Công tác dân số vùng cao: Khó khăn và giải pháp

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/7/2011 | 3:16:59 PM

YBĐT - Xác định rõ khó khăn, thách thức trong công tác DS-KHHGĐ ở vùng cao, ngoài chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết qui định tạm thời một số chế độ chính sách dân số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2010 và nghị quyết về đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2009-2012.

Tuyên truyền công tác dân số đến người dân vùng cao tại xã Phình Hồ (Trạm Tấu).
Tuyên truyền công tác dân số đến người dân vùng cao tại xã Phình Hồ (Trạm Tấu).

Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) những năm qua mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do sắp xếp lại tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ không ổn định, nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành đoàn thể và các tổ chức xã hội, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1.4.2009, tỷ suất sinh của tỉnh năm 2009 là 20,5%o, năm 2010 là 19,8%o giảm được 0,7%o, vượt chỉ tiêu trung ương giao 0,4%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 toàn tỉnh còn 9,63%, có 26 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên, tăng 6 xã so với năm 2009.

Mặc dù tỷ lệ sinh của tỉnh tiếp tục có xu hướng giảm, song kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, tỉnh ta chưa đạt mức sinh thay thế và vẫn là tỉnh có mức sinh cao so với toàn quốc, đặc biệt là vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống.

Bên cạnh các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc thì vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu, trong đó có các tập quán về hôn nhân và sinh đẻ, như: dựng vợ, gả chồng cho con rất sớm, muốn sinh nhiều con, thích con trai để có người nối dõi tông đường và có nhân lực đi nương, đi rẫy, tập tục kết hôn cận huyết thống. Người phụ nữ các dân tộc vùng cao hầu như không có vai trò quyết định mọi vấn đề trong gia đình.

Việc lấy chồng do cha mẹ áp đặt. Mặt khác giao thông đi lại không thuận tiện, thiếu cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là nữ hộ sinh nên việc cung ứng các dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản hạn chế. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thường xuyên quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ, còn có cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên… Tất cả nguyên nhân trên đã cản trở lớn đến công tác DS-KHHGĐ.

Xác định rõ khó khăn, thách thức trong công tác DS-KHHGĐ ở vùng cao, ngoài chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết qui định tạm thời một số chế độ chính sách dân số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2010 và nghị quyết về đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2009-2012, quan tâm đặc biệt đến công tác dân số ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh như: hỗ trợ các xã vùng cao tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ, hỗ trợ đối tượng thực hiện biện pháp tránh thai (triệt sản) cao hơn vùng thấp; hệ số khen thưởng đối với các xã vùng cao không có người sinh con thứ 3 và giảm nhanh sinh con thứ 3 trở lên gấp 1,5 lần so với vùng thấp.

Các nội dung hoạt động tuyên truyền cũng được quan tâm và tăng cường bằng nhiều hình thức: tổ chức hội nghị già làng, trưởng bản; tuyên truyền theo chủ đề hàng tháng bằng cả tiếng Mông, tiếng Thái, tổ chức xây dựng và triển khai các mô hình như: Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, Mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, Mô hình sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên trong trường học…

Tuy vậy, tỷ lệ sinh ở vùng cao của tỉnh vẫn còn trên 30%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có nơi trên 40%. Để thực hiện thành công mục tiêu công tác DS-KHHGĐ với các xã vùng cao, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Yên Bái cần tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ, chuyên môn hóa cán bộ quản lý và tổ chức thực hiện công tác dân số, nhất là tuyến cơ sở; bố trí cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã vào biên chế trạm y tế theo đúng Thông tư 05/2008/TT-BYT về hướng dẫn chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ để ổn định lâu dài.

Hai là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân số; nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể nhân dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác dân số, xử lý nghiêm cán bộ đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ, Luật bình đẳng giới phù hợp với từng vùng, từng dân tộc; triển khai có hiệu quả tháng cao điểm về dân số và chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ KHHGĐ, tập trung ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Bốn là, tiếp tục ban hành chính sách dân số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015, trong đó tăng chế độ khuyến khích đối tượng ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, khen thưởng thích đáng đối với xã làm tốt công tác DS - KHHGĐ và những xã không có người sinh con thứ 3, xã giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm.

Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.
Năm là, xây dựng chương trình phối hợp liên ngành, phân công, phân cấp theo quy chế phối hợp, xây dựng cộng đồng trách nhiệm thực hiện công tác dân số, đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước nhằm tạo phong trào toàn xã hội thực hiện các mục tiêu chính sách DS-KHHGĐ.

Sáu là, thực hiện quản lý điều hành theo chương trình mục tiêu quốc gia, phân bổ đầy đủ, tương ứng với mục tiêu được giao; công khai nguồn kinh phí, tập trung mục tiêu giảm sinh ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện nguồn lực đúng mục tiêu, có hiệu quả.

Lương Kim Đức

Các tin khác
Chân cột, hành lang của khu ký túc xá bị hở trơ lõi thép tầng 2, 3.

YBĐT - Hiện nay, khu nhà A, ký túc xá (KTX) Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vết rạn, nứt kéo dài, tường bị bong nhiều mảng lớn, trơ ra những khung sắt.

Đại tá Trần Đức Ánh, thay mặt ban Giám đốc Công an tỉnh ký quy chế phối hợp với Điện lực Yên Bái trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

YBĐT - Khi mới ra đời, lực lượng còn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, nhưng với phẩm chất, bản lĩnh và nhiệt huyết cách mạng, cán bộ, chiến sĩ Công an Yên Bái nói chung, lực lượng an ninh Yên Bái nói riêng đã nhanh chóng ổn định tổ chức và đi vào hoạt động.

Ban bảo vệ dân phố phường Yên Thịnh phối hợp với công an khu vực tuần tra và kiểm tra hộ khẩu cư trú tại nhà trọ ở cụm dân cư số 12.

YBĐT - Ban bảo vệ dân phố phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái đã phân trực tuần tra ngày đêm để nắm chắc tình hình, diễn biến an ninh trật tự tại các khu phố cũng như đề xuất với các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra.

Thí sinh làm bài trắc nghiệm môn Sinh học kỳ thi ĐH năm 2011.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước có 30 thí sinh khuyết tật đã được xét thẳng vào ĐH năm 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục