Ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại tại cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/12/2012 | 10:02:56 AM

YBĐT - Sau 7 tháng triển khai, mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD), bị bạo lực dựa vào cộng đồng ở phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã phát huy hiệu quả.

Trẻ em ngoài quyền được học tập vui chơi còn được bảo vệ trước những nguy cơ bị xâm hại. (Ảnh:Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái).
Trẻ em ngoài quyền được học tập vui chơi còn được bảo vệ trước những nguy cơ bị xâm hại. (Ảnh:Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái).

Mặc dù những năm qua trên địa bàn phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) không có trẻ bị xâm hại, bạo lực nhưng do trình độ dân trí của người dân không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nhất là công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Cầu Thia vẫn là một trong những địa phương có nguy cơ cao về tình trạng trẻ bị xâm hại tại cộng đồng. Trước thực trạng đó, năm 2012, phường được chọn triển khai thí điểm mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD), bị bạo lực dựa vào cộng đồng.

Được xây dựng và triển khai từ tháng 5/2012, với mục tiêu tăng cường các biện pháp chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền và sự phối hợp liên ngành tại cơ sở, cộng đồng, đặc biệt là huy động các tổ chức xã hội tham gia thực hiện chính sách cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ và gia đình góp phần ngăn ngừa và giải quyết có hiệu quả tình trạng trẻ em bị XHTD, bị bạo lực, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, phường Cầu Thia đã thành lập Ban chỉ đạo mô hình do đồng chí Phó chủ tịch UBND phường làm trưởng ban, thành viên là đại diện các ngành, đoàn thể, trưởng thôn, hiệu trưởng trường THCS, Trạm trưởng Trạm Y tế xã.

Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ban hành các tài liệu tuyên truyền, trợ giúp, tư vấn cho các gia đình có nạn nhân bị bạo hành, tổ chức tuyên truyền nội dung các hoạt động của mô hình trên hệ thống loa truyền thanh phường, qua các buổi sinh hoạt, xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức hội nghị phổ biến mô hình và tổ chức triển khai các hoạt động diễn đàn.

Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo đã lựa chọn 30 hộ gia đình tiêu biểu ở 9 tổ dân phố có trẻ dưới 16 tuổi và lựa chọn 10 em cả nam và nữ trong độ tuổi từ 12 đến 16 tuổi tham gia mô hình. Bằng hình thức chia nhóm sinh hoạt tại tổ dân phố định kỳ sinh hoạt vào những ngày thứ bảy, chủ nhật cuối tháng, nội dung mô hình tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về kỹ năng phòng, ngừa, trợ giúp trẻ bị XHTD, bị bạo lực dựa vào cộng đồng, đồng thời tuyên truyền để các em biết các kỹ năng phòng, tránh bị xâm hại, bị bạo lực.

Cùng với đó là củng cố mạng lưới cộng tác viên về bảo vệ trẻ em, thực hiện thường xuyên thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em trong các buổi họp thôn, xã theo định kỳ để phát hiện và ngăn ngừa kịp thời tình trạng trẻ có nguy cơ bị xâm hại trên địa bàn.

Ông Lò Văn Oai, tổ dân phố 1, thành viên được lựa chọn tham gia mô hình cho biết: "Trước đây những vấn đề về quyền, trách nhiệm trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tôi đã được nghe qua nhưng khi tham gia mô hình, được tập huấn và trang bị kiến thức tôi mới hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi gia đình với các em không chỉ là quyền được học, được vui chơi mà còn được bảo vệ và chăm sóc, giáo dục để hoàn thiện nhân cách, tránh những ảnh hưởng xấu tác động từ xã hội, nhất là trẻ em nữ".

Ông Lò Văn Thuận, thành viên trong mô hình tâm sự: "Sau khi được lựa chọn để tham gia mô hình, qua các buổi tập huấn, trao đổi và được nghe tâm sự của các cháu tôi mới hiểu rằng là người cha, người mẹ không nên quá áp đặt cho các cháu, những điều mà mình cho là đúng, mà cần lắng nghe, đôi khi cần hòa đồng như người bạn để có thể chia sẻ với con cái những tâm tư, tình cảm trong cuộc sống, bởi đây là lứa tuổi rất nhạy cảm với những biến đổi của môi trường sống. Nếu mình cứ áp đặt, không lắng nghe, không quan tâm chia sẻ, trẻ sẽ không có chỗ dựa và rất dễ sa ngã vào các thói hư tật xấu khó có thể lường trước. Hơn nữa khi được lựa chọn tham gia mô hình, tôi cũng là một trong những tuyên truyền viên tích cực để vận động các gia đình khác cùng nhau quan tâm chăm sóc nuôi dạy con cái tốt hơn".

Em Hà Hải Vân, một trong số 10 em được lựa chọn tham gia mô hình cho biết: "Tham gia mô hình, chúng em được trang bị những kiến thức để biết cách bảo vệ mình trước những mối nguy hại của xã hội, đồng thời chúng em cũng là những tuyên truyền viên tích cực tại các buổi sinh hoạt nhà trường, khu phố, giúp các bạn nhỏ hiểu và biết cách phòng ngừa XHTD, bị bao lực".

Cũng là thành viên của mô hình, em Trương Anh Tuấn cho biết: "Qua các buổi sinh hoạt, chúng em được giao lưu, trao đổi, đối thoại trực tiếp với các bạn cùng trang lứa và với các cô, các bác trong Ban chỉ đạo, chúng em thêm mạnh dạn và tự tin hơn nhiều, đồng thời cũng có những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý của lứa tuổi mới lớn để biết cách chia sẻ với nhau".

Mặc dù thời gian triển khai chưa lâu, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành nên sau 7 tháng triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả. Công tác truyền thông, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền cơ sở và ý thức của gia đình về bảo vệ trẻ em trước nguy cơ XHTD, bạo lực được nâng cao.

Việc thu hút các em vào các hoạt động ngoại khoá là cơ hội, điều kiện nâng cao kỹ năng, kiến thức phòng ngừa XHTD, bị bạo lực dựa vào cộng đồng của lớp trẻ. Từ đó, giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại tại cộng đồng trên địa bàn.

Lệ Thanh

Các tin khác

YBĐT - Bằng lòng nhiệt huyết của mình, trái tim yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô giáo ở Văn Yên vẫn bám lớp, bám trường, khắc phục mọi khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Không khí lạnh tăng cường còn gây rét đậm diện rộng tại miền Bắc trong 2- 3 ngày tới, sau đó mới suy yếu dần.

Nông dân xã Minh Quân chăm sóc ngô vụ đông.

YBĐT - Để phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình hội viên nông dân nói riêng và của nhân dân trên địa bàn nói chung phát triển mạnh hơn nữa, cấp uỷ chính quyền và các đoàn thể xã Minh Quân đang tiếp tục đề ra những giải pháp tích cực, cụ thể để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

YBĐT - Từ trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 16/12/2002, đến ngày 30/09/2012, trên địa bàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 21 trường hợp nhiễm HIV có hồ sơ quản lý trong đó có 11 trường hợp đã tử vong. HIV/AIDS đã len lỏi vào 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục