể nói, giai đoạn I của Dự án đã đem lại nhiều kết quả, tạo điểm nhấn tích cực đảm bảo VSMT tại các địa phương".

Được biết, giai đoạn II của Dự án sẽ tiến hành mở rộng ra các xã khác của huyện Văn Yên, Lục Yên và các huyện như: Văn Chấn, Mù Cang Chải... với các định hướng chính: duy trì và lặp lại việc thực hiện mô hình phát triển thị trường vệ sinh (đã thực hiện ở giai đoạn I) với quy mô lớn hơn, hỗ trợ để các chương trình của Chính phủ như: Chương trình 135, chuẩn quốc gia về y tế xã… có hiệu quả hơn thông qua việc lồng ghép mô hình "Phát triển thị trường vệ sinh" với các chương trình này...

Qua những kết quả đã đạt được trong giai đoạn I, mong rằng giai đoạn II của Dự án Phát triển thị trường vệ sinh tại tỉnh Yên Bái sẽ nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của cộng đồng các dân tộc Yên Bái để Dự án đem lại hiệu quả cao hơn nữa.

Anh Hải

Các tin khác

YBĐT - Thành phố Yên Bái phấn đấu đến năm 2015 sẽ có trên 95% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 100% thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước; 90% thôn, tổ nhân dân đạt danh hiệu văn hóa; 100% khu dân cư có nhà văn hóa cộng đồng.

YBĐT - 6 tháng đầu năm, tổng nguồn lực huy động cho hoạt động từ thiện nhân đạo trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 5 tỷ 591 tỷ đồng.

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ: Môi trường đào tạo tốt, chú trọng tới công tác nghiên cứu khoa học sẽ thu hút được người trẻ đến với Toán học.

Trường mầm non Hoa Phượng, phường Cầu Thia áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ giảng dạy cho trẻ.

YBĐT - Cùng với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn được quan tâm đặc biệt, nhất là về nâng cao sức khỏe, chăm lo học hành, vui chơi, giải trí...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục